(ĐSPL) – Tôi là chúa lười học, nhưng vì nghe tiếng mẹ dỗ ngọt vẫn phải bò dậy. Có hôm tôi vờ ốm “Mẹ ơi, con ngồi trong chăn học được không” , “Thôi con ra bàn học đi. Mẹ không đồng ý thế đâu”…
“Quê hương là gì hở mẹ; Mà cô giáo dạy phải yêu?”, cho tới bây giờ tôi vẫn nghe vẫn luôn cảm nhận được câu nói ấy, cảm nhận được tiếng mẹ đọc bài thơ ngày nào. Lòng tôi trào dâng nỗi nhớ thương về một miền quê yêu dấu, với bao kỷ niệm thân thương. Và tôi nhớ cô giáo đầu tiên có đôi mắt dịu hiền, nhân hậu, đó chính là mẹ tôi.
Tôi nhớ những trưa hè oi ả, khi chạy theo lũ bạn ra đồng thả diều, bắt cá. Đang lúc nô đùa nghịch ngợm thì có tiếng mẹ gọi “Tí ơi! Nhanh về học bài con ơi”. Biết không thể trốn được tôi đành theo mẹ về học bài. Mẹ không mắng, không đánh mà khéo léo kéo tôi vào những bài học ngộ nghĩnh, tràn ngập niềm vui.
Thời gian qua nhanh, tôi ngày càng lớn khôn, còn mẹ già đi trông thấy. Khi tôi vào cấp 3 mẹ nói rằng ‘Từ nay lên lớp con phải chăm chú nghe cô giáo giảng bài nghe chưa? Mẹ không thể kèm cặp, dạy con được nữa”. Khi tôi hỏi “Vì sao hả mẹ”. Mẹ mỉm cười “Xưa kia mẹ chỉ được học có bấy nhiêu thôi. Mẹ cũng chỉ nhớ có chừng đó để dạy con. Còn cái chữ sau này mẹ không biết gì cả đâu”.
Quê hương là nơi có những kỷ niệm êm đềm về tuổi thơ, nơi chôn rau cắt rốn của mỗi người. |
Tôi nghe mà nước mắt nghẹn ngào. Ngày đó chẳng hiểu vì sao nước mắt tôi nhiều thế. Mẹ tôi học rất giỏi, nhưng vì nhà ông bà ngoại nghèo nên mẹ không có điều kiện để học tiếp. Khi mẹ thi đỗ cấp 3, mẹ đã xin ông bà ngoại ở nhà đi làm phụ giúp ông bà nuôi dì, cậu tôi ăn học nên người. Về sau ai cũng đỗ đạt. Hiện tại 3 dì út tôi đều là Giáo viên. Còn cậu tôi là cán bộ.
Khi đó, tôi thấy mẹ quay đi nét mặt thoáng chút buồn. Tôi đã sà vào lòng mẹ nức nở “Với con mẹ không chỉ là người mẹ, mà còn là cô giáo, là một người luôn lắng nghe suy nghĩ của con”. Tôi không kể quá đi khi nói rằng, mẹ tôi có trí nhớ rất tốt. Dù đã mấy chục năm qua, nhưng những bài thơ xưa kia mẹ từng học, mẹ thuộc hết. Thi thoảng vui vui mẹ lại đọc cho chị em tôi nghe.
Ngày tôi và chị gái vào cấp 3, mẹ đã dặn dò rất nhiều. Mỗi ngày khi đồng hồ điểm 5h sáng mẹ đã dậy chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà. Mẹ cho gà, cho lợn ăn, rồi gọi mấy chị em tôi dậy học bài. Tôi là chúa lười học, nhưng vì nghe tiếng mẹ dỗ ngọt vẫn phải bò dậy. Có hôm tôi vờ ốm “Mẹ ơi, con ngồi trong chăn học được không” , “Thôi con ra bàn học đi. Mẹ không đồng ý thế đâu”…
Mẹ là thế, vừa làm vừa kèm con học. Khi bữa sáng xong xuôi, mẹ ghi công thức cần ghi nhớ vào một tờ giấy nhỏ rồi dặn “con nhớ đọc thuộc khi giờ ra chơi nhé. Chiều mẹ kiểm tra”. Nói rồi mẹ để hộp cơm vào túi của hai chị em, dắt xe để sẵn trước cổng “Đi học đi. Đi cẩn thận nhé”.
Bên cạnh đó, những công thức toán học, mẹ đều diễn dài bằng những dòng chữ dễ nhớ, dễ thuộc khiến tôi thích thú. Chẳng hạn như câu “Muốn tính diện tích hình thang, đáy lớn đáy bé ta mang cộng vào, rồi đem nhân với chiều cao, chia đôi lấy nửa thế nào cũng ra”; “diện tích tam giác khó chi, cao nhân với đáy chia đôi ra liền”,…Thật thú vị phải không ạ?
Cũng nhờ sự kèm cặp của mẹ, cùng những bài giảng bổ ích trên lớp của thầy cô giáo mà những năm học của tôi trôi qua trong những niềm vui vỡ òa, khi luôn đứng nhất nhì lớp và là học sinh giỏi toàn trường,..
Ngày tôi vào Đại học, nhìn dáng mẹ hao gầy, nắm tay bố tiễn tôi ra bến xe mà lòng tôi trào dâng niềm thương yêu vô hạn. Lúc đó, lòng tôi trào dâng bao ước mơ, hoài bão. Chỉ mong sao sớm đỗ đạt nên người để không phụ công bố mẹ sớm hôm tảo tần.
Đúng là thời gian chẳng đợi ai, khi 4 năm học trôi qua thật nhanh. Nhưng những mơ ước vẫn còn dang dở khi con đường xin việc đầy gian nan thử thách. Giờ tôi chỉ mong sao sớm có một công việc ổn định, để nuôi sống bản thân và hỗ trợ bố mẹ. Nhưng xem ra chặng đường vẫn còn nhiều gian nan, thử thách.