Thiếu tiền tiêu xài, nhóm thanh niên 9X lên kế hoạch thuê tài xế Grabbike chở đi rồi dùng dao khống chế, cướp tài sản.
Báo Vietnamnet đưa tin, ngày 10/8, Công an quận 2, TP. Hồ Chí Minh đang tạm giữ hình sự Cao Văn Hạnh (SN 1996), Nguyễn Văn Ngân (SN 1996) và Trương Đình Lộc (SN 1997) để điều tra về hành vi Cướp tài sản.
Hiện công an đang mở rộng điều tra, làm rõ hành vi Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có của Phạm Xuân Hưng (SN 1988) và Nguyễn Hồ Toàn (SN 1996, cùng quê Đồng Nai).
Nhóm cướp tài sản của Grabbike bị bắt giữ tại cơ quan công an - Ảnh: báo Vietnamnet |
Theo báo Dân Việt, quá trình điều tra, cơ quan công an đã xác định, do thiếu tiền tiêu xài, Hạnh, Ngân và Lộc lên kế hoạch cướp xe ôm “công nghệ”
Rạng sáng 7/8, Hạnh dùng điện thoại đặt xe ôm Grabbike của tài xế Nguyễn Công Tài và yêu cầu người này chở từ Bình Thạnh về quận 2.
Theo đúng kế hoạch, khi Hạnh đặt được xe, Ngân và Lộc cũng điều khiển xe máy đến cầu Cá Trê 1 trên đường Trần Não (quận 2) phục sẵn. Khi tài xế Grabbike chở Hạnh đến cầu Cá Trê 1 thì bị Hạnh rút dao dọa, Ngân và Lộc chạy tới hô cướp khiến tài xế xe ôm bỏ xe chạy bộ.
Sau khi cướp được chiếc xe máy, Hạnh đem về giao chov Hưng và được Hưng bán lại cho Toàn.
Về phần mình, sau khi tháo chạy khỏi nhóm cướp, anh Tài đến công an trình báo vụ việc.
Nhận tin báo, Công an quận 2 phối hợp cùng đội hình sự đặc nhiệm Công an TP. Hồ Chí Minh vào cuộc điều tra, truy xét và tiến hành bắt giữ các đối tượng liên quan.
Điều 133. Tội cướp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)