(ĐSPL) – Đề xuất công khai danh tính của người mua dâm mà Hà Nội vừa đưa ra lại một lần nữa làm người ta nhớ đến đề xuất cho thành lập phố đèn đỏ đã từng được nhắc đến trước đó.
Bài 1: Dập dìu kiều nữ cưỡi xe sang “mơi” khách giữa đường
Bài 2: Vợ chưa bán dâm xong, chồng đã vào giật tiền mua ma túy
Bài 3: Gái mại dâm giả câm, kêu hết tiền “trêu ngươi” cảnh sát
Kể từ khi Luật xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực từ 1/7/2013, thay vì bị đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, người bán dâm chỉ bị áp dụng biện pháp hành chính phạt tiền 300.000 đồng. Chính vì vậy, tệ nạn mại dâm càng diễn ra nhức nhối, gieo rắc bệnh tật trong cộng đồng và gần như không thể kiểm soát nổi. Chính vì vậy, đã có ý kiến đề xuất cho phép thành lập "phố đèn đỏ" thay vì công khai danh tính người mua dâm để hạn chế mại dâm.
Bêu tên người mua dâm chẳng giải quyết được gì!
Theo ThS. Lê Thanh Tùng - Ban Tư vấn, Phản biện và Giám định xã hội (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), đề xuất công khai danh tính của người mua dâm mà Hà Nội đưa ra mới đây làm ông lại nhớ đến đề xuất cho thành lập phố đèn đỏ trước kia.
“Theo ý kiến đánh giá cá nhân, tôi vẫn thiên hơn về đề xuất cho thành lập phố đèn đỏ, hợp pháp hóa các hoạt động mại dâm. Nếu làm được như vậy, nhà nước sẽ nắm trong tay quyền chủ động quản lý, những người hoạt động trong lĩnh vực bán dâm cũng sẽ có được những chế tài bảo vệ nhất định, nhà nước sẽ dễ dàng quản lý hơn, thay vì phải chạy theo giải quyết tệ nạn như bây giờ”.
“Tôi đã nhấn mạnh rất nhiều lần, chúng ta chỉ được chọn một trong các phương án, làm sao để chọn ra phương án tối ưu nhất, mà đã chọn cái nào là phải làm tới cái đó. Hiện nay, chúng ta không công nhận hoạt động mại dâm, thế nhưng chế tài xử phạt đối với các đối tượng mua bán dâm lại không chặt chẽ, những người bán dâm không được đưa vào các trung tâm giáo dục nhân phẩm, mà chỉ bị xử phạt hành chính rất qua loa, rồi sau đó sẽ lại “ngựa quen đường cũ”” – Ths. Tùng phân tích.
Dù có công nhận hay không, thì tệ nạn mại dâm vẫn luôn tồn tại trong xã hội của chúng ta. |
Đồng quan điểm với Ths. Lê Thanh Tùng, nhà tâm lí học Nguyễn An Chất - nguyên giảng viên khoa Tâm lý trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, đề xuất công khai danh tính người mua dâm mới đây của Hà Nội rồi cũng sẽ rơi vào quên lãng giống như các quy định cấm hút thuốc lá hay đội mũ bảo hiểm rởm trước kia.
Ông Chất nhận định, những người đề xuất công khai danh tính người mua dâm có thể chưa nhận thấy sự tai hại của điều này, bởi con người luôn tìm cách trốn tránh, luồn lách vào những góc khuất. Càng khắt khe, người ta càng tìm những phương pháp mới để che đậy hành vi của mình.
Đặt hai đề xuất công khai danh tính người mua dâm và đề xuất cho thành lập "phố đèn đỏ" lên bàn cân, nhà tâm lý học Nguyễn An Chất nhận định: “Ở các nước Hà Lan, Pháp, Đức, Thái Lan…, họ có những khu phố đèn đỏ và công khai hoạt động mại dâm, từ đó, họ có biện pháp bảo vệ sức khỏe cho cả đôi bên, đồng thời lại có thể thu được thuế như một ngành kinh doanh nhất định nên thu được rất nhiều lợi ích. Đó là cái chúng ta phải học tập, nghiên cứu và bổ sung, vì chúng ta là người đi sau nên phải làm sao để làm được tốt hơn họ”.
Cũng theo nhà tâm lý này, thì khi ban hành văn bản nào, cần có những cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến. Người soạn thảo cần lắng nghe để sửa đổi cho phù hợp lợi ích cộng đồng.
Cho rằng Việt Nam cần học hỏi một số nước về cách hợp pháp hóa hoạt động mại dâm khi cho thành lập các "phố đèn đỏ", nhưng ông Chất lại khẳng định rằng, dù nên học tập, nhưng bây giờ vẫn chưa nên thực hiện vì ở Việt Nam chưa đủ yếu tố, và còn thiếu rất nhiều thứ mà cần phải hoàn thiện, đặc biệt là thiếu ý kiến của lòng dân.
Trong khi đó, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội lại bày tỏ quan điểm hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Hà Nội: “Tôi biết, tất nhiên cũng sẽ có người nói công khai danh tính người mua dâm là vi phạm đời tư, nhưng tôi nghĩ phải với điều kiện đời tư không ảnh hưởng đến phát triển xã hội, chứ đây là tham gia vào tệ nạn xã hội thì việc công khai cũng là 1 biện pháp mạnh mẽ đối với người tham gia mua dâm”.
“Tại sao lại đối xử với người bán dâm và người mua dâm không công bằng, trong khi 2 người đó cùng tham gia một tệ nạn, hơn nữa, người chủ động lại thường là người mua. Mỗi khi có vụ việc xảy ra thì danh tính người bán dâm vẫn luôn được công bố, vậy tại sao người mua dâm lại không bị? Tại sao chỉ đặt vấn đề 1 phía? Nếu nói công khai danh tính người mua dâm làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của họ, thì tại sao không nghĩ người bán dâm khi bị bêu tên cũng sẽ ảnh hưởng đến tương lai lâu dài, vì biết đâu sau này họ sẽ hoàn lương, họ còn cả tương lai phía trước?” - Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đặt câu hỏi.
“Chúng ta đều biết, mại dâm là tệ nạn vốn rất nhức nhối trong xã hội, nên nếu như chúng ta chống mà chống có một nửa thôi thì không thể có hiệu quả được. Việc này nếu có làm thì cũng là vì lợi ích xã hội, cần đặt lợi ích xã hội lên trên lợi ích của những người đó, hơn nữa, bản thân những người mua dâm nếu bị bêu tên mà cho rằng như vậy là không được tôn trọng quyền và nhân quyền thì đó cũng là do lỗi của họ. Vậy, nếu cân nhắc giữa lợi ích xã hội và quyền lợi các nhân thì lợi ích xã hội vẫn quan trọng hơn” – ông Thi nhấn mạnh.
Đề xuất nhạy cảm
Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Lê Đức Hiền. |
Tuy nhiên, trao đổi với Đời sống và Pháp luật, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ông Lê Đức Hiền cho biết: "Dù là đề xuất công khai danh tính của người mua dâm hay đề xuất lập phố đèn đỏ đều là những vấn đề nhạy cảm, cần phải được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng. Thời gian qua, theo dõi báo chí, tôi cũng ghi nhận được những ý kiến nhiều chiều từ dư luận.
Đặc biệt, trong đó cũng có những người cho rằng, thà cho thành lập "phố đèn đỏ", hợp pháp hóa tệ nạn mại dâm, coi nó là một nghề còn hơn chạy theo xử lý bằng cách công khai danh tính của người mua dâm. Thế nhưng, tôi vẫn nhấn mạnh rằng, ở Việt Nam chúng ta chưa thể bàn đến việc lập "phố đèn đỏ", chưa thể hợp pháp hóa hoạt động mại dâm.
Người dân nhìn vào vấn đề này thì chỉ có thể thấy được một số khía cạnh, nhưng những cơ quan nghiên cứu như chúng tôi thì cần phải xem xét toàn diện vấn đề.
Riêng vấn đề hợp pháp hóa mại dâm, không phải là chúng ta không làm được, không quản lý được thì cấm, mà đó là quyết định trên cơ sở thực tiễn 20 năm thực hiện công tác phòng chống mại dâm và thực tiễn nghiên cứu hợp pháp hóa mại dâm, mô hình phòng chống mại dâm trên thế giới".
Ông Hiền cũng cho rằng, thực tiễn ở một số nước, cho dù Chính phủ để mại dâm hoạt động hợp pháp, nhưng người dân của họ vẫn cho việc ấy không có gì tốt đẹp cả, vì không ai muốn họ hàng, người thân mình đi làm mại dâm. Vì vậy, việc nước ta chưa cho lập "phố đèn đỏ" là do đã rút được kinh nghiệm thực tiễn của một số nước.
"Tôi nghĩ nếu cứ làm để sau đó nó gây nhiều tác hại rồi mới tính đến phương án rút lại chính sách thì rất nguy hiểm. Lập khu "đèn đỏ" hay hợp pháp hóa mại dâm là vấn đề rất khó khăn và phức tạp trong công tác quản lý. Không phải đơn giản là đưa gái mại dâm vào khu "đèn đỏ", khám bệnh, thu thuế, đóng bảo hiểm xã hội cho họ, bảo vệ họ khỏi bị chà đạp... là xong", ông Hiền nhận định.