(ĐSPL) - Năm 2015, thông qua các hoạt động cả công khai lẫn bí mật, Bộ Công an sẽ tăng cường chấn chỉnh hoạt động của CSGT. Vậy, Bộ Công an sẽ giám sát bằng cách nào?
Theo tin tức từ Kiến thức, ngày 13/1, tại hội nghị trực tuyến về an toàn giao thông diễn ra ở Hà Nội, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định sẽ bí mật giám sát hoạt động của CSGT nhằm tăng cường chấn chỉnh hoạt động của lực lượng CSGT, đặc biệt là liên quan tới quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của CSGT ở ngoài đường.
Từ nay, hoạt động của lực lượng CSGT sẽ được Bộ Công an giám sát bằng biện pháp cả công khai và bí mật. (Ảnh minh họa) |
Trước thông tin này, chia sẻ với PV báo Đất Việt, một CSGT làm việc tại chốt Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến nói: "Việc giám sát CSGT chúng tôi là việc tốt thôi. Vì CSGT là lực lượng làm việc công khai, nên việc giám sát không có vấn đề gì. Ngoài ra cũng giúp chấn chỉnh tốt hơn CSGT làm việc ở ngoài đường.
Ngoài ra khi bị giám sát, CSGT sẽ làm việc tốt hơn và trách nhiệm hơn. Mặc dù một số đối tượng vi phạm có thể hành hung CSGT tuy nhiên con số đấy nhỏ thôi, việc quan trọng là CSGT giúp đường xá thông thoáng là thành công lắm rồi".
Khi được hỏi về việc nếu bị giám sát công khai hay bí mật của lực lượng thanh tra thì CSGT có thấy quá khắt khe hay có cảm thấy thoải mái không? anh CSGT này thẳng thắn nói: "Nói là khắt khe thì không phải. Tuy nhiên có một điều mà ai cũng nhận thấy là lực lượng CSGT bị nhiều cơ quan chức năng, nhiều lực lượng nhìn vào vì thế nên lực lượng này luôn làm việc công khai.
Việc giám sát CSGT là quy định của cấp trên, ngành nghề nào cũng có sự giám sát của ngành nghề đấy. Như ngành xây dựng chẳng hạn, phải có một đội giám sát công trình xây dựng xem sai phạm chỗ nào thì xử lý".
Sau khi thông tin này được Thượng tướng Lê Quý Vương nêu ra tại hội nghị đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Đồng ý với chia sẻ của thượng tướng Lê Quý Vương trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, trên báo Tuổi trẻ, bạn đọc Ngô Quí Linh đề xuất: “Có một cách đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc giám sát hoạt động của lực lượng CSGT đó là gắn bộ phận theo dõi hành trình”.
Giải thích về điều này, bạn đọc Quí Linh cho biết thiết bị sẽ ghi lại lộ trình của các xetuần tra, thời gian dừng tại một địa điểm, có bao nhiêu xe tuần tra cùng dừng tại một điểm.
Trong khi đó, ông Vũ Hải Sơn - Giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực (ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) đã từng sống tại Đức cho rằng: “Tuyệt đối không dùng tiền mặt trong xử lý vi phạm và CSGT cũng không được quyền thu tiền trực tiếp từ người vi phạm”.
Thông tin thêm, ông Sơn cho biết, tại Đức, có chức danh Thanh tra cảnh sát. Những người này mặc đồ dân thường, cố tình vi phạm luật giao thông để xem CSGT sẽ xử phạt như thế nào, có đúng quy định pháp luật không? Đồng thời, hệ thống camera quan sát cũng được lắp đặt để ghi lại mọi hành động.
Chính việc tách bạch giữa “xử lý” và “thu phạt” tại các quốc gia này làm hạn chế tối đa những tiêu cực trong xử phạt hành chính, chấn chỉnh nề nếp tác phong của lực lượng CSGT.