Đang xem ti vi ở phòng khách, bé gái bất ngờ bị rắn cắn nhưng gia đình không biết. Đến khi phát hiện thì vết thương ở bàn chân cháu đã bị hoại tử.
Vết thương do rắn cắn có nguy cơ bị hoại tử. Ảnh: Infonet |
Vào khoảng 19h ngày 13/8, cháu bé Phan Thị Ngọc Linh (SN 2017, trú tại thôn Khe Giao 1, xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cùng chị gái đang ngồi xem ti vi trên ghế sofa thì bị rắn cắn vào chân chảy máu, gây sưng và đau nhưng gia đình không biết.
Sáng hôm sau, thấy bàn chân sưng tím nên gia đình mới đưa Linh đi viện kiểm tra. Lúc này, ở nhà mọi người cũng phát hiện và bắt được con rắn hổ mang gần 2kg nằm trong gầm ghế.
Bà Lê Thị Quyết (SN 1961), bà Nội cháu Linh kể: “Lúc đó, tôi ở ngoài sân thì nghe cháu Linh khóc, nên chạy vào thì thấy có vết cắn ở bàn chân phải bị chảy máu. Nghĩ là cháu dẫm lên con mèo con, bị nó cắn nên chỉ đắp lá cho đỡ sưng”.
“Khi đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà thì các bác sĩ yêu cầu chuyển lên tuyến trên, rồi ra Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Hai hôm nay cháu đã được chuyển qua Bệnh viện Bỏng Trung ương để xử lý phần hoại tử”, bà Quyết nói thêm.
Cũng theo bà Quyết, sức khỏe của Linh giảm sút nhiều vì đau nhưng vẫn nhanh nhẹn. Mặc dù không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng sợ bị di chứng do hoại tử.
Được biết, Linh có 3 chị em, chị đầu 7 tuổi, em sau vừa chào đời được 2 tháng. Bố Linh đi làm ăn xa, mẹ ở nhà trông em, nên mọi việc ở bệnh viện đều do bà nội chăm sóc.
Cũng trong ngày 24/8, bác sĩ chuyên khoa I Trương Phước Hữu, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.HCM, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp bé trai 2 tuổi, ngụ tại Long An, bị rắn bò vào nhà cắn.
Theo người nhà bệnh nhi, sau khi nghe bé hốt hoảng kêu đau, người mẹ đã nhanh chóng đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu. Cha em kịp đập chết con vật, mang theo vào bệnh viện để các bác sĩ nhận dạng.
Bác sĩ Hữu cho biết rất may, bé không gặp nguy hiểm. Các chức năng cơ quan và đông máu ổn định. Bé được chỉ định tiếp tục nằm tại khoa Nội tổng hợp để theo dõi.
Cũng theo thông tin từ bệnh viện, phần lớn trường hợp nhập viện cấp cứu đều bị rắn bò vào nhà cắn. Hiện tại, các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang vào mùa nước nổi, rắn mất nơi trú ẩn, thường bò đến nơi khô ráo.
Bác sĩ Hữu cảnh báo phụ huynh không nên cho trẻ chơi ở những khu vực rậm rạp như bụi cây, đống lá rụng, gạch vụn, đống đổ nát, nhất là trong thời điểm vào mùa nước nổi. Đây thường là những nơi cư trú của rắn.
Sơ cứu tại chỗ khi rắn cắn
- Cố gắng xác định được loài rắn đã cắn, màu sắc, kích thước, hình dạng đầu, cách thức tấn công.
- Để nạn nhân nằm yên và trấn an, nếu cử động sẽ khiến máu chảy và truyền nọc độc đến tim nhanh hơn.
- Cố định chân tay nhưng không được hạn chế sự lưu thông của máu, trừ khi biết chắc loài rắn đã cắn có nọc độc tác động đến thần kinh.
- Nới lỏng quần áo của nạn nhân và nếu cần thiết có thể cởi các đồ trang sức như nhẫn, vòng ở vùng bị cắn.
- Cần phải theo dõi sát tình trạng hô hấp. Nếu bệnh nhân thở nhanh, yếu, hoặc xuất hiện tím môi phải hô hấp nhân tạo ngay. Nguyên nhân tử vong hàng đầu là suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, nên nếu không được hô hấp kịp thời, có thể bệnh nhân sẽ chết trước khi đến được bệnh viện.
- Nếu bệnh nhân bị hoại tử tại vết cắn, cần rửa sạch bằng nước muối sinh lý, dùng gạc sạch đậy lên, băng lại, rồi chuyển đi bệnh viện.
- Đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, cần đưa đến bệnh viện lớn, nơi có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Huyết thanh kháng nọc rắn nên dùng sớm, tốt nhất trong 4 giờ đầu. Nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê hay yếu liệt nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Có thể mang theo con rắn đã cắn bệnh nhân đến cơ sở y tế để bác sĩ xác định thuốc kháng nọc rắn phù hợp.
- Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu sau 24-48 giờ, việc điều trị hiệu quả rất kém hoặc không hiệu quả.
Mộc Miên (T/h)