Chiều ngày 20/3, phiên tòa sơ thẩm xét xử “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cùng 25 bị cáo đồng phạm dần khép lại. Trước khi HĐXX vào nghị án, lần lượt 26 bị cáo được cho nói lời sau cùng.
Là người đầu tiên nói lời sau cùng, đứng trước bục khai báo, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành tỏ ra ăn năn, hối hận về hành vi phạm tội của mình và bày tỏ rất mong ngày phiên tòa diễn ra để gửi lời xin lỗi tới các bị hại và những người liên quan.
“Tôi đã bị giam hơn 1.500 ngày. Tôi thực sự áy náy vì lỗi của mình nên hình phạt thế nào tôi cũng chấp nhận. Các bị cáo khác vì tin tưởng tôi mà phạm tội, kính mong HĐXX xem xét hình phạt với những bị cáo còn lại”, bị cáo Thành trình bày.
Sau bị cáo Thành, lần lượt các bị cáo khác được đứng trước bục khai báo để nói lời sau cùng trong hai hàng nước mắt. Đa phần các bị cáo cho rằng vì quá tin tưởng bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành hoặc thiếu hiểu biết pháp luật nên đã phạm tội, tiếp tay cho Hà Thành chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, lên tới hàng trăm tỷ đồng của các ngân hàng và cá nhân.
Trong số này có bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh Hương (cựu nhân viên VAB) trình bày: Bị cáo chờ đợi suốt 2 năm rưỡi để kêu oan. Trong suốt khoảng thời gian đó, nhiều lần bị cáo mong có thể ngủ một giấc và sáng sau không dậy nữa. Vừa nói, cựu nhân viên VAB không ngừng lấy tay lau nước mắt.
Bị cáo buộc phạm tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng, bị cáo Quỳnh Hương cho rằng, phía VKS dùng những công văn, văn bản mâu thuẫn nhau trong ngân hàng để buộc tội bị cáo.
Bị cáo Hương kêu oan vì cho rằng còn có quá nhiều vấn đề trong việc buộc tội bị cáo và nếu không có chữ ký giả thì việc phong tỏa tài khoản đã không xảy ra.
“Tại tòa, Hà Thành đã nói bị cáo không tham gia, bàn bạc nhưng đại diện VKS buộc tội bị cáo căn cứ vào lời khai của những người có quyền lợi đối lập với bị cáo. Việc giám định camera đã không được thực hiện và cũng không làm rõ việc tại sao có chữ ký giả”, bị cáo Hương nói.
Tiếp đến, bị cáo Lê Thị Hiên (cựu nhân viên ngân hàng VAB) khóc nấc trình bày, “nhiều lúc bị cáo chỉ muốn chết đi cho bố mẹ đỡ khổ".
Cựu nhân viên ngân hàng VAB cho biết, bản thân mới thử việc ở VAB được 5 tháng thì vướng vòng lao lý.
“Chết cho đỡ ảnh hưởng gia đình” cũng là câu mà nhiều bị cáo trình bày khi được nói lời sau cùng. Những người này cùng cho rằng vì tin tưởng Hà Thành, thiếu hiểu biết pháp luật nên phạm tội.
Phiên tòa nghị án kéo dài, dự kiến, HĐXX sẽ đưa ra phán quyết vào sáng 24/3 tới đây.
Trước đó, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành bị VKS đề nghị mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng chung số phận, các bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô) và Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô của VietAbank) bị đề nghị mức án 16 - 18 năm tù.
Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô của VietABank Quản Trọng Đức bị đề nghị 15 - 17 năm tù, Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Eurocell) 15 - 16 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Mai Phương bị VKS đề nghị tuyên phạt 13 - 15 năm tù, Nguyễn Thanh Bình 7 - 8 năm tù, Trịnh Trung Kiên 7 - 8 năm tù, Đỗ Minh Đức 9 - 10 năm tù, Bùi Văn Tuấn 9 - 10 năm tù.
Các bị cáo Đặng Thị Thu Hòa, Phạm Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trịnh Phương Ngân cùng bị đề nghị mức án 30 tháng đến 36 tháng tù treo. Những bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 12 tháng tù treo đến 8 năm tù.
Tư Viễn