Cái chết đau lòng của bé trai 8 tháng tuổi đã gióng hồi chuông một lần nữa cảnh báo các bậc làm cha mẹ về sự cẩn trọng khi cho trẻ ngủ chung giường.
Cái chết thương tâm xảy ra khi ngủ của một bé sơ sinh Đài Loan vừa xảy ra mới đây đã khiến nhiều người vô cùng đau lòng. Bé trai 8 tháng rưỡi lẫy khi ngủ đã bị mắc kẹt ở khe giường và úp mặt vào tường trong tình trạng thiếu oxy, đến khi được gia đình phát hiện ra thì đã quá muộn.
Theo cảnh sát điều tra cho biết, lúc 2 giờ chiều hôm trước, dì của cậu bé đến thăm phòng hai mẹ con thì nhìn thấy em bé bị mắc kẹt ở cuối giường, trong khe hở với bức tường gạch. Trong khi đó, mẹ của bé vẫn còn đang ngủ rất say. Dì của em bé nhanh chóng đánh thức người mẹ dậy và kéo con lên. Khi được lật lại, em bé đã toàn thân tím tái, không thấy dấu hiệu thở và nhịp tim. Gia đình đã ngay lập tức gọi xe cứu thương nhưng rất tiếc cậu bé đã không qua khỏi.
Trẻ dễ chết ngạt khi ngủ chung giường
Nghiên cứu của Mỹ đăng trên tạp chí Pediatrics cho biết 69\% số trẻ chết đột ngột là đang nằm ngủ cùng với một người khác. Kết quả nghiên cứu dựa trên số liệu của chính phủ về 8.207 trường hợp tử vong ở trẻ nhũ nhi khi ngủ ở 24 bang của Mỹ từ 2004-2012.
Nguy cơ ở trẻ từ 3 tháng tuổi trở xuống và trẻ 4 – 12 tháng tuổi là khác nhau. Những trẻ tử vong ở nhóm tuổi nhỏ hơn nhiều khả năng đang ngủ chung giường với người lớn hơn (73,8\% so với 58,9\%).
Những trẻ bị tử vong khi ngủ ở nhóm tuổi lớn hơn hay được phát hiện thấy là đang nằm sấp với những đồ vật như chăn hoặc thú bông ở chỗ ngủ.
Còn tại Anh, một nghiên cứu khác cho thây: Nguy cơ tử vong vì ngạt ở trẻ dưới 8 tháng tuổi ngủ chung giường với người lớn cao gấp 40 lần so với những em ngon giấc trong thế giới riêng. Nguy hiểm nhất là khi bé ngủ cạnh cha hoặc mẹ bị say rượu.
Trưởng nhóm nghiên cứu James Kemp thuộc Đại học St Louis (Anh) cho biết, trẻ nhỏ không thể tự thoát ra khỏi những rắc rối như bị cuộn chặt trong lớp chăn dày dành cho người lớn, bị gối đè hoặc kẹt giữa kẽ giường và tường. Khi đó, nếu người lớn không kịp thời nhận biết thì trẻ rất dễ tử vong. Kemp và cộng sự đã tiến hành phân tích nguyên nhân cái chết của trẻ sơ sinh từ năm 1995 đến 1998 và nhận thấy, số em tử vong vì ngạt do ngủ chung giường với cha mẹ đang có chiều hướng tăng lên.
Nguy hiểm nhất là khi trẻ ngủ ngay cạnh một phụ huynh đang dùng các loại thuốc thư giãn, thuốc ngủ, bị say rượu hoặc đã quá mệt mỏi sau một ngày lao động, Kemp cho biết. Họ có thể chèn lên người bé trong lúc say mà không hay biết.
TạiViệt Nam, được biết, những tai nạn trẻ sơ sinh bị ngạt, chết não do ngủ chung với cha mẹ không phải là hiếm. Cách đây 2 năm, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cũng đã xảy ra một tai nạn hy hữu. Theo đó, một bé sơ sinh 1 tháng tuổi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ngưng thở. Bác sĩ xác định cháu bị ngạt sâu do thiếu ôxy não. Người nhà cho biết, vì con còn quá bé nên bố mẹ ngủ cùng để tiện chăm sóc. Song ông bố ngủ say nên gác tay lên mặt con mà không hay. Chỉ đến khi ông bố giật mình tỉnh giấc, thấy tay mình đang đặt lên mũi đứa con một tháng tuổi mới hốt hoảng. Cháu bé đã bất động do bị ngạt quá lâu.
Cho trẻ ngủ thế nào cho... đúng?
Theo y học Phương Tây thì trẻ sơ sinh cần được ngủ riêng với người lớn có khoảng cách. Vì phổi trẻ sơ sinh rất yếu, nếu nằm ngủ bên cạnh người lớn dễ hít phải khí thải (Cabonat) của phổi người lớn đưa ra, có thể gây ngạt thở cho bé hoặc làm phổi bé bị nhiễm độc. Vì thế, các bác sĩ khuyên nên cho trẻ sơ sinh nằm trong nôi, nếu ngủ chung phòng thì phòng rộng và bé ngủ phải có khoảng cách với người lớn ít nhất 2m. Còn nếu ngủ phòng riêng thì phải đặt dụng cụ theo dõi như camera quan sát, bộ đàm, đồng hồ báo thức khoảng 2h một lần...v...v... để quan sát/ nghe động tĩnh của trẻ nếu như trẻ có tỉnh giấc và đòi bú sữa hoặc trẻ có sự cố gì thì người lớn sẽ biết được ngay.
Ở Việt Nam, trẻ nhỏ đa phần đều được ngủ chung giường với bố mẹ để tiện chăm sóc cũng như để tăng tình cảm, sự gắn kết. Điều này phù hợp với văn hóa ta, tuy nhiên để hạn chế các nguy hại đến từ việc ngủ chung giường, bố mẹ nên lưu ý những điều sau.
Mua một chiếc giường to: Nếu giường quá bé ngủ chung với nhau sẽ không thoải mái hoặc không vui vẻ. Tốt nhất phụ huynh nên chuẩn bị một cái giường có kích thước thật lớn, nhưng nếu phòng ngủ bé thì nên nghĩ đến việc mua một chiếc giường nhỏ cho bé đặt bên cạnh giường bố mẹ. Như vậy sẽ giảm được tình trạng chăn của bố mẹ kéo lên cao chèn vào mũi của trẻ làm trẻ ngưng thở, nếu trẻ hay trở mình hay quẫy đạp thì cũng không đạp phải bố mẹ.
Chú ý sự an toàn của đệm: Đệm của giường nhất định phải cứng. Nếu trẻ ngủ trên chiếc giường có đệm mềm hoặc xung quanh đều là gối và bộ đồ giường mềm, trẻ có thể bị nóng bức hoặc ngưng thở. Nếu giường của bạn có rào chắn xung quanh hoặc đầu giường dựa vào tường, trẻ sẽ không bị rơi xuống sàn nhà gây nguy hại cho sức khỏe.
Chăn ga gối trên giường phải nhẹ và ít: Nếu bố mẹ ngủ chung giường với trẻ dưới 12 tháng tuổi, hãy cố gắng ít dùng chăn và chăn phải nhẹ để giảm bớt nguy cơ trẻ bị nóng bức và ngạt thở. Nguy cơ này thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tháng tuổi. Từ 3-10 tháng tuổi, nguy hiểm lớn nhất cho trẻ đến từ việc rơi khỏi giường xuống sàn nhà hoặc đập đầu vào tường hoặc đầu giường. Ngoài ra trên giường ngủ cũng không nên đặt nhiều đồ chơi của trẻ.
Không cho trẻ nằm trên gối hoặc đầu bị bịt kín: Bố mẹ nên nhớ không bao giờ đặt trẻ nằm ngủ trên một cái gối lớn bởi vì trẻ có thể lật úp người xuống từ trên gối hoặc có nguy cơ ngạt thở giữa những giữa những nếp gấp của chiếc gối mềm. Bố mẹ cũng phải thường xuyên kiểm tra tình trạng ngủ của trẻ, đảm bảo trẻ không thể xoay úp xuống dưới hoặc cẩn thận đầu của trẻ có thể bị chăn che đậy làm cho trẻ quá nóng bức hoặc hô hấp khó khăn.
Với trẻ quá nhỏ, các mẹ cần lưu ý điểm sau:
- Chụp màn riêng cho bé giúp phòng chống được muỗi, cũng như tạo khoảng cách giữa mẹ và con để giảm thiểu lượng khí cacbonat mà bé có thể hít phải.
- Người lớn hít thở đều đặn và nhẹ nhàng. Tránh cho bé ngủ gần người hay ngủ ngáy (vì những người này sẽ tạo tiếng ồn khiến bé khó ngủ và hơi thở của những người này khá mạnh, ảnh hưởng sức khỏe của bé).
- Kê gối nằm cho bé để khí thở trong phổi dễ lưu thông (người lớn thường xuyên khẽ thức để chỉnh sửa lại tư thế nằm của bé).
- Cho bé nằm ngửa, tránh nằm sấp gây ngạt thở.
- Dùng hai gối ôm lớn chặn hai bên người bé để bé không lăn qua lại và chuyển tư thế nằm.
- Khi bé nằm cạnh người lớn, không nên cho đầu của bé nằm ngang hàng với đầu người lớn. Nên cho đầu bé thấp dưới cằm của người lớn. Tránh thở vào mặt bé.