(ĐSPL) - Để khắc phục hậu quả, mất mát vô cùng lớn mà mưa lũ gây ra, tỉnh Bình Định đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ khẩn cấp 500 tỷ đồng.
Báo Dân trí đưa tin, ngày 19/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 500 tỷ đồng nhằm khắc phục hậu quả mưa lũ.
Cụ thể, số tiền hỗ trợ khôi phục hạ tầng giao thông là 180 tỷ đồng; hỗ trợ khôi phục hạ tầng đê điều, thủy lợi, nước sinh hoạt là 180 tỷ đồng; hỗ trợ đời sống dân sinh là 100 tỷ đồng; hỗ trợ giống lúa để phục vụ sản xuất đông xuân 2016 - 2017 là 40 tỷ đồng.
Chỉ trong thời gian ngắn, Bình Định chịu liên tiếp 5 trận lũ lớn. Ảnh: Thanh niên. |
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị Thủ tướng Chính phủ sắp xếp một gói ODA cho các tỉnh miền Trung, trong đó có Bình Định để phục hồi, tái thiết cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, dân sinh, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai.
Theo nguồn tin trên báo Thanh niên, ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đã có công văn đề nghị Bộ GD-ĐT hỗ trợ gần 68.000 bộ sách giáo khoa và 926.000 cuốn vở cho học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh.
Đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ giống lúa, vắc xin, thuốc phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; đề nghị Bộ Y tế giúp địa phương phòng chống dịch bệnh sau lũ; đề nghị Bộ Tài nguyên - môi trường hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn địa phương xử lý môi trường sau lũ để đảm bảo sức khỏe nhân dân.
Từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12/2016, Bình Định là địa phương phải gánh chịu liên tiếp 5 đợt lũ lớn nhất trong lịch sử, làm 31 người chết, hàng chục người bị thương; hàng ngàn ha lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, nước sạch, trường học, cơ sở y tế bị hư hỏng nghiêm trọng; hàng trăm ngôi nhà bị sập; hàng ngàn người mất hết tài sản, nhà cửa, lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, đời sống rất cơ cực.
Cũng theo báo Dân trí, tính đến sáng 19/12, tại nhiều địa phương của Bình Định, giao thông vẫn chia cắt. Hàng trăm hộ dân ở thôn Hưng Liêm, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước vẫn bị cô lập do nước bao vây các tuyến giao thông liên thôn. Để di chuyển người dân phải đi 2 chặng ghe máy, với giá 10.000 đồng/lượt.
Báo Tuổi trẻ cho biết, trước đó vào ngày 16/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm hỏi, thị sát vùng lũ Bình Định và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.
Cứu trợ khẩn cấp người dân thôn Phú Sơn, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn (Bình Định) bị nước lũ cô lập trong nhiều ngày qua. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Sau khi thăm hỏi, động viên các gia đình có người thân bị nạn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tỉnh Bình Định kiểm tra, rà soát, bằng mọi biện pháp phải tiếp cận cho được các khu vực dân cư còn đang bị ngập sâu, chia cắt để kịp thời hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, không để người dân nào bị đói, khát.
Ngoài ra, cần chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm không bảo đảm an toàn, nhất là các hộ ở ven sông, suối, vùng thấp trũng, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Giám sát chặt chẽ việc vận hành hồ chứa nước, phối hợp với chủ hồ tổ chức vận hành an toàn các hồ chứa trên địa bàn góp phần giảm lũ cho hạ du nhưng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình, không để xảy ra sự cố vỡ đập.
Điều 30 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 quy định Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai như sau: "1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm: a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân; b) Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả; c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất; d) Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường; đ) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai; e) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai. 2. Trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được quy định như sau: a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tham gia hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền; b) Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều này; c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu; d) Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai". Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
(Tổng hợp)