+Aa-
    Zalo

    Chuyên gia khuyến cáo phòng tránh ngộ độc từ việc ăn nấm

    (ĐS&PL) - Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc nấm nghiêm trọng. Từ đó, các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần trang bị những kiến thức cơ bản liên quan đến việc lựa chọn nguồn gốc loại nấm sử dụng và những bước sơ cứu ban đầu khi có dấu hiệu ngộ độc.

    Khó phân biệt nấm có độc

    Nấm là loài thực phẩm bổ dưỡng được các bà nội trợ ưa thích sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, nấm cũng là loại thực phẩm nguy hiểm nếu không biết cách lựa chọn và chế biến. Có đến hàng triệu loại nấm, nhưng việc phân biệt loại có thể sử dụng được thì không hề đơn giản, ngay cả những chuyên gia cũng gặp khó khăn trong vấn đề này.

    Thời gian qua nước ta liên tục xảy ra những vụ ngộ độc nấm, có những trường hợp nghiêm trọng gây tử vong nhiều người trong một gia đình sau khi cùng nhau ăn các món ăn chế biến từ nấm. 

    Gần đây nhất là trường hợp người đàn ông ở Lạng Sơn bị suy thận cấp sau khi ăn nấm đỏ mua ngoài chợ. Cụ thể, theo Người đưa tin pháp luật, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 37 tuổi, địa chỉ ở TP. Lạng Sơn vào viện với các triệu chứng: đau bụng quanh rốn, nôn, tiêu chảy.

    Theo lời kể của người bệnh, trước đó người này có ăn cơm cùng với một loại nấm màu đỏ, mua ngoài chợ. Sau ăn khoảng 4 giờ đồng hồ, người bệnh đau bụng, đại tiện phân lỏng nhiều lần, mệt mỏi nên vào viện. Các bác sĩ đã thăm khám, chỉ định các xét nghiệm cần thiết.

    chuyen gia khuyen cao phong tranh ngo doc tu viec an nam
    Không phải chỉ nấm màu sắc mới có độc. (Ảnh minh họa).

    Các xét nghiệm cho thấy người bệnh dấu hiệu rối loạn điện giải, toan chuyển hóa, suy thận cấp, có dấu hiệu tổn thương tế bào gan. Bệnh nhân được chẩn đoán Theo dõi ngộ độc nấm - suy thận cấp và được điều trị truyền dịch tích cực, than hoạt đa liều, bù điện giải. Hiện tại, sức khỏe người bệnh ổn định và đã được ra viện.

    Chia sẻ trên báo Hà Nội mới, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, người dân tuyệt đối không nên hái nấm hoang dại ăn, kể cả nấm màu trắng, trông giống nấm thường bởi ngay cả các nhà khoa học vẫn có thể nhầm lẫn giữa nấm độc với nấm không độc. Lưu ý, người dân không ăn thử nấm, kể cả khi trước đây từng nhiều lần ăn các loại nấm trông giống như vậy và không bị sao.

    Nhiều người cho rằng, nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ. Tuy nhiên trên thực tế, loại nấm độc nhất, hay gây chết người lại trông trắng, vẻ lành tính, giống như nấm thường và ăn lại ngon. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, các loại nấm gây ngộ độc thường thuộc nhóm nấm mọc hoang dại. Loại nấm độc nhất, hay gây chết người nhất lại trông hấp dẫn nhất, ăn vào cũng ngon, khi bị ngộ độc không có biểu hiện ngay nên việc phát hiện thường muộn, bệnh nặng và nhiều người tử vong.

    an nam nhieu co tot khong 700x497
    Ảnh minh họa.

    Cần tìm cách giảm độc tố khi có dấu hiệu ngộ độc

    Việc ngộ độc nấm thường có biểu hiện khá nhanh, chỉ vài giờ sau khi sử dụng, nạn nhân đã có thay đổi về sức khỏe, thời giai đoạn này sẽ diễn ra trong khoảng 6-12 giờ đồng hồ.

    Triệu chứng của những trường hợp ngộ độc nấm xảy ra sẽ rất khác nhau. Triệu chứng phổ biến thường gặp nhất sẽ liên quan đến tiêu hóa trước như đau bụng, buồn nôn hay tiêu chảy.

    "Mỗi một loại nấm độc khi ăn phải sẽ có những dấu hiệu riêng. Có những loại nấm khi ngộ độc chỉ gây đau bụng, tiêu chảy. Một số loại nấm lại gây ảnh hưởng đến thần kinh như hoang tưởng, ảo giác, sảng, kích thích, co giật... Hay có một số loại nấm lại có biểu hiện ngộ độc như tụt huyết áp, tim mạch. Có loại nấm khi kết hợp với một số thành phần khác lại gây ngộ độc chẳng hạn như kết hợp với uống rượu", BS. Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ trên trang Sức khỏe và đời sống. 

    Khi gặp những trường hợp có dấu hiệu ngộ độc, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế để cứu chữa kịp thời. Đồng thời cũng cần có những bước xử lý ban đầu để giảm thiểu tối đa lượng độc tố lan nhanh trong cơ thể. Chuyên gia khuyên cáo, trong vòng 6 tiếng đầu khi có những dấu hiệu đau bụng, tiêu chảy, nôn nhiều... người có biểu hiện ngộ độc cần bù nước lọc, uống oresol, hay nước canh, nước hoa quả để duy trì chức năng thận, duy trì chức năng tim mạch và giúp thải độc tố ra. Đồng thời người bị ngộ độc có thể tự gây nôn để giảm thiểu độc tố tích trong cơ thể và lập tức đến cơ sở y tế gần nhất thăm khám.

    Đặc biệt, BS. Nguyên cho biết, toàn bộ mẫu nấm, chất nôn khi có biểu hiện ngộ độc phải được giữ lại để kiểm nghiệm. Điều này rất quan trọng giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân cũng như chất độc nào để tiến hành điều trị nhanh chóng.

    Để phòng tránh ngộ độc nấm, BS. Nguyên khuyến cáo người dân không được ăn những loại nấm mọc dại trừ mộc nhĩ nếu chưa có sự kiểm nghiệm. Đối với những trường hợp tự ý bán những loại nấm dại, cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý, cấm bán các loại nấm tự hái, tránh để người dân mua về, sử dụng.

    Bảo An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-khuyen-cao-phong-tranh-ngo-doc-tu-viec-an-nam-a580183.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan