+Aa-
    Zalo

    Bài 2: Dịch vụ làm đẹp, spa, thẩm mỹ: Nỗi lo bác sỹ ngoại!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều người chuộng hình thức, thích những thứ gắn mác “nước ngoài”. Câu chuyện sính bác sỹ ngoại trong phẫu thuật thẩm mỹ trở thành một trào lưu hiện nay.

    Nhiều người chuộng hình thức, thích những thứ gắn mác “nước ngoài”. Song, những thứ tới từ nước ngoài, có thật sự tốt? Câu chuyện sính bác sỹ ngoại trong phẫu thuật thẩm mỹ là trở thành một trào lưu hiện nay song nó cũng trở thành nỗi lo thường trực của chính những người có nhu cầu đi làm đẹp.

    Quảng cáo trên mây

    Hẳn nhiều người đã từng nghe qua những đoạn quảng cáo đại loại như “Bác sĩ Hàn Quốc trực tiếp thực hiện, hay bác sĩ tu nghiệp nước ngoài đứng ra phẫu thuật…” của nhiều trung tâm thẩm mỹ hiện nay? Đó thực sự là những đoạn quảng cáo hấp dẫn đối với những người có nhu cầu tu sửa sắc đẹp. Tuy nhiên, hãy là người khách hàng thông thái để biết lựa chọn giữa đâu là thật, đâu là giả!

    Ngành thẩm mỹ cũng như nhiều ngành nghề khác trong xã hội, cần có kiến thức, kinh nghiệm và cả sự chuyên nghiệp để đảm bảo cho chất lượng của việc hành nghề. Đặc biệt, y học nói chung và thẩm mỹ nói riêng thì những vấn đề nêu trên cự kỳ cần thiết, bởi nó có mối quan hệ mật thiết đến sự an toàn, sức khỏe và tính mạng của con người.

    Chính vì vậy, ngày càng có nhiều bác sĩ thẩm mỹ tìm đến các “kinh đô phẫu thuật thẩm mỹ” lớn trên thế giới, mà đặc biệt là Hàn Quốc để học hỏi, tu nghiệp, nhằm nâng cao nghiệp vụ.

    GS.TS Trần Thiết Sơn – Trưởng khoa Khoa Phẫu thuật Tạo hình – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn

    Theo GS.TS Trần Thiết Sơn – Trưởng khoa Khoa Phẫu thuật Tạo hình – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, đúng là có những bác sĩ thẩm mỹ được đào tạo bài bản ở các trường đại học, trung tâm PTTM ở các nước như Nhật, Hàn, Mỹ… nhưng con số là rất ít.

    Có nhiều người gắn từ “tu nghiệp” cho mình nhưng thực tế, họ chỉ đơn thuần là tham gia một hội thảo, lớp tập huấn vài ngày, vài tuần về một chuyên đề (nâng mũi, hút mỡ,…) và sau đó quay lại Việt Nam, với một danh xưng mới – Bác sĩ thẩm mỹ tu nghiệp nước ngoài…

    Thực tế, họ chỉ được nghe, được thấy và có thể học việc vài tháng, nhưng kỹ năng thực hành và kinh nghiệm chưa đủ, nhưng khi về nước đã tự tin đứng ra thực hiện nhiều ca phẫu thuật chỉnh hình phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Điều này thực sự là một sự nhầm lẫn tai hại về “tu nghiệp” và “thực tế”!

    Kẽ hở quản lý

    Liên quan đến vụ việc một phụ nữ tên L. (36 tuổi, ở Hà Nội) phẫu thuật nâng mũi và ngực tại Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ Kim Cương A&B với chi phí 13.000 USD (~ 290 triệu đồng) bị biến chứng, khiến ngực sưng, rỉ máu sau ca phẫu thuật hôm 13/5. Có thông tin sau đó, bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho chị L. là ông Ha Jea Sung (quốc tịch Hàn Quốc) đã trở về nước.

    Chia sẻ về trường hợp này, GS.TS Trần Thiết Sơn, người đã tiếp nhận khám và điều trị cho chị L. sau đó cho biết: “Sau mổ hơn 2 tuần, giai đoạn ảnh hưởng tới tính mạng nạn nhân không còn nữa. Song, nếu vẫn để khối u trong cơ thể bệnh nhân thì sau 3-6 tháng, nó sẽ dẫn đến tình trạng biến dạng ngực do tạo bao xơ. Đây là lỗi của phẫu thuật viên chứ không phải do cơ địa của bệnh nhân.

    Khi phẫu thuật sẽ có những biến chứng như: chảy máu, nhiễm trùng, biến dạng lồng ngực do sai sót khi đặt túi ngực, sau đấy là những trường hợp nhiễm trung mãn tính hoặc tăng tiết dịch, biến dạng, tạo bao xơ… Đây là những trường hợp cũng có thể gặp, tuy nhiên với những phẫu thuật viên có kinh nghiệm thì tỉ lệ này rất thấp”.

    Trước câu hỏi về việc nhiều bệnh viện tư nhân có hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ, sử dụng bác sĩ nước ngoài hiện nay ở Hà Nội, GS.TS Trần Thiết Sơn cho biết đây thuộc quyền hạn của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế. Nhưng rõ ràng cũng phải cân nhắc đặc biệt trong chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ những bác sĩ Hàn Quốc có uy tín thì ít khi đặt được lịch để họ mổ ở nước ngoài. Chỉ những người không có bệnh nhân hoặc làm không đúng chuyên ngành thì mới có thời gian để đi “mổ dạo”. Và rõ ràng đó là những kẽ hở mà cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ hơn.

    Có thể thấy, hiện nay những người có mong muốn làm đẹp, chuộng hình thức đều thích những thứ gắn mác “nước ngoài”. Vì lý do này, nhiều trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ không tên tuổi trên thị trường, bỗng chốc nổi tiếng với thương hiệu bác sĩ thẩm mỹ nước ngoài mà đặc biệt là bác sĩ Hàn Quốc.

    Liệu những bác sĩ nước ngoài có tay nghề tốt hơn? (Ảnh minh họa)

    Không thể phủ nhận sự ảnh hưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc đối với các nước trên thế giới, đặc biệt là châu Á. Hàng năm có hàng chục nghìn người từ khắp nơi trên thế giới đến xứ sở Kim Chi chỉ để tu sửa sắc đẹp, mang lại hàng nguồn ngân sách vô cùng lớn cho ngành thẩm mỹ của đất nước này.

    Nếu đủ điều kiện kinh tế, bạn có thể “xách vali lên” và xuất ngoại còn nếu không, chỉ cần gõ tìm trên Google một địa chỉ thẩm mỹ với quảng cáo có bác sĩ thẩm mỹ nước ngoài, bác sĩ Hàn Quốc, bạn sẽ được “toại nguyện” mong ước của mình – nếu may mắn! Còn nếu không may gặp phải một trung tâm “dởm” gắn mác ngoại thì hậu quả sẽ rất khôn lường.

    Thực tế, có khá nhiều bác sĩ thẩm mỹ nước ngoài đến Việt Nam để hành nghề, tuy nhiên, không phải người nào cũng có đủ bằng cấp, chứng chỉ về phẫu thuật thẩm mỹ hay được cấp phép hành nghề tại nước ta.

    Do đó, GS.TS Trần Thiết Sơn cảnh báo với những người đã và đang có kế hoạch “tu sửa” cần tìm hiểu rõ thông tin trước khi muốn phẫu thuật thẩm mỹ. Đừng để rơi vào “tâm lý bầy đàn” chỉ vì muốn được bác sĩ ngoại phẫu thuật, đồng thời phải biết lựa chọn vì người hứng chịu hậu quả không ai khác chính là bản thân mình. Điều quan trọng nữa là tránh xa những “mê cung” quảng cáo trên mạng xã hội, những hệ thống cò mồi – những thứ lôi kéo khiến mọi người không biết đâu là thật, cứ lao đầu vào làm để làm rồi gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng (Còn nữa).

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-2-dich-vu-lam-dep-spa-tham-my-noi-lo-bac-sy-ngoai-a195333.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan