(ĐS&PL) - Từ xa xưa, người dân hai bản Na Ngốm và Nật Trên, xã Châu Hoàn, huyện Qùy Châu (Nghệ An) xem cây thị như một vị thần che chở trong những năm chiến tranh loạn lạc. Họ vẫn truyền miệng cho nhau nghe những câu chuyện kỳ bí về thị. Để cảm ơn vị thần Thị, họ đã lập bàn thờ ngay dưới gốc cây và tổ chức lễ hội tạ ơn mỗi năm. Hàng trăm năm trôi qua, lễ hội độc đáo ấy vẫn được tổ chức, trở thành nét đẹp truyền thống của người dân nơi đây.
Giai thoại về cây thị “cầu may”
Vượt hàng trăm cây số, chúng tôi ngược về bản Na Ngốm, xã Châu Hoàn, huyện Qùy Châu (Nghệ An) để “mục sở thị” cây thị kỳ bí này. Qua bao dốc núi cheo leo, lội hàng chục con suối, chúng tôi mới tận mắt chứng kiến cây thị tồn tại hàng trăm năm đứng sừng sững ngay giữa làng. Người dân bản xem cây thị như một bảo vật trấn giữ cho bản làng, tạo tinh thần cho hết thảy mọi người nơi đây. Theo lời kể của già làng Lô Văn Toàn, cây thị “cầu may” đã tồn tại hàng trăm năm, nó là cả một giai thoại về lịch sử.
Chuyện kể rằng, ngày xưa trong bản xảy ra một đợt hạn hán, cùng với đó là một trận đại dịch, gia súc trong làng tự nhiên chết hàng loạt. Người dân trong bản hết sức hoang mang lo sợ, nghĩ đây là chuyện thần linh trừng phạt buôn làng, nên cho ác quỷ về quấy phá. Họ đã mời tất cả các vị thầy mo khắp xã về để trừ tà, nhưng vô vọng, mấy năm thiên tai vẫn xảy ra và không nuôi được bất cứ con vật gì. Sống biệt lập giữa rừng núi, nên người dân trong bản phải đi hàng trăm km mới có thể mua được lương thực, thực phẩm từ các bản bên. Mùa màng mất liên tục, không có cái ăn, hàng chục người đã chết vì đói. Một số hộ gia đình hoang mang, đã bỏ buôn làng di cư sang các bản khác để sinh sống.
Thời điểm ấy, một điều kì lạ xảy ra, vào một đêm trời tối đen như mực, thấy một vệt sáng xuất hiện trên cây thị, mọi người kéo nhau ra xem. Vệt sáng đó uốn vòng quanh cây thị giống như hình con rồng, rồi vụt mất theo hướng Đông. Ngay sau đó, sấm chớp ầm ầm, trời bắt đầu đổ cơn mưa dông. Sau sự kiện lạ lùng đó, người dân nghĩ, đó là vị thần hiện lên giúp bản làng. Theo truyền thuyết, khi thực dân Pháp đến đây cai trị, chúng đã chôn mấy hũ vàng dưới cây thị và chôn sống hai mạng người để giữ vàng. Họ cho rằng, hai người bị chôn sống ấy hóa thành thần thánh đến giúp người dân trong bản. Với niềm tin đó, người dân trong bản đã lập bàn thờ cây thị, tỏ lòng thành của mình.
Kể từ đó, mưa thuận gió hòa, người dân hăng hái tham gia sản xuất, không còn xảy ra dịch bệnh đối với gia súc nữa. Hàng năm, vào dịp đầu năm và cuối năm, bà con lại mang lễ vật đến đây để làm lễ tạ ơn. Từ đó, bản Na Ngốm có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Cây thị được người dân bản Na Ngốm xem như vị thần |
Cụ Lô Văn Toàn nhớ lại: “Ngày đó, ngôi đền cây thị linh thiêng lắm, đồng bào dân tộc nơi đây 100\% là người dân tộc Thái nên họ rất tin vào chuyện thần linh. Hàng năm, có rất nhiều người đến thắp hương và dâng lễ vật, để cầu cho một năm được mùa, làng bản được ấm no, hạnh phúc. Mỗi khi người hay vật bị ốm, người dân đều đến đó xin các vị thần xuống giúp”.
Bà Lô Thị Mùi, người dân trong bản kể lại câu chuyện: Một hôm có một người dân bản bên sang chơi, không tin vào sự linh thiêng của cây thị nên đã ném đá lên cây và lấy trộm hết những thứ quý giá trong ngôi đền. Thế nhưng, khi vừa về đến nhà người đó bị đau bụng quằn quại, uống bất cứ loại thuốc gì cũng không khỏi được. Họ đã mời các thầy mo nỗi tiếng về trừ tà, nhưng bệnh không chuyển biến.
Kẻ trộm đã phải mang trả lại hết đồ đã lấy cho bà con và làm lễ tạ tội thần Thị mới được yên. Kể từ đó, người dân trong làng càng tin vào sự linh thiêng của thần Thị hơn. Không chỉ có vậy, cách đây mấy chục năm, trong làng xảy ra dịch bệnh “đậu mùa”, đi hết các thầy lang trong xã cũng không thể chữa trị được, người dân nơi đây đã lập tế đàn cầu xin vị thần Thị. Thật kì lạ, chỉ sau mấy ngày, những người bị bệnh mất hết nốt ngứa và khỏe lại bình thường. Bản làng tổ chức một lễ hội, giết trâu bò, lợn, gà… để đáp trả công ơn các vị thần linh.
Đó là những câu chuyện huyền bí được người dân trong bản truyền từ đời này sang đời khác. Có một thực tế, sau 1945, khi nạn đói đang hoành hoành khắp cả nước, hàng ngàn người chết vì đói, nhưng người dân bản Na Ngốm vẫn sống sót qua nạn đói ấy. Những quả thị to, thơm đã giúp người dân nơi đây chống chọi được với tử thần. Cũng chính vì vậy, người dân bản làng càng “sùng” thần Thị hơn.
Lễ hội độc nhất vô nhị
Hai cây thị cổ đứng sừng sững giữa bản Na Ngốm hiện đã già cỗi, thân cây thị cao to, vập vạp, xù xì và mốc meo, xung quanh là những u cục sần sùi. Bởi già quá, thị đã hình thành lỗ hổng lớn, thân thị phải bốn năm người ôm mới xuể. Các cành con, cành cháu vẫn mọc xanh tươi và vươn cao, bao trùm lấy cả một vùng. Từng thớ thịt, đụn rễ cắm sâu vào lòng đất như hút những tinh tuý của tạo hoá khiến người xem chẳng muốn rời. Trải qua hàng trăm năm, mưa gió, lũ rừng cày xéo vậy mà chằng hề gì, hàng năm vẫn đơm hoa kết trái và cho rất nhiều quả.
Vì sự linh thiêng của thần Thị, họ đã ra một quy ước, không ai được phép trèo lên cây thị, hay làm gì tổn hại đến vị thần. Nếu ai phạm vào lời nguyền ấy, sẽ phải nộp phạt và làm lễ tạ tội dưới cây thị.
Do Na Ngốm có dân số đông, ngăn cách bởi một con sông, nên được chia thành hai nửa. Bên kia sông có tên gọi là Nật Trên với 157 nhân khẩu, nhưng hàng năm vào tháng 22/2 Âm lịch, người dân hai bản vẫn họp lại để tổ chức lễ hội thờ thần Thị. Lễ vật để tạ ơn vị thần Thị được người dân chuẩn bị rất chu đáo, bao gồm 1 con lợn, 10 gói mộc/1 nhà, 1 gói cơm xôi, bát đũa,…
Đặc biệt, trong nghi thức dâng hương, cấm con dâu của người dân trong bản bén chân đến cây thị, nếu ai vi phạm quy ước đó sẽ bị nộp phạt tạ lỗi với thần Thị. Người ta quan niệm, con dâu là người ngoài, không được tham gia cơ sự, đặc biệt là nghi thức liên quan đến bảo bối của bản – cây thị. Đến ngày lễ hội, mọi người không được phép làm việc gì, chỉ chú tâm đến lễ hội, ăn uống no say. Không chỉ có người dân trong bản tham gia mà còn có dân các bản lân cận đến chung vui nữa. Đây là lễ hội lớn và quan trọng nhất trong năm của người dân hai bản này.
Với ông Toàn và nhiều người dân khác, cây Thị được xem là vị thần giúp dân bản |
Một số người dân còn cho biết, trước đây, chị Lô Thị Hường – con dâu ông Toàn vô tình đi qua nhổ nước miếng lên cây thị. Khi về đến nhà, bụng bỗng nhiên đau quằn quại, đi khắp các bệnh viện cũng không thôi. Biết đứa con đã phạm tới sự linh thiêng của vị thần, ông Toàn đưa một con gà và mọc lên làm lễ tạ tội. Thật kì lạ, sau khi làm lễ. bụng chị Hường không còn đau nữa.
Mỗi khi gặp chuyện không may, người dân đều đến đây để cầu nguyện mong tai qua nạn khỏi. Đến ngày lễ hội, mọi người phải may cho mình một bộ quần áo mới, tắm rửa sạch sẽ rồi mới được tham gia lễ hội. Bởi người ta quan niệm rằng, đến lễ hội đúng dịp đầu năm nên cái gì cũng phải mới, hi vọng những thành công mới.
Dù niềm tin nhuộm màu thần linh nhưng có một thực tế, người dân nơi đây coi trọng cây thị và hình thành những thói quen văn hóa đặc trưng. Đó cũng là thứ vô giá gắn kết người dân lại với nhau.
Anh Vi Văn Dũng, Trưởng bản Na Ngốm cho biết: “Mặc dù đã tách ra hai bản khác nhau, nhưng cứ đến lễ hội, hai bản lại họp lại để cùng chung lễ vật dâng lên thần thị. Lễ hội không chỉ nghiêng về tâm linh mà nó còn là lễ hội truyền thống đặc sắc cho dân tộc Thái nơi đây. Cây thị gắn liền với những câu chuyện kì bí, cha ông đã cố giữ lại cho con cháu sau này. Vì vậy, cây thị cổ đã trở thành báu vật của bản, giữa đại ngàn heo hút, che chở, gìn giữ bình yên cho bản”. |
Hà Hằng - Kim Thoa