Trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2022 - 2023 do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ký ban hành, có hướng dẫn thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu rà soát, quy hoạch hợp lý mạng lưới trường, lớp. Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục tiểu học theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, bảo đảm nguyên tắc thuận lợi cho việc học của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Khắc phục tình trạng nhiều điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ, trường học có quy mô lớp học và sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định. Cần tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục tiểu học của địa phương.
Bộ GD&ĐT cũng lưu ý: khi sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới trường, lớp tiểu học cần phải gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; phù hợp tâm, sinh lý lứa tuổi học sinh và nhu cầu, điều kiện thực tế của mỗi địa phương.
“Khi thực hiện quy hoạch, dồn ghép trường lớp cần ưu tiên dồn ghép các trường tiểu học có quy mô nhỏ với nhau; có thể bố trí điểm trường, có thể thành lập trường tiểu học liên xã, liên phường; không thành lập trường liên cấp mầm non - tiểu học”, văn bản của Bộ GD&ĐT nêu rõ.
Đối với các trường liên cấp tiểu học - trung học cơ sở, Bộ GD&ĐT yêu cầu đảm bảo quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó đặc biệt quan tâm đến khối phòng học tập, khối phụ trợ cần bố trí thành phân khu riêng biệt cho từng cấp học; trong đó các phòng học bộ môn cần được bố trí riêng biệt cho các cấp học, ngoại trừ các phòng có thể dùng chung cho một số môn học.
Bộ GD&ĐT yêu cầu tăng cường hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh
Bộ GD&ĐT đã gửi công văn số 4252/BGDĐT-GDCTHSSV đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông.
Theo Bộ GD&ĐT, công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện tại nhiều địa phương chưa được quan tâm, chú trọng; hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng, xã hội về sức khỏe tinh thần và tâm lý học đường chưa phong phú, đa dạng và hiệu quả; công tác tư vấn tâm lý học đường tại nhiều cơ sở giáo dục thực hiện còn lúng túng, chưa đúng quy trình, chưa bảo đảm đúng yêu cầu; chưa có biên chế nhân sự chuyên trách phụ trách công tác tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục… Đặc biệt, sau 02 năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều học sinh phổ thông đã gặp các vấn đề tâm lý như căng thẳng, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, trầm cảm, tự tử...
Trong năm 2022 và các năm tiếp theo, để bảo đảm và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tăng cường triển khai công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể sau đây:
Tiếp tục quán triệt thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh: Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021, Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021, Thông tư 33/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018.
Đồng thời tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, gia đình - nhà trường - xã hội về vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh. Hoạt động truyền thông cần thực hiện thường xuyên, liên tục, có chiều sâu và có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn.
Chỉ đạo Sở Y tế và các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội liên quan tại địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT trong triển khai phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp với những trường hợp học sinh có khó khăn về tâm lý.
Chỉ đạo Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể và hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc, hình thức, nội dung tư vấn tâm lý học đường; có biện pháp phòng ngừa, phát hiện và can thiệp kịp thời về tư vấn tâm lý học đường; có đánh giá, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt hoạt động hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh; chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục về tư vấn tâm lý học đường.
Sắp xếp, bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên phụ trách tư vấn tâm lý học đường
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Nội vụ sắp xếp, bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên phụ trách tư vấn tâm lý học đường theo quy định; nghiên cứu cơ chế bố trí cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý theo diện hợp đồng lao động.
Xem xét bố trí ngân sách, cơ sở vật chất cho dịch vụ hỗ trợ, tư vấn tâm lý tại địa phương; triển khai giải pháp huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục; chỉ đạo các Sở, ngành chức năng tham mưu về chế độ đãi ngộ, chính sách liên quan để hỗ trợ, động viên các cán bộ, giáo viên thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục cũng như hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh tại các tổ chức, đơn vị, cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan.
Cự Giải (T/h)