Chưa đầy một ngày gây án, Đinh Trọng Quân và Trần Văn Giang - 2 kẻ đâm vào mặt tài xế, cướp xe taxi đã bị Công an TP Hà Nội bắt giữ.
Báo An ninh thủ đô đăng tải thông tin, ngày 10/8, Phòng cảnh sát hình sự, công an TP Hà Nội vừa bắt khẩn cấp hai đối tượng Đinh Trọng Quân (SN 1993) và Trần Văn Giang (SN 1986, cùng trú tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) về hành vi Cướp tài sản.
Quân và Giang được xác định là người gây ra vụ cướp taxi tại huyện Ba Vì (Hà Nội) vào ngày 9/8.
Hai đối tượng Quân và Giang tại cơ quan điều tra - Ảnh: báo An ninh thủ đô |
Theo báo VnExpress, tại cơ quan điều tra, hai đối tượng khai nhận, do thiếu tiền ăn chơi nên chiều 9/8 đã rủ nhau đi cướp tài sản.
Trước khi đi, Quang mang theo dao nhọn và dây thừng. Đến khoảng 18h, tại khu vực bến xe buýt gần Đại học Công nghiệp Hà Nội, Giang vẫy xe taxi do tài xế Trần Ngọc Khuyến (43 tuổi, trú tại Đan Phượng, Hà Nội) điều khiển và yêu cầu chở về xã Vân Hòa, huyện Ba Vì. Khi đi đến đường liên thông xã Vân Hòa, Quân yêu cầu tài xế đi chậm lại.
Bất ngờ, từ phía sau, Quân dí dao vào cổ tài xế và đe dọa. Dù bị khống chế, đâm vào vùng mặt, tài xế xe taxi vẫn cố đạp cửa thoát ra ngoài, chạy hướng vào làng kêu cứu.
Cướp được chiếc xe, Giang điều khiển về hướng thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ). Trên đường đi, chúng lục được hai chiếc điện thoại và đem bán với giá 700.000 đồng rồi bỏ lại chiếc taxi tại khu vực gần Đại học Lâm nghiệp.
Điều 133. Tội cướp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)