(ĐSPL) - Theo NSƯT Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An, chính hệ thống các câu lạc bộ đã tạo nên một mạng lưới hát dân ca rộng khắp các địa phương và trở thành “cái nôi” lưu giữ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Sau khi dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại tại phiên họp lần thứ 9 Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO diễn ra ở Paris (Pháp), nhiều câu hỏi được đặt ra là: Làm sao để bảo tồn, phát huy di sản này khi môi trường diễn xướng đã mất đi, những bến nước, bãi dâu… cho những cuộc ví, giặm đã không còn?
Thế nhưng, ở Nghệ Tĩnh, dân ca nói chung và ví, giặm nói riêng đang sống trong lòng người hâm mộ là nhờ phong trào văn nghệ quần chúng, các hoạt động bền bỉ của câu lạc bộ ví, giặm tại địa phương. Chính việc duy trì các câu lạc bộ này đã góp phần củng cố và lưu giữ những câu hát ví, hát giặm trong cộng đồng.
Để tìm câu trả lời cho việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể nhân loại dân ca ví, giặm, chúng tôi đã tìm về câu lạc bộ ví, giặm ở xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Nơi đã và đang duy trì tốt việc sinh hoạt để sưu tầm các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh lời cổ và các làn điệu cải biên cũng như việc truyền dạy các làn điệu dân ca này cho các thế hệ kế tiếp.
Câu lạc bộ (CLB) ví, giặm xã Ngọc Sơn được thành lập năm 2009. Các thành viên đều là những người nông dân “Một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” tự nguyện tham gia sau những ngày lao động mệt nhọc. Hàng tháng, những lúc rảnh rỗi, các thành viên trong CLB lại quây quần bên nhau, cùng xướng lên những điệu ví mang đậm bản sắc dân gian, tình yêu vợ chồng, cuộc sống thường ngày...
|
Chị Võ Thị Vân, chủ nhiệm CLB cho biết, các thành viên chủ yếu là người dân lao động đam mê ca hát. |
Chị Võ Thị Vân (50 tuổi, chủ nhiệm CLB) chia sẻ: “Lúc đầu, tôi thành lập CLB chỉ vì mê hát, các thành viên phần lớn là người nông dân và một số người làm ngành nghề khác. Cứ vào lúc rảnh rỗi, nông nhàn mọi người tụ tập với nhau để học và truyền cho nhau những câu ca, điệu ví mới nhằm giảm bớt sự mệt nhọc của một ngày lao động vất vả. Chẳng ai trong chúng tôi là nghệ sĩ hay nghệ nhân cả. Đơn giản đó là đam mê, là truyền thống của đời trước để lại mà tôi nghĩ cần phải phát huy”.
Dù bận rộn với công việc bán hàng ăn, quần áo hàng ngày để mưu sinh kiếm sống, nhưng mỗi lúc rảnh rỗi chị lại tập hát và sáng tạo những điệu ví, câu ca mới để tập cho CLB. Bởi, với chị làn điệu dân ca đã ăn vào máu và sống trong từng hơi thở.
Anh Đậu Đình Dũng (SN 1969), một trong những thành viên nam chủ chốt trong CLB chia sẻ: “Từ hồi còn nhỏ tôi được nghe bà, mẹ hát ví, giặm thích lắm nên cũng lẩm bẩm học theo. Khi nghe tin chị Vân mở CLB ở xã, tôi đã xin vào luôn. Mặc dù bây giờ tôi khá bận với công việc ở bệnh viện huyện, nhưng cứ khi nhận được tin nhắn tập là tôi lại sắp xếp công việc phóng xe về tham gia cùng với mọi người, đến nay chưa bỏ buổi nào”.
Còn thành viên lớn tuổi nhất CLB là cụ Lê Thị Vân, năm nay đã hơn 80 tuổi nhưng khi cất lên câu ví, điệu hò giọng cụ vẫn còn khỏe và mượt mà. Hàng ngày, cụ vẫn cùng mọi người tập luyện, truyền dạy các làn điệu dân ca. Cụ Vân cho biết, năm 16 tuổi, cụ đã bắt đầu học ví, giặm, lúc ấy, cụ cứ theo các phường vải, đoàn thanh niên để tập hát dân ca. Đến bây giờ khi đã lớn tuổi, cụ thấy mình có trách nhiệm truyền dạy cho thế hệ sau để những làn điệu dân ca này không bị mai một.
Mặc dù là thành viên nhỏ tuổi nhất nhưng em Nguyễn Thị Ngọc Trâm (6 tuổi) “khoe” đã thuộc rất nhiều bài dân ca mà cụ Vân truyền dạy. “Học hát hay lắm chú ạ. Qua lời ca tiếng hát cháu thấy được nhiều bài học về cuộc sống, dạy cháu nên người”, em Trâm lém lỉnh chia sẻ
Được biết, CLB xã Ngọc Sơn đã nhiều lần tham gia Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, lần nào cũng giành được giải thưởng và luôn nằm trong top 3 các CLB xuất sắc. Chính CLB là nơi tiếp đón và báo cáo nhiều chương trình cho các đoàn về nghiên cứu, thẩm định giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh để làm hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
|
CLB ví, giặm xã Ngọc Sơn trong một buổi truyền dạy câu ca, điệu ví (ảnh Dân trí) |
Theo NSƯT Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An, chính hệ thống các câu lạc bộ đã tạo nên một mạng lưới hát dân ca rộng khắp các địa phương và trở thành “cái nôi” lưu giữ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Vì thế, ngay từ năm 1998, ở các xóm, làng đều thành lập các câu lạc bộ hát dân ca và từ chính không gian, môi trường của mạng lưới câu lạc bộ ở các phường, xã đã tạo nên sự lan tỏa dân ca ví, giặm.
Hiện nay, có trên 80 câu lạc bộ và gần 2.000 nghệ nhân hoạt động thường xuyên, trong đó có gần 100 nghệ nhân hát ví, giặm tiêu biểu được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam.
Ví, giặm đã và đang trở thành yếu tố tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân. Có thể khẳng định rằng, làn điệu dân ca ví, giặm vẫn luôn sống và phát triển ở ngay trong chính cộng đồng, được người dân nắm giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ. Đây chính là con đường để chúng ta bảo tồn, phát huy làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-ton-dan-ca-vi-giam-xuat-phat-tu-van-nghe-cong-dong-a71790.html