+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 6/8/2019: Đang ngủ, người đàn ông bị rắn cắn vào tai phải nhập viện cấp cứu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 6/8/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 6/8/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 6/8/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 6/8/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Đang ngủ, người đàn ông bị rắn cắn vào tai phải nhập viện cấp cứu

    Nam bệnh nhân thoát chết sau khi bị rắn cạp nia cắn - Ảnh: VTC News

    Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận bệnh nhân Triệu Trí Q., sinh năm 1983, trú tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ bị rắn cạp nia cắn.

    Anh Q. bị rắn cạp nia cắn vào vị trí tai phải khi đang nằm ngủ. Người nhà nhanh chóng sơ cứu rửa sạch vết thương, đắp thuốc lá và chuyển ngay đến bệnh viện huyện gần nhà.

    Do bệnh tình diễn biến xấu, cơ hô hấp bị liệt, nên các bác sỹ đặt nội khí quản và nhanh chóng chuyển anh Q. đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

    Tại đây, người bệnh bị hôn mê sâu, Glasgow 3 điểm. Để điều trị, bệnh nhân được cho thở máy, dùng kháng sinh chống bội nhiễm, kiểm soát rối loạn điện giải, dinh dưỡng và chăm sóc toàn diện.

    Sau một hồi sức cấp cứu tích cực, tình trạng bệnh nhân được cải thiện, tỉnh táo và tự thở được, các rối loạn nước, điện giải, tình trạng nhiễm trùng được khống chế.

    Theo BS.CKI Nguyễn Thị Thanh Mai - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, những năm gần đây khoa tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị rắn độc cắn. Trong đó nhiều trường hợp chỉ vì xử lý chậm của người thân mà bệnh nhân rơi vào tình trạng liệt cơ, dẫn tới suy hô hấp và thiệt mạng.

    "Trường hợp người bệnh Q. khá may mắn vì được người nhà sơ cứu và nhanh chóng chuyển đến bệnh viện. Nếu không sẽ rất nguy hiểm", bác sĩ Mai nói.

    Bác sĩ Mai khuyến cáo người dân, khi không may bị rắn cắn, người bệnh không nên garo vết thương mà cần rửa sạch bằng nước sạch và chuyển ngay đến trung tâm y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm không đáng có.

    Kỳ tích thay khớp háng hai bên cho cụ ông 92 tuổi

    Ca phẫu thuật thay khớp háng cho cụ ông 92 tuổi - Ảnh: Nhân dân

    PGS, TS Nguyễn Mạnh Khánh, Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Phó viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đánh giá, việc cùng một lúc thay khớp háng hai bên cho cụ ông đã 92 tuổi, do tai nạn sinh hoạt, bị ngã và gãy cổ xương đùi cả hai bên là rất hiếm gặp trong y văn thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân đồng thời cả hai bên khớp háng.

    Theo BS Khánh, cổ xương đùi là phần yếu nhất của khớp háng, chịu lực chính cho trọng lượng cơ thể, thông thường người bệnh bị gãy một bên khớp háng. Việc gãy một bên khớp háng đã là tổn thương rất nặng nề, đặc biệt lại là đối với người già. Đây là một tổn thương dẫn đến xương không thể liền lại được, bệnh nhân không thể ngồi dậy, đứng dậy hay đi lại được mà phải nằm một chỗ sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như: loét lưng, loét mông, loét gót ở những vùng tì đè; đại tiểu tiện khó khăn, người bệnh phải đặt xông tiểu sẽ nhiễm trùng tiết niệu.

    Việc nằm một chỗ không vận động sẽ ứ trệ tuần hoàn, nguy cơ hình thành các cục huyết khối trong lòng mạch (thuyên tắc tĩnh mạch sâu), nếu các cục này di chuyển lên não dẫn đến tai biến mạch não, di chuyển vào tim gây nhồi máu cơ tim, di chuyển lên phổi gây tắc động mạch phổi. Người già gãy cổ xương đùi như thế này nếu không được phẫu thuật sớm thì chắc chắn sẽ tử vong do các biến chứng gây ra.

    14h00 ngày 5/8, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiến hành thay cùng lúc cả hai bên khớp háng cho bệnh nhân. Các bác sĩ nhận định, nếu thay từng bên một, bệnh nhân sẽ phải chờ thêm 1-2 tuần khi một bên sau phẫu thuật đã ổn định. Như vậy thời gian chăm sóc sẽ kéo dài, người bệnh vẫn đau đớn và phải chống chọi với những biến chứng do nằm lâu nên quyết định thay cả hai khớp háng cùng lúc.

    “Thay khớp háng cả hai bên đối với bệnh nhân trẻ tuổi đã là một thách thức rất lớn vì đòi hỏi mổ rất nhanh, gây mê hồi sức bảo đảm, trang thiết bị đầy đủ, theo dõi và hồi sức sau phẫu thuật chu đáo và cẩn thận mới an toàn cho người bệnh. Vì vậy, để phẫu thuật thành công thay khớp háng cả hai bên cùng một lúc cho cụ ông đã 92 tuổi, các bác sĩ phải tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa, bảo đảm nhiều yếu tố: gây mê, hồi sức trước, trong và sau mổ; dự trù máu, dịch truyền, điều trị các bệnh nội khoa phối hợp như tim mạch, đái tháo đường…”, BS Khánh cho biết.

    Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã dùng phương pháp thay khớp háng bán phần không xi măng với kỹ thuật đường mổ nhỏ, ít xâm lấn, vết mổ chỉ từ 4-5cm (đường mổ rất ngắn), gây tê ngoài màng cứng, giảm đau ngoài màng cứng. Người bệnh trong mổ vẫn tỉnh táo, ít đau, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, chăm sóc hậu phẫu dễ dàng hơn. Ca phẫu thuật kéo dài trong một giờ đồng hồ.

    Sau phẫu thuật người bệnh tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. BS Khánh cho biết, dự kiến sau một ngày phẫu thuật bệnh nhân có thể ngồi dậy được, sau hai ngày phẫu thuật bệnh nhân có thể tập đi sớm với sự hỗ trợ của nạng/khung trợ đỡ.

    Tìm ra nguyên nhân gây sốc chạy thận ở Nghệ An

    Họp báo về vụ sốc chạy thận ở Nghệ An - Ảnh: Báo Đất Việt

    Ngày 5/8, Sở Y tế Nghệ An đã chủ trì buổi họp báo thông tin về sự cố y khoa chạy thận nhân tạo khiến 6 bệnh nhân bị sốc, 135 bệnh nhân chạy thận theo chu kỳ phải chuyển viện xảy ra tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An vào ngày 30/7.

    Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, ngày 30/7, trong quá trình chạy thận, 10 bệnh nhân đang lọc máu có dấu hiệu bất thường. Trong đó, 4 bệnh nhân chỉ có biểu hiện thoáng qua, tự khỏi sau khi kết thúc cuộc lọc, theo dõi trong thời gian 30 phút không có biểu hiện gì bất thường nên đã được ra viện.

    6 người nặng hơn, ngoài tình trạng sốt còn tụt huyết áp, rét run, khó thở. Bác sĩ lập tức ngừng máy chạy thận để chuyển bệnh nhân có phản ứng bất thường sang khoa khác cấp cứu. Hai người nặng hôm sau được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội tiếp tục điều trị, bác sĩ xác định họ bị sốc nhiễm khuẩn huyết. Hiện sức khỏe 10 bệnh nhân đều ổn định.

    Hội đồng chuyên môn đã rà soát lại toàn bộ hệ thống, test và làm sạch hệ thống cấp nước R.O, lấy mẫu nước gửi Viện Sức Khỏe Nghề nghiệp và môi trường Hà Nội xét nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu lý hóa, vì sinh và độc tố...

    Ngày 4/8, Hội đồng chuyên môn kết luận, hệ thống R.O có bộ phận sản xuất và tạo nước R.O hoàn toàn bình thường, hệ thống dẫn nước R.O đến các máy có những điểm nối và gấp khúc, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

    Hội đồng chuyên môn cũng đi đến kết luận nguyên nhân xảy ra sự cố là do nước. Hệ thống dẫn nước RO được lắp đặt trước năm 2016. Trên hệ thống dẫn nước RO có nhiều điểm nối và gấp góc, có điểm chết làm ứ đọng nước.

    Theo kiến nghị việc khắc phục sự cố của Hội đồng, bệnh viện phải rà soát lại toàn bộ quy trình, hệ thống chạy thận nhân tạo. Thay toàn bộ hệ thống dẫn nước R.O theo tiêu chuẩn quy định.

    Ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nói: "Đây là sự cố nghiêm trọng, được quan tâm do sức nóng của vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình hai năm trước nên Sở Y tế thông tin rộng rãi vụ việc để trấn an dư luận".

    Sở Y tế cũng đang xác định trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan để xử lý.

    15 người tử vong, gần 125.000 ca mắc sốt xuất huyết

    Muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết - Ảnh: Minh họa

    Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), từ ngày 22-29/7, cả nước ghi nhận có gần 9.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, có 4 ca tử vong.

    Trong đó, số trường hợp nhập viện là 7082 trường hợp. So với tuần trước (10.054 mắc/0 tử vong) số mắc giảm 10,8%.

    Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận có gần 125.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 15 tử vong. Các địa phương có người tử vong bao gồm: Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Quảng Bình, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Bạc Liêu.

    5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là: Khánh Hòa (579,7/100.000 dân), Bà Rịa - Vũng Tàu (494,4/100.000 dân), Đà Nẵng (399,4/100.000 dân), Phú Yên (320,4/100.000 dân), TP. HCM (322,6/100.000 dân).

    Hà Nội có tỷ lệ mắc/100.000 dân đạt 28,3 xếp thứ 24 cả nước.

    Để tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết, kiên quyết không để dịch lan rộng, bùng phát và kéo dài, ngày 27/9, Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ban hành chỉ thị 07/CT-BYT về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

    Trong đó, Bộ giao nhiệm vụ tổ chức 3 đợt chiến dịch lớn diệt lăng quăng/bọ gậy ngay từ tháng 7/2019 đến hết năm. Tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm vận động mọi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ngay tại hộ gia đình với khẩu hiệu “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”. Hướng dẫn người dân cách tự xử lý các dụng cụ chứa nước không cho muỗi vào đẻ trứng, các biện pháp diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt.

    Quỳnh Chi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-682019-dang-ngu-nguoi-dan-ong-bi-ran-can-vao-tai-phai-nhap-vien-cap-cuu-a287413.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan