(ĐSPL) - Hiện nay, việc các yếu tố thiếu lành mạnh xuất hiện thường xuyên trong trào lưu chế, sáng tác truyện tranh bẩn, đồi trụy không còn quá mới mẻ, lạ lẫm với cộng đồng mạng. Nguy hiểm hơn, trào lưu đáng lên án trên kéo theo nỗi lo sự trong sáng của tiếng Việt, văn hóa, đạo đức của một bộ phận giới trẻ bị vấy bẩn khi ngày càng nhiều cư dân mạng đua nhau bình, kể, chia sẻ loại hình giải trí trên bằng thơ 18+.
Tràn lan các diễn đàn, trang truyện tranh hài "bẩn"
Nối tiếp trào lưu chế ảnh hài mang mục đích "mua" tiếng cười, cộng đồng mạng đua nhau sáng tác, chuyển ngữ các loại truyện tranh hài thiếu lành mạnh. Tìm hiểu thực tế từ các diễn đàn, nguyên nhân thể loại trên trở nên hấp dẫn, thu hút người tham gia đến từ cách hiểu bất ngờ, táo bạo về đời sống trụy lạc, dục vọng mà nội dung câu chuyện truyền tải. Mặc dù mục đích chính của thể loại này là để mua vui, giải trí nhưng nhiều trang mạng, diễn đàn lại để người sáng tác, chuyển ngữ sử dụng sự đồi trụy để "câu" tiếng cười.
Sự đồi trụy, thiếu lành mạnh trên xuất phát từ cả hình ảnh, ngôn ngữ của truyện. Nhiều trang đã bắt đầu xuất hiện những hình ảnh nhạy cảm theo kiểu "ảnh 18+" với những lời thoại thô tục theo kiểu giang hồ như: "Truyện bựa Hàn quốc xẻng.", "Haihuocvl", "HaiVL", "Bựa nương", "Truyện bựa Lee Chul", "Truyện bựa MR. FAP",... Nội dung của các truyện trên xoáy mạnh vào những đề tài giường chiếu, chăn gối, đời sống vợ chồng,... đầy nhục dục bằng ngôn ngữ, hình ảnh khiếm nhã, thô tục vô cùng phản cảm.
Sự hài hước từ ngôn ngữ táo bạo, nội dung, hình ảnh đồi trụy khiến truyện hài, "truyện bựa" dần thu hút một bộ phận giới trẻ. Thậm chí, thể loại thiếu lành mạnh này phổ biến đến nỗi chúng được chia sẻ tràn ngập trên các trang mạng cá nhân. Ghi nhận thực tế, các truyện hài có nội dung xoay quanh chuyện giường chiếu với cách hiểu càng táo bạo, càng bất ngờ thì càng được chú ý, chia sẻ. Theo đó, các câu chuyện "bựa" của "Bựa nương", "Kim Chi & Củ Cải",... liên tục xuất hiện trên các mạng, diễn đàn,...
Trang Haivl vừa bị "đóng cửa", trước đây nổi tiếng với trào lưu bình truyện tranh hài bằng thơ 18+. |
Đáng nói hơn, sự phổ biến thiếu kiểm soát của truyện tranh hài tục tĩu kéo theo hiện tượng xuất hiện tràn lan các trang web giải trí thiếu lành mạnh. Thực tế, hiện nay, ngoài các trang web hài, sáng tác truyện vui, truyện hài thuần túy bị cạnh tranh, lấn ép một cách khốc liệt của hệ thống web hài có nội dung thiếu lành mạnh. Dạo qua các trang web hài như: "Haivl", "VaiXoai", "Tucvai",... các truyện “bẩn” được chuyển ngữ, sáng tác đều được đăng tải một cách công khai. Nguy hiểm hơn, ngoài sự thiếu lành mạnh từ hình ảnh đến nội dung, truyện tranh hài đang "gặm nhấm" sự trong sáng của tiếng Việt, đạo đức, văn hóa nước nhà khi kéo theo một bộ phận lớn giới trẻ đua nhau bình luận, phân tích nội dung truyện bằng thơ 18+.
"Bình" truyện bằng thơ 18+
Gây cười bằng tình huống truyện, cách hiểu táo bạo, bất ngờ về chuyện chăn gối, nhục dục, một số truyện tranh hài "bẩn" cũng khiến độc giả không nắm bắt được nội dung, ý nghĩa. Do đó xuất hiện bộ phận giải nghĩa, giải thích nội dung truyện bằng nhiều cách thức khác nhau. Tùy vào các hình thức giải thích, tần suất xuất hiện, cách hiểu nội dung truyện khác nhau, những người này được cộng đồng mạng gọi vui là "thánh". Và nổi bật nhất trong những cách thức giải thích, bình luận, phân tích thể loại truyện tranh hài này là thơ 18+.
Bám theo nội dung truyện, các "thánh thơ 18+" phân tích, bình luận bằng thứ ngôn từ sặc mùi đồi trụy. Ghi nhận từ web giải trí "Haivl", đằng sau những mẩu truyện tranh hài “bẩn” đều xuất hiện các "thánh thơ 18+" diễn giải, bình luận bằng ngôn từ thô tục và vô cùng phản cảm.
Đáng nói hơn, mặc dù xuất thân từ những nội dung đáng lên án, thơ 18+ không chỉ không bị đả kích mà còn trở thành sân chơi thu hút sự tham gia của một bộ phận giới trẻ. Ghi nhận từ các web có đăng tải truyện tranh hài bẩn, thể loại thơ đồi trụy như trên xuất hiện tràn lan. Hơn thế, các thành viên, bạn đọc còn đua nhau sáng tác tạo thành hiện tượng đối thơ, thử tài thơ giữa các độc giả. Thể loại trên phát triển, phổ biến đến nỗi được các bạn trẻ tham gia bình luận, chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội như Facebook, Google+,... mà cố tình bỏ qua những hệ lụy đáng buồn của nó.
Theo đó, sự phát triển một cách thiếu kiểm soát của thơ 18+ khiến các nhà giáo dục lo ngại. Các chuyên gia tin rằng việc giới trẻ sáng tác, chuyển ngữ truyện tranh hài sử dụng hệ thống những quán ngữ, khẩu ngữ thô tục là hết sức đáng ngại. Những quán ngữ, khẩu ngữ thô tục, khiếm nhã trên xuất hiện dày đặc đến nỗi trở thành những "tục ngữ", "thành ngữ", câu cửa miệng, lời thoại tạo tính hài hước, gây cười không thể thiếu của thể loại trên. Đáng lưu tâm hơn, lời thoại, thậm chí những lời bình, bình luận khiếm nhã, thiếu văn hóa dưới hình thức thơ tự do như trên đã đi vào đời sống thực của không ít giới trẻ.
Các nhà tâm lý, giáo dục cũng nhận định, hiện tượng trên đang góp phần làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt nói chung và thể loại văn học là thơ nói riêng. Theo đó, thạc sỹ ngôn ngữ học Lê Nguyễn Hoàng Mai, trường đại học Sư phạm TP.HCM khẳng định: "Việc phát triển những ngôn từ như trên là sự nguy hại cho văn hóa ứng xử của giới trẻ, nguy hại trong việc phát huy và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Có thể nói, tiếng Việt của chúng ta đang ngày càng bị dùng một cách méo mó, lệch lạc mà chúng ta vẫn hay nói vui là "ngôn ngữ vỉa hè". Và, hiện trạng trên là một trong những nguyên nhân làm mất đi những nét đẹp, sự trong sáng của tiếng Việt".
Cũng theo thạc sỹ Hoàng Mai, đáng lo ngại hơn, thể loại thơ “bẩn” trên xuất hiện một cách công khai, đại trà, thiếu kiểm soát trên các trang mạng nơi mọi lứa tuổi, mọi thành phần đều có thể tiếp cận. Ghi nhận thực tế, số thành viên, độc giả của thể loại thơ 18+ đa số là giới trẻ, thậm chí là những em học sinh non nớt, chưa có khả năng tiếp thu một cách có chọn lọc. Hiện thực trên khiến không ít nhà giáo dục lo lắng việc câu chữ, vần điệu, ngôn từ thiếu chọn lọc, khiếm nhã và thiếu văn hóa trên sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự tiếp nhận ngôn ngữ của lứa tuổi học đường.
Nguy cơ ngôn ngữ “bẩn” đi vào đời sống hằng ngày "Ngôn ngữ là vỏ của tư duy, do đó cách viết, "cách sáng tác" như trên sẽ làm nếp suy nghĩ của một số độc giả lệch lạc theo. Hiện nay, một bộ phận lớn giới trẻ không tích lũy ngôn ngữ trong sáng cho mình mà ngược lại thường xuyên sử dụng các loại ngôn ngữ "chat", "tiếng lóng", thậm chí những câu, từ tục tĩu, khiếm nhã. Nếu không có biện pháp cụ thể để ngăn chặn thì rất có thể những ngôn ngữ, thể loại thiếu lành mạnh trên sẽ trở thành ngôn ngữ đời sống dùng hằng ngày", thạc sỹ chuyên ngành Văn học Việt Nam Bùi Thị Hạnh nhận định. |