(ĐSPL) – Chủ trương nghiêm cấm CSGT đứng “núp" bắt người vi phạm giao thông được dư luận rất đồng tình, nhiều độc giả cho rằng CSGT đứng núp càng khiến vi phạm xảy ra nhiều hơn.
CSGT khi làm nhiệm vụ trên đường phải đứng công khai và không được rút, giật chìa khoá xe người vi phạm (Ảnh minh hoạ). |
Trong cuộc họp tổng kết công tác tháng 11 và triển khai nhiệm vụ tháng 12 của Phòng CSGT Hà Nội, Trưởng phòng, Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết, thời gian qua đã nhận được những phản ánh từ người dân về một số tổ công tác khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên đường đã đứng ở chỗ khuất để bắt người vi phạm giao thông. Ngoài ra, vẫn còn một số CSGT có hành vi rút, giật chìa khóa xe của người vi phạm giao thông, điều này đã gây bức xúc cho người dân.
"Thời gian tới phải chấm dứt ngay tình trạng đứng ở chỗ khuất, không công khai và nghiêm cấm rút, giật chìa khóa của người vi phạm. Những người không chấp hành chỉ đạo này sẽ bị lập biên bản và xử lý kỷ luật nghiêm khắc", đại tá Thắng nhấn mạnh.
Chủ trương trên của CSGT Hà Nội được dư luận đồng tình và ủng hộ, là một người hoạt động trong ngành, được dẫn lời trên báo Lao động, Thượng tá Lê Đức Đoàn - nguyên Đội CSGT số 1, Công an Hà Nội cho rằng, việc nghiêm cấm CSGT không được đứng núp khi làm nhiệm vụ, cấm rút, giật chìa khóa trên xe người vi phạm là cần thiết, bởi đây là một quy định rất nhân văn, rất có văn hóa giao thông. Hà Nội là thủ đô của cả nước, nên mọi hành vi, ứng xử, cử chỉ chưa đẹp như việc CSGT đứng núp khi làm nhiệm vụ hay rút chìa khóa trên xe người vi phạm là điều cần phải chấn chỉnh.
Cũng theo Đại tá Thắng chia sẻ trên báoTuổi trẻ: “Nhiệm vụ của CSGT là hướng dẫn giao thông chứ không phải tập trung xử phạt. Trong giờ cao điểm, CSGT phải tập trung vào hướng dẫn, giảm ùn tắc giao thông, tổ chức giao thông hợp lý đảm bảo thông suốt. Tuy nhiên, những trường hợp cố tình vi phạm, không chấp hành thì vẫn phải xử lý.
Để làm được việc này, chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng tuần tra cơ động, tăng cường biện pháp xử lý bằng công nghệ thông tin thông qua trung tâm chỉ huy điều khiển giao thông”, Đại tá Thắng nói.
Đại tá Thắng nhấn mạnh: “Chúng tôi quyết định muộn nhất đến đầu năm 2015 phải chấm dứt hoàn toàn tình trạng cán bộ chiến sĩ túm tụm, không được đứng núp, không được giật chìa khóa, không được chỉ gậy vào người tham gia giao thông khi người ta có sai phạm. Đây là những biện pháp nhằm công khai, minh bạch hoạt động của lực lượng CSGT thủ đô, để người dân cùng giám sát hoạt động của lực lượng”.
Nhận xét về chủ trương này, nhiều độc giả cũng cho rằng chỉ khi CSGT lập chốt công khai ở nơi người tham gia giao thông dễ thấy nhất thì mới góp phần ổn định giao thông, giảm thiểu tai nạn.
“Việc “núp” tốt hay xấu đối với an toàn giao thông đường bộ? Xin thưa là nó có ảnh hưởng rất xấu. Tôi xin phân tích: Nếu CSGT đứng công khai, hướng dẫn cho người dân thì vi phạm không xảy ra. Mà vi phạm không xảy ra thì an toàn giao thông được nâng cao. Còn khi CSGT “núp” thì rõ ràng vi phạm xảy ra nhiều, đe dọa an toàn giao thông nhiều hơn, báo Thanh niên dẫn lời độc giả Trần Đình Thu.
Với những phân tích như trên, tôi đề nghị ngành công an trên cả nước nghiêm cấm lực lượng CSGT “núp” khi xử lý người vi phạm; những CSGT vi phạm phải bị xử lý nghiêm, vị độc giả này nêu quan điểm.
Một độc giả khác là Hồ Thị Phương Tùng cũng cho rằng: “CSGT xuất hiện trên đường công khai sẽ giúp cho tình hình trật tự đảm bảo hơn. Nhiều người thiếu ý thức lúc tham gia lưu thông cũng sẽ cảm thấy bị… răn đe, không dám phóng nhanh vượt ẩu, qua đó hạn chế nhiều rủi ro có thể xảy ra. Hình ảnh lực lượng CSGT trong mắt người dân cũng sẽ đẹp và thân thiện hơn là ngồi “núp” ở đâu đó để bắt lỗi”.