+Aa-
    Zalo

    Bé gái nhập viện trong tình trạng mất ý thức sau khi bị sứa đốt

    (ĐS&PL) - Bé gái nhập viện trong tình trạng hai cánh tay xuất hiện vết bầm đen, người nổi mẩn đỏ, tinh thần choáng váng sau đó ngất xỉu, mất ý thức sau khi bị sứa đốt.

    Báo Thanh niên đưa tin, ngày 26/6, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khoa Nhi vừa tiếp nhận một bị gái 7 tuổi bị sứa đốt khi tắm biển. Bé nhập viện trong tình trạng cơ thể mẩn ngứa, tím tái, mất ý thức.

    Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, cách đây 2 ngày bé đi tắm biển với cha tại khu vực biển Hòn Chồng (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) thì bị sứa đốt nhưng không hề hay biết. Đến khi người cha phát hiện đưa lên bờ thì 2 tay bé đã bầm đen. Gia đình vội đưa bé vào bệnh viện để cấp cứu. 

    be gai bi sua dot
    Bé gái nhập viện trong tình trạng mất ý thức. Ảnh: Báo Thanh niên.

    Qua quá trình thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị dị ứng phản vệ do sứa độc, chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh, truyền dịch.

    Sau khi được cấp cứu, bệnh nhi đã tỉnh, mạch rõ nhưng vẫn còn sốt nhẹ, vết thương ở cánh tay sưng nề.

    Liên quan đến sự việc, tờ VnExpress dẫn lời bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Trưởng khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, khi trẻ bị sứa đốt, nên đưa trẻ ra khỏi vùng nước đang có sứa và nhanh chóng rửa vết thương bằng nước biển hoặc giấm để làm sạch độc tố. "Không rửa vết thương bằng nước ngọt vì làm tổn thương nặng hơn", bác sĩ Huy nói.

    Trường hợp sốc phản vệ sau khi bị sứa đốt có biểu hiện như ớn lạnh, khó thở, buồn nôn, nổi ban đỏ, phù mắt... cần đưa đến viện ngay để tránh tử vong.

    Mùa hè các bãi biển miền Trung xuất hiện nhiều sứa. Bác sĩ khuyên người tắm biển quan sát mặt biển hoặc tìm hiểu thông tin từ người dân địa phương để phát hiện có sứa, hoặc sứa lửa, để tránh.

    Khi bị sứa cắn sẽ có một số biểu hiện sau: Biểu hiện nhẹ thường chỉ là các phản ứng ngoài da như ngứa, rát, nổi mẩn đỏ, toàn thân thấy khó chịu, chỗ vết thương có dạng xoắn hoặc thẳng nổi đầy bọng nước.

    Biểu hiện nặng có thể là đau đầu, người tím tái, bị tức ngực, khó thở, ra mồ hôi nhiều, buồn nôn, nôn ói, bị đau bụng, tiêu chảy nhiều, tụt huyết áp, mạch đập nhỏ, nhanh… Khi có biểu hiện bệnh nặng cần đưa đến bệnh viên ngay để tránh bị sốc phản vệ. Ngoài ra, ở tình trạng bán cấp, thường là sau 15 phút bị sứa cắn, bàn tay, bàn chân người bệnh bị ngứa, nổi mẩn từng vùng da 1 rồi nổi mề đay khắp thân, mạch đập nhanh, huyết áp thấp, khó thở, ho khan, ra mồ hôi nhiều, nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, chảy nước mắt, nước mũi… cần đưa đến bệnh viên ngay.

    Chia sẻ trên trang Sức khỏe và đời sống, BSCK2. Nguyễn Thị Thanh Thùy – Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, BV Da liễu Trung ương cảnh báo, ngộ độc sứa gây kích ứng da rất mạnh, bởi lẽ các xúc tu của sứa khi tiếp xúc với cơ thể con người có tiết ra chất độc và khi dính phải chất độc này thì cơ thể sẽ có cảm giác ngứa nhiều, bỏng rát da tại vị trí tiếp xúc.

    Chính vì vậy, BS. Thùy khuyến cáo, khi gặp phải sứa biển đốt cần nhanh chóng đưa bệnh nhân ra khỏi vùng có sứa, sau đó đánh giá nhanh tình trạng bệnh nhân xem có mệt mỏi, choáng váng, vã mồ hôi hay tim đập nhanh không. Nếu có phải gọi cấp cứu ngay.

    Với các trường hợp nhẹ hơn thì có thể sơ cứu bằng cách loại bỏ các xúc tu còn dính trên cơ thể bằng dụng cụ sạch. Rửa sạch vết thương trực tiếp bằng chính nước biển, giấm hoặc baking soda… trong vòng từ 15-30 phút. Tuyệt đối không dùng nước uống, nước ngọt tắm tráng để rửa vết sứa đốt bởi nó có thể làm tăng sự phóng độc, gây rát buốt.

    Tiếp theo cần băng bó vết thương lại, lưu ý tránh chà xát, cào gãi lên các tổn thương.

    Có thể cho người bị sứa đốt uống thêm thuốc giảm đau, thuốc kháng histamin và bôi kem có chứa corticoid theo hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân nên đi khám để được tư vấn, điều trị kịp thời nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.

    "Nếu xử lý sớm và đúng cách các vết đốt do sứa gây ra thì bệnh nhân sẽ khỏi trong vài ngày, không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, không ít trường hợp tự điều trị sai cách gây hậu quả nghiêm trọng, các vết loét tuy không lớn nhưng sâu, dễ để lại sẹo, hậu quả xấu hơn có thể dẫn đến hoại tử da, viêm xương rất nguy hiểm hoặc các biến chứng nhiễm trùng phải cắt lọc tổn thương…" - BS. Thùy nói.

    Bảo An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/be-gai-nhap-vien-trong-tinh-trang-mat-y-thuc-sau-khi-bi-sua-dot-a580363.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Chuyên gia khuyến cáo phòng tránh ngộ độc từ việc ăn nấm

    Chuyên gia khuyến cáo phòng tránh ngộ độc từ việc ăn nấm

    Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc nấm nghiêm trọng. Từ đó, các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần trang bị những kiến thức cơ bản liên quan đến việc lựa chọn nguồn gốc loại nấm sử dụng và những bước sơ cứu ban đầu khi có dấu hiệu ngộ độc.