Theo đó, Bộ Công an vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa rà soát, kiểm tra và cung cấp thông tin, tài liệu đối với khách sạn, resort là địa điểm cách ly; Cung cấp thông tin tài liệu phục vụ điều tra vụ án hình sự liên quan đến người nhập cảnh và các chuyến bay tự trả phí.
Cụ thể, thống kê cung cấp toàn bộ hồ sơ resort, khách sạn đã nộp để xin là địa điểm cách ly đón công dân Việt Nam từ nước ngoài hồi hương trên các chuyến bay tự trả phí cách ly, bao gồm cả hồ sơ những khách sạn không được chọn là địa điểm cách ly.
Những đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, tham mưu, đề xuất giải quyết hồ sơ của khách sạn, resort (đơn vị đầu mối hồ sơ, đơn vị phối hợp…) xin là địa điểm cách ly.
Cung cấp tài liệu thể hiện quá trình giải quyết từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi ban hành quyết định lựa chọn địa điểm cách ly. Danh sách những cá nhân tham gia quá trình xét duyệt hồ sơ của khách sạn, resort (cán bộ đề xuất, ký trình, ký ban hành…)
Đối với việc xin chủ trương cách ly, Bộ Công an yêu cầu thống kê và cung cấp toàn bộ hồ sơ doanh nghiệp nộp đăng ký xin chủ trương cách ly để tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài hồi hương trên chuyến bay tự trả phí.
Cụ thể, những doanh nghiệp nào được cấp và không được cấp chủ trương cách ly; lý do không cấp chủ trương cách ly; những doanh nghiệp cấp chủ trương cách ly nhưng không tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước…
Đồng thời, đối với việc tổ chức chuyến bay đưa công dân về cách ly, Bộ Công an yêu cầu hồ sơ của doanh nghiệp báo cáo xin tổ chức chuyến bay sau khi đã được tổ 5 Bộ cấp phép thực hiện. Việc giám sát, kiểm tra hoạt động cách ly tại khách sạn, những đơn vị tham gia, cung cấp danh sách đoàn giám sát, kiểm tra hoạt động cách ly và kết quả kèm theo.
Ngoài ra, Bộ Công an yêu cầu tỉnh Thanh Hóa sao lưu, cung cấp báo cáo định kỳ hàng tháng và đột xuất (nếu có) về công tác tiếp nhận, cách ly người nhập cảnh mà UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công an đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp thực hiện và gửi nội dung trả lời trước ngày 1/11.
Khánh Ngân