(ĐSPL)-Việc công khai danh tính của người mua dâm xét cho cùng chỉ có ý nghĩa đối với các cán bộ đảng viên, công chức, còn với những người không có vị trí xã hội thì nó chẳng có ý nghĩa gì cả.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật xung quanh đề xuất mới đây của Hà Nội, yêu cầu công khai danh tính của người mua dâm đã làm dấy lên rất nhiều ý kiến tranh cãi.
Với những người đồng ý theo đề xuất trên thì họ cho rằng, nó không chỉ giúp hạn chế tệ nạn mua bán dâm vốn đã nhức nhối bấy lâu nay trong xã hội, mà có nó tạo ra sự công bằng, tạo ra bình đẳng giới giữa hai bên người mua và người bán.
Thế nhưng bên cạnh đó, những người đưa ra ý kiến phản đối cũng có những lý lẽ thuyết phục riêng.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, đề xuất công khai danh tính của người mua dâm xét cho cùng chẳng có ý nghĩa gì! |
Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Trịnh Hòa cho rằng: “Việc công khai danh tính của người mua dâm xét cho cùng chỉ có ý nghĩa đối với các cán bộ đảng viên, công chức làm việc ở các cơ quan công quyền, còn với những người không có vị trí xã hội thì nó chẳng có ý nghĩa gì cả”.
“Mà thực tế, nhóm những người không có địa vị xã hội tìm đến hành vi mua bán dâm thường nhiều hơn giới công chức, nhóm đối tượng này lại thường là nhóm sẵn sàng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với người vợ trong gia đình nên chắc chắn họ cũng chẳng sợ gì nếu bị công bố. Bởi vậy, có công bố hay không thì với họ cũng không có bất kì ảnh hưởng gì” – ông Bình phân tích.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, câu chuyện công khai danh tính của người mua dâm không phải là câu chuyện giờ mới được đặt ra, mà nó đã từng được đặt ra rất lâu rồi. Trong đó, ý kiến ủng hộ có, phản đối cũng có, tuy nhiên, cuối cùng phản đối vẫn luôn thắng thế.
“Những quy định của Hà Nội đưa ra thường gây rất nhiều tranh cãi, nhưng rồi cuối cùng lại quay trở lại mốc ban đầu chứ không giải quyết được vấn đề gì” - PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhận định.
Phân tích thêm về đề xuất này, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội cho rằng: “Nhiều người nói việc công bố danh tính sẽ làm cho “nạn nhân” cảm thấy xấu hổ, nhưng tôi nghĩ rằng, xấu hổ chưa thấy đâu, mà chỉ thấy tốn kém trong khoản công văn, giấy tờ gửi đi gửi lại các nơi để thực hiện việc công bố”.
Theo TS Trịnh Hòa Bình, nhóm những người không có địa vị xã hội tìm đến hành vi mua bán dâm thường nhiều hơn giới công chức. |
Ông Bình cho biết, gần đây, theo quan điểm mới trong việc điều hành quản lý, người ta thường đặt vấn đề coi trọng quyền riêng tư hơn, nên nếu công khai thì tất nhiên nó sẽ xâm phạm quyền riêng tư. Và nếu xét về quyền con người, quyền riêng tư thì chắc chắn chẳng có nước nào làm như nước ta.
“Với những ý kiến đồng ý với đề xuất trên, tôi cho rằng, đối với các cán bộ đảng viên thì họ chỉ được phép làm những gì được mà điều lệ quy định. Thế nên đã là cán bộ đảng viên thì phải “hi sinh”, chịu sự điều chỉnh theo quy chiếu pháp luật. Nên giờ nếu nói công khai hay không công khai, thì tất nhiên họ cũng chỉ biết đồng ý mà thôi” – PGS.TS Trịnh Hòa Bình phân tích.
“Trên thực tế, tình dục theo kiểu mua bán đã trở thành một thị trường mà luôn luôn có sức sống và tồn tại qua tất cả các thời đoạn lịch sử với cả mọi hệ thống chính trị, không phân biệt tất cả điều gì, thậm chí có người từng nói: “Mại dâm là bạn đồng hành của chế độ hôn nhân một vợ một chồng”, thế nên xét cho cùng, những văn bản pháp luật giống như đề xuất trên chỉ nhằm điều chỉnh hành vi, còn việc nó có tác dụng trong việc đẩy lùi và phòng chống tệ nạn mại dâm hay không thì nó lại là chuyện khác. Tôi cho nó sẽ chẳng giải quyết được gì” – ông Bình quả quyết.
Tuy nhiên, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cũng cho rằng, nếu xét về phương diện xây dựng một xã hội lành mạnh thì chưa hẳn đề xuất này đã có tác dụng tích cực, nhưng xét về phương diện quản lý cán bộ công chức thì nó vẫn cần thiết và đáng để đặt lên bàn cân.
Trong khi đó, ThS. Lê Thanh Tùng - Ban Tư vấn, Phản biện và Giám định xã hội (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) lại cho rằng, đề xuất này cũng tương tự như đề xuất cho lập phố đèn đỏ trước kia. Nhưng theo quan điểm cá nhân của mình, ông Tùng cho rằng việc thành lập phố đèn đỏ trước kia chúng ta đã từng đưa ra, coi mại dâm là một nghề để cho những người làm việc trong nghề này sẽ có được các biện pháp bảo vệ, nhà nước cũng dễ dàng quản lý hơn.
"Nếu đưa ra sự so sánh, thì đề xuất thành lập phố đèn đỏ chắc chắn sẽ hay hơn đề xuất công khai danh tính của người mua dâm" - ông Tùng nhận định.