+Aa-
    Zalo

    Bảo tồn và phát huy dân ca Thái ở huyện miền núi Con Cuông

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Nhằm gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa của dân tộc Thái, thời gian qua, nhiều Câu lạc bộ (CLB) dân ca Thái ở các xã của huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) đã được thành lập và hoạt động tích cực.

    (ĐSPL) – Nhằm gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa của dân tộc Thái, thời gian qua, nhiều Câu lạc bộ (CLB) dân ca Thái ở các xã của huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) đã được thành lập và hoạt động tích cực.
    Đến với huyện miền núi Con Cuông vào những ngày đông lạnh, chúng tôi tìm về xã Yên Khê, nơi được xem là điểm khởi nguồn cho CLB dân ca Thái ở các xã khác sau này. Những ngày cận năm mới, các bản làng rộn ràng lạ thường bởi những lời hát dân ca đượm ngọt.
    Với dân số chủ yếu là đồng bào Thái sinh sống, người dân nơi đây ý thức sâu sắc rằng, cần phải bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca như khắp, xuối, lăm, nhuôn để thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước mà nỗ lực đưa nó đi xa hơn đến với mọi người.
    Ra đời năm 2007, CLB dân ca Thái ở bản Tờ, xã Yên Khê, huyện Con Cuông đã thu hút gần 20 thành viên với mọi lứa tuổi tham gia. Cứ vào tối thứ 7 hàng tuần, các thành viên lại cùng nhau tích cực tập luyện để đối đáp, trao đổi thêm những làn điệu, câu hát mới nhằm bổ sung phong phú thêm vào kho tàng dân ca tiếng Thái của mình. Đến với những bản làng này, người ta như bị cuốn vào những giai điệu tươi vui trên nền âm thanh từ các nhạc cụ truyền thống như khèn, be, đàn tính, pí, xi xa lo, tập pinh...
    Dù tuổi đã cao nhưng với sức còn bền, các cụ già trên 70 tuổi vẫn rất tích cực truyền dạy những làn điệu dân ca cho lứa con cháu mình. Các cụ Vi Thị Lan, Vi Thị Thiết và nhiều người cao tuổi khác trong bản đã gắn bó với CLB từ ngày mới thành lập cho tới nay. Và với mong muốn: “Lời ca, tiếng đàn của dân tộc mình không bị mai một…”, cụ Lan, cụ Thiết đã truyền niềm yêu thích hát dân ca cho các con, cháu trong anh em, họ hàng. Cũng vì sức hút của những làn điệu dân ca này mà một năm sau, tức đến năm 2008, ở xã Yên Khê đã có thêm một CLB dân ca Thái nữa được thành lập ở bản Nưa.
    Câu lạc bộ dân ca bản Nưa lúc mới ra đời đã quy tụ được 10 hạt nhân của bản, sinh hoạt đều đặn vào ngày cuối tuần. Nhà văn hoá bản trở thành “sân khấu” để các cụ, các mế biểu diễn những làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ. Qua những buổi sinh hoạt chung, rồi tham gia biểu diễn, giao lưu văn nghệ ở các bản trong xã, tình yêu với dân ca truyền thống cứ thế dần lớn lên trong các thành viên câu lạc bộ. Để duy trì hoạt động, các thành viên còn tự sắm hoặc làm các nhạc cụ, mang đến góp vui cho những buổi biểu diễn.
    Một buổi diễn văn nghệ của CLB dân ca Thái bản Cằng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An)
    Ông Vi Văn Lượng, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận bản Nưa cũng là một thành viên tích cực của CLB cho biết: “Ra đời năm 2008, nay CLB đã có 18 thành viên. CLB ở bản chúng tôi nhìn chung hoạt động tốt, có nề nếp và đã được tổ chức đi tập huấn, lấy thêm kinh nghiệm hoạt động”.
    Chị Lương Thị Hằng, Chủ nhiệm câu lạc bộ dân ca Thái bản Nưa cho biết: “Mỗi năm, CLB tham gia biểu diễn từ 20 – 30 buổi phục vụ khách du lịch cộng đồng tại bản. Nhờ vậy, chúng tôi có được nguồn quỹ để mua sắm phục trang, sắm thêm nhạc cụ và trang trải chi phí để phục vụ các đợt biểu diễn hay giao lưu văn hoá tại địa phương”. Các thành viên CLB cũng có thêm nguồn động viên khi tham gia sinh hoạt câu lạc bộ. Đến nay, CLB đã có 17 thành viên, bao gồm cả thanh niên tham gia.
    Với sức lan tỏa ngày một rộng, nhiều CLB dân ca Thái đã được hình thành ở xã lân cận như Môn Sơn. Cũng tổ chức sinh hoạt định kì vào tối thứ 7 hàng tuần, CLB dân ca Thái bản Cằng, xã Môn Sơn cũng đang hoạt động rất tốt và quy cũ. Đặc biệt, CLB dân ca Thái của bản này đã vinh dự được Trung tâm văn hóa thể thao tỉnh Nghệ An tiến hành đánh giá thẩm định và công bố là mô hình CLB dân ca Thái cấp tỉnh.
    Ra đời tháng 2/2010 với 14 thành viên, đến nay, sau hơn 4 năm hoạt động, CLB dân ca bản Cằng thu hút được hơn 20 thành viên với mọi thành phần, lứa tuổi như: hội người cao tuổi, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên... Dù các thành viên đã ở tuổi lục tuần hay đôi mươi, nhưng họ đều có điểm chung là yêu thích dân ca, không muốn dân ca, nhạc cụ dân tộc mình bị thất truyền, mai một.
    Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp, Chủ nhiệm CLB cho biết: “Cũng nhờ có CLB tập luyện hàng tuần nên mỗi khi trong bản có dịp gì vui, thành viên CLB đều có thể góp vui bằng lời ca, tiếng hát truyền thống của dân tộc. Hiện nay, cả xã Môn Sơn có 3 CLB ở bản Cằng, bản Tân Sơn, bản Xiềng và cả 3 CLB đều đang hoạt động tốt”.
    Được biết, ngoài chức danh chủ nhiệm, anh Nghiệp còn là một đạo diễn, diễn viên và nhạc côngAnh không những chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ: khèn, đàn tính, pí, xi xa lo, tập pinh, tăng bu, trống, chiêng mà còn truyền dạy cho mọi người các nhạc cụ dân tộc. Anh Nghiệp thường tích cực sưu tầm những điệu múa, bài hát và các loại nhạc cụ dân tộc Thái rồi dàn dựng, tập luyện cho CLB để biểu diễn phục vụ bà con dân bản và tham gia các hội thi văn nghệ do xã, huyện tổ chức. 
    Một buổi tập luyện tại nhà văn hóa bản Cằng
    Sự ra đời của các CLB dân ca Thái ở 2 bản Môn Sơn, Yên Khê đã kéo theo sự hưởng ứng tích cực của những người yêu thích dân ca ở các bản Lục Dạ, Chi Khê, Thạch Ngàn, Bồng Khê, Mậu Đức… Đến nay, toàn huyện Con Cuông đã có trên dưới 15 CLB dân ca Thái hoạt động và mang lại hiệu quả cao.
    Bên cạnh bảo tồn và phát huy loại hình dân ca Thái, CLB tiếng Thái do huyện Con Cuông thành lập tại xã Yên Khê cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người dân. Biết đọc, biết nói đã đành nhưng chữ Thái thì không phải ai cũng biết. Vì lẽ đó, CLB tiếng Thái được mở ra đã thu hút rất đông những cán bộ xã, người dân đăng kí học.
    Ở huyện miền núi Con Cuông, điều kiện sống còn nhiều khó khăn nhưng việc lưu giữ những giá trị tinh thần vẫn luôn được chính quyền và người dân quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, muốn cho dân ca Thái được lan truyền rộng rãi, phát huy mạnh mẽ, còn cần hơn nữa sự hỗ trợ của các ban ngành cấp huyện, tỉnh để những làn điệu dân ca Thái còn mãi theo thời gian. Một mùa xuân nữa lại về, khắp các bản làng ở huyện miền núi Con Cuông đang rộn ràng lời ca, tiếng hát dân ca Thái mừng năm mới, chúc nhau sức khỏe, chúc mùa màng bội thu…
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-ton-va-phat-huy-dan-ca-thai-o-huyen-mien-nui-con-cuong-a77302.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan