+Aa-
    Zalo

    Mua bán dâm: Chỉ đàn ông mới được quyền trăng hoa?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Việc công khai danh tính người bán dâm, trong khi danh tính người mua dâm được giấu kín là không công bằng, hơn nữa, nó còn thể hiện sự bất bình đẳng giới.

    (ĐSPL) – Việc công khai danh tính người bán dâm, trong khi danh tính người mua dâm được giấu kín là không công bằng, còn thể hiện bất bình đẳng giới khi cho rằng, đàn ông có quyền trăng hoa, còn phụ nữ thì không.

    TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật về việc mới đây Hà Nội đưa ra đề xuất công bố danh tính của người mua dâm.

    "Rất tế nhị và nhạy cảm"

    Mới đây, tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, lãnh đạo UBND Hà Nội vừa đề nghị Quốc hội nghiên cứu thay thế Pháp lệnh bằng Luật Phòng, chống mại dâm.

    Theo đó, Hà Nội cũng đề nghị bổ sung Điều 22 với nội dung: Tăng mức xử phạt hành chính với người mua dâm, công khai danh tính người mua dâm đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục.

    Công khai danh tính người mua dâm: Như thế mới công bằng!

    Ông Lê Đức Hiền -  Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội cho rằng, công khai danh tính của người mua dâm là vấn đề rất tế nhị và nhạy cảm, cần cân nhắc kĩ.

    Ngay sau khi đề xuất này được đưa ra, trong dư luận lại dấy lên nhiều luồng tranh cãi. Có ý kiến cho rằng đề xuất này không thiết thực, không cần thiết và cũng khó có tính khả thi. Tuy nhiên, nhiều người lại nêu ý kiến, bên cạnh việc lên án những người bán dâm thì cũng cần phải “đưa ra ánh sáng” những người đã mua dâm, công bố danh tính những người mua dâm, vì đây cũng là biện pháp nhằm hạn chế tệ nạn này.

    Dưới góc độ của cơ quan quản lý, ông Lê Đức Hiền -  Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội nhận định: “Thực sự, việc công bố danh tính của người mua dâm là một vấn đề rất nhạy cảm và tế nhị. Cũng rất khó để có thể đánh giá đề xuất này hay hay dở, nên đồng ý hay không đồng ý. Công khai danh tính của người mua dâm chỉ là một vấn đề nhỏ, còn vấn đề lớn là cả một hệ thống các giải pháp khác. Vì vậy, việc này cần phải nghiên cứu kĩ xem tác dụng thực sự của nó đến đâu”.

    Ông Hiền cũng cho biết, theo Pháp lệnh phòng, chống mại dâm thì không công bố tên tuổi, hình ảnh người bán dâm, mua dâm. Người bán dâm có hành vi môi giới, tổ chức thì thành tội phạm hình sự. Tuy nhiên, Pháp lệnh cũng quy định ngoài việc bị xử phạt hành chính tại chỗ hành vi mại dâm, người mua dâm sẽ bị thông báo về địa phương để chính quyền địa phương nhắc nhở, giáo dục.

    “Nếu người mua dâm là cán bộ công chức, đảng viên hay lực lượng vũ trang thì tên tuổi sẽ bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục và xử lý kỷ luật” – ông Hiền cho biết.

    Chỉ cần công khai 1,2 trường hợp, chắc chắn nạn mua bán dâm sẽ giảm

    Bày tỏ ý kiến về đề xuất trên, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho biết rất hoan nghênh nhưng lại không mấy tin tưởng rằng đề xuất này sẽ khả thi trong việc thực hiện.

    “Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất này. Chưa thể nói trước được tính khả thi của đề xuất này, nhưng tôi nghĩ về nguyên tắc thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc rất nhiều vào việc luật pháp nước ta nghiêm đến đâu, và người thực thi pháp luật có nghiêm túc thực hiện quy định hay không” – TS Khuất Thu Hồng nhận định.

    Lý giải rõ hơn về sự nghi ngại của mình trong việc thực hiện đề xuất trên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội nói: “Tôi biết, cách đây nhiều năm, từ những năm 90 thì quy định này đã được đưa ra, theo đó, những người bị bắt khi mua dâm phải viết bảng kiểm điểm, sau đó cơ quan công an sẽ gửi bản kiểm điểm này về cho địa phương và cho cơ qua để thực hiện các biện pháp xử lý như cảnh cáo, phạt tiền…, nhưng cuối cùng không ai làm được việc đó.

    Công khai danh tính người mua dâm: Như thế mới công bằng!

    TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội hoàn toàn hoan nghênh với đề xuất công khai danh tính của người mua dâm.

    Trong một lần đi nghiên cứu, tôi đã từng đọc mấy trăm hồ sơ và các bản kiểm điểm của những người mua dâm, sau đó tôi hỏi các anh công an là các anh đã gửi được hồ sơ nào về địa phương chưa, các anh ấy bảo chưa gửi, tôi hỏi tại sao, thì họ trả lời hồn nhiên rằng: “Đàn ông với nhau ai lại làm thế!”.

    “Chính vì vậy, mà bây giờ tôi nghĩ, câu chuyện này rất có thể sẽ được lặp lại” – TS. Hồng chia sẻ.

    Đối với những người mua dâm, TS. Hồng cho rằng họ còn có tội nặng hơn những người bán dâm.

    “Xét dưới góc độ pháp luật, cả người mua và bán dâm đều vi phạm Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, bị xử lý hành chính, gửi thông báo về cơ quan hoặc địa phương nơi làm việc, cư trú. Việc báo chí công khai danh tính người bán dâm, trong khi danh tính người mua dâm được giấu kín là không công bằng. Hơn nữa, nếu những người mua dâm đã có gia đình thì họ còn vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Việc công khai danh tính một chiều còn thể hiện bất bình đẳng giới, bởi quan niệm xã hội vẫn cho rằng, đàn ông có quyền trăng hoa, phụ nữ thì không” – TS Khuất Thu Hồng khẳng định.

    Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho rằng, nếu đề xuất trên được thực thi thì tệ nạn mại dâm cũng sẽ giảm, vì chắc chắn nhiều người mua dâm sẽ tỏ ra nghi ngại. Và pháp luật lơi lỏng chính là tạo điều kiện cho những người thực sự không có nhu cầu mua dâm vẫn dấn sâu vào tệ nạn này.

    TS. Khuất Thu Hồng nhấn mạnh rằng, Hà Nội phải kiên quyết thực hiện đề xuất này. Không cần làm nhiều, chỉ cần làm nghiêm khắc 1,2 trường hợp thì chắc chắn tình trạng mua bán dâm cũng sẽ giảm ngay.

    “Họ - những người mua dâm hẳn sẽ phải cân nhắc giữa được và mất khi việc công khai danh tính được thực thi. Chắc chắn không ai muốn đánh đổi vài phút vui vẻ để sau đó mất tất cả những thứ khác” – bà Hồng cho hay.

    Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên - Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, đây là một đề xuất, kiến nghị có tính mới, thể hiện sự quyết tâm trong việc kiểm soát, ngăn chặn hoạt động mại dâm ở thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước  nói chung.

    "Từ trước đến nay đã có không ít quan điểm khác nhau về quản lý hoạt động mại dâm ở nước ta, đã có ý kiến cho phép thí điểm lập khu “đèn đỏ” như ở một số nước để quản lý hoạt động mại dâm ở nước ta. Vì thực tế hoạt động mại dâm ở nước ta rất phức tạp, rất khó kiểm soát. Một loạt các biện pháp được đề ra theo tôi là có cơ sở để thực hiện. Tuy nhiên vấn đề công khai danh tính đối với người mua dâm thì cũng cần phải nghiên cứu thêm, vì theo tôi khi thực hiện sẽ khó khả thi, đôi khi tạo thêm áp lực cho cơ quan chuyên trách phòng chống mại dâm và chính quyền địa phương. Thậm chí nếu thiếu cơ chế kiểm soát, minh bạch, công khai thì có thể dẫn đến tiêu cực, nể nang, né tránh, sự can thiệp từ người này người kia, sự thiếu kiên quyết trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính đối với người mua dâm", luật sư Nguyên nói.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mua-ban-dam-chi-dan-ong-moi-duoc-quyen-trang-hoa-a42661.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan