(ĐSPL) - Tại miền Trung, mưa lũ kéo dài trong những ngày qua đã làm 10 người chết, 8 người mất tích và 18 người bị thương. Ngoài ra, nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hại.
Tin tức trên VOV cho biết, đến sáng ngày 5/11, lũ tại các tỉnh Nam Trung Bộ đang xuống chậm. Riêng tại Phú Yên, nước vẫn còn ở mức cao. Nhiều xã thuộc huyện Đồng Xuân vẫn còn cô lập.
Mưa lũ tại các tỉnh miền Trung những ngày qua đã làm 10 người chết, 8 người mất tích và 18 người bị thương.
Mưa lũ tàn phá miền Trung khiến 18 người chết và mất tích. Ảnh: baochinhphu.vn. |
48 ngôi nhà đã bị sập, 146 nhà hư hỏng và tốc mái, 38.000 ngôi nhà đang ngập trong lũ. Gần 7.500ha lúa bị lũ nhấn chìm, hơn 30.000 gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi, 44 cầu cống bị sạt lở và cuốn trôi, hàng chục ngàn mét khối giao thông, thủy lợi sạt lở.
Báo Chính phủ đưa tin, về giao thông, một số đoạn thuộc các tuyến đường quốc lộ/ tỉnh lộ: QL 15, ĐT 559, ĐT 564B (Quảng Bình); QL29, ĐT.641, ĐT.642, ĐT.644, ĐT.650, ĐT.647 (Phú Yên); ĐT.676, ĐT.673 (Kon Tum); QL 25 đoạn qua xã Ia Sao, đỉnh Đèo Tô Na (Gia Lai) hiện vẫn đang bị ngập, giao thông chia cắt.
Ngoài ra, một số tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã thuộc các huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình), TP Nha Trang (Khánh Hòa); huyện M’Drak, Krông Bông; thị xã Ayun Pa, huyện Krông Pa, huyện Ia Pa, huyện Kbang, thị xã An Khê (Gia Lai) hiện vẫn bị ngập cục bộ sâu từ 0,4 – 1,5m.
Nhiều tuyến đường ở Khánh Hòa bị ngập. Ảnh: Dân trí. |
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện lũ trên các sông ở Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên và sông Cái Nha Trang (Khánh Hòa) đang xuống; sông Dinh Ninh Hòa (Khánh Hòa), Cái Phan Rang (Ninh Thuận) và các sông ở Đắk Lắk đang lên.
Dự báo trong 12 giờ tới, mực nước trên các sông ở Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên tiếp tục xuống; mực nước các sông ở Khánh Hòa, Ninh Thuận còn dao động ở mức cao; các sông ở Đăk Lăk tiếp tục lên.
Tỉnh Bình Định kiểm tra chặt chẽ vận hành các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh theo Quy trình liên hồ; Triển khai các hoạt động hỗ trợ ban đầu cho nhân dân vùng lũ, thống kê, đánh giá thiệt hại, xác định nhu cầu hỗ trợ và chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân.
Điều 30 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 quy định Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai như sau: 1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm: a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân; b) Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả; c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất; d) Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường; đ) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai; e) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai. 2. Trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được quy định như sau: a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tham gia hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền; b) Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều này; c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu; d) Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai". |
BẢO KHÁNH(Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]M9IOTExrUM[/mecloud]