(ĐSPL) – Biển Đông sẽ là đề tài hàng đầu trong cuộc đàm phán Mỹ-Trung cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng về thương mại-an ninh tuần này.
|
Biển Đông: Chủ đề hàng đầu của Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung lần thứ 6 |
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel ngày 7/7 đã dẫn đầu một phái đoàn lên đường đi Bắc Kinh để tham dự Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung lần thứ 6 sẽ diễn ra trong hai ngày 9-10/7.
Gián điệp tin học, căng thẳng trên Biển Đông giữa Trung Quốc với các láng giềng là những hồ sơ gai góc đang làm cho quan hệ Mỹ-Trung trở nên xấu đi.
Từ Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, thông tín viên Scott Stearns của VOA cho biết các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh dự kiến sẽ bao gồm vụ các giàn khoan dầu mới của Trung Quốc ở ngoài khơi Việt Nam, một vấn đề đã làm tăng căng thẳng tại Biển Đông.
Việt Nam nói các giàn khoan của Trung Quốc nằm trong phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, và công bố một băng video chiếu cảnh một chiếc tàu của Trung Quốc đang đâm vào một tàu kiểm ngư Việt Nam gần địa điểm này.
Việt Nam đang làm việc với Philippines về việc đưa Trung Quốc ra tòa để thách thức những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông. Giáo sư Hillary Mann Leverett của Đại học American University nhận định: “Cả Nhật Bản lẫn Philippines đều có hiệp định quốc phòng với Mỹ, theo đó Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ các nước này, ngay cả trong cuộc tranh chấp về một hòn đảo hiểm trở. Chúng ta không có hiệp định với Việt Nam. Thế cho nên Trung Quốc có thể lấn ép Việt Nam nhiều hơn so với Nhật Bản hay Philippines”.
Tuy Mỹ đang giúp nâng cấp hải quân Philippine, nhưng Washington vẫn tỏ ra trung lập trong bất kỳ vụ tranh chấp đối kháng nào ở Biển Đông. Về vấn đề này, học giả Michael Auslin thuộc Viện Kinh doanh Mỹ nhận định “Nhưng điều đó không có nghĩa là chính sách của chúng ta phải đình chỉ hay tê liệt khi nhìn thấy Trung Quốc hành động một cách hung hăng. Có rất nhiều thứ chúng ta có thể làm được. Nhưng chính quyền của ông Obama, ít nhất trong nhiệm kỳ này, đã quyết định sẽ sử dụng sự mơ hồ về pháp lý để không can dự”. Theo ông điều đó đã làm giảm giá trị của cuộc Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ-Trung trong tuần này.
Học giả Michael Auslin nói thêm: "Nói một cách nghiêm túc, chúng ta phải đặt câu hỏi liệu Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung có còn tác dụng gì nữa hay không? Nó đã không đạt được điều gì có thực chất”.
Kể từ khi Tổng thống Obama đưa ra chính sách “xoay trục” về Châu Á, quan hệ Trung-Mỹ trải qua nhiều biến động dữ dội trong nhiều tháng nay, nhất là kể từ sau vụ Tư pháp Hoa Kỳ buộc tội 5 quân nhân Trung Quốc về hành động tin tặc và gián điệp kinh tế. Trước chuyến đi Bắc Kinh, trợ lý ngoại trưởng Daniel Russel giải thích với AFP rằng Ngoại trưởng John Kerry sẽ đưa vấn đề ra trong các buổi nói chuyện với Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương vì tình hình rất cấp bách, và hai bên cần hợp tác để góp phần hình thành các chuẩn mực quốc tế.
Về vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông, lập trường của Washington là không bênh bên nào, nhưng như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel từng tuyên bố Mỹ sẽ không ngồi yên, nếu trật tự thế giới bị đe dọa.
Hồ sơ thứ ba - cũng quan trọng - là đồng nhân dân tệ Trung Quốc. Mỹ tố cáo Trung Quốc cố tình ghìm giá đồng nội tệ.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung lần này sẽ đề cập đến những “thách thức và cơ hội cho cả hai bên về những chủ đề theo một trình tự song phương, khu vực và thế giới”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bien-dong-chu-de-hang-dau-trong-dam-phan-my-trung-a39984.html