Cơ sở vật chất đơn sơ, thiếu thốn với số lượng y bác sĩ đếm chưa hết trên đầu ngón tay, nhưng các bệnh xá ở Trường Sa không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, mà còn là địa chỉ tin cậy của bà con ngư dân đánh bắt hải sản ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Bác sĩ Trần Vũ Nam, Bệnh xá Song Tử Tây đang chăm sóc cho anh Phạm Ngọc Phú, ngư dân Bình Thuận bị cá mặt quỷ chém và được bạn ghe đưa vào đảo cấp cứu. |
Bệnh xá đa khoa
Hiện nay, tại tất cả các đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa đều có các y, bác sĩ. Tuy nhiên, chỉ có các đảo nổi như: Trường Sa lớn (thị trấn Trường Sa), Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết…thì mới có bệnh xá. Bệnh xá được xây dựng khá đơn sơ, chỉ là một dãy nhà cấp 4, phòng khám cũng là phòng lưu bệnh, siêu âm, cấp phát thuốc. Mỗi bệnh xá thường chỉ có 2-4 bác sĩ. Về công tác ở Trường Sa, tất cả các bác sĩ chuyên khoa đều trở thành “đa khoa”. Bởi, họ phải điều trị từ các bệnh thông thường cho đến các bệnh phức tạp như đau xương khớp, huyết áp, tim mạch và kể cả trực tiếp cầm dao mổ…
Mấy năm gần đây, các bệnh xá được quan tâm đầu tư khá mạnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Riêng bệnh xá Trường Sa lớn còn được đầu tư phòng phẫu thuật, các thiết bị chẩn đoán và điều trị khá hiện đại như: máy siêu âm, máy chụp X-Quang, máy điện tim...Tuy nhiên, theo đại úy, bác sĩ Nguyễn Đức Anh, Trưởng bệnh xá Trường Sa, thiết bị y tế ở đây không thể so sánh với những bệnh viện lớn trong đất liền, nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho quân, dân trên đảo và bà con ngư dân.
Năm 2013, không tính các ca tiểu phẫu, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh xá Trường Sa đã thực hiện được gần 20 ca trung phẫu, đại phẫu. Trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như viêm ruột thừa, thủng dạ dày, bệnh phổi, chấn thương nặng…Với những ca khó, bác sĩ có thể hội chẩn trực tuyến với bác sĩ hàng đầu tại các Bệnh viện Quân y lớn như: 175, 108, 103, Viện y học Hải quân Hải Phòng…
Bác sĩ Nguyễn Đức Anh, Trưởng bệnh xá đảo Sinh Tồn, đang khám bệnh cho cán bộ hải quân trên đảo. |
Địa chỉ tin cậy của ngư dân
Ngoài việc khám và điều trị bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và chăm sóc sức khỏe cho người dân trên đảo, mỗi năm các y, bác sĩ ở Trường Sa còn cấp cứu thành công hàng trăm ngư dân gặp nạn trong quá trình đánh bắt như: viêm ruột thừa cấp, gãy xương, bỏng, bị cá đâm…
Hôm đến thăm bệnh xá Song Tử Tây, chúng tôi có dịp gặp anh Tạ Đăng Khiêm, ngư dân tàu cá BTH 99455 đưa bạn ghe của mình là anh Phạm Ngọc Phú bị cá mặt quỷ cắn vào điều trị tại bệnh xá. Lúc mới vào, bàn tay anh Phú sưng như chiếc bóng căng tròn, tim mạch yếu do bị độc tố tấn công. Tuy nhiên, nhờ sự chăm sóc tận tình của bác sĩ Trần Vũ Nam và bác sĩ Bệnh xá trưởng Lê Văn Lợi, đến chiều anh Phú đã tỉnh táo hơn và có thể trò chuyện được. Anh Tạ Đăng Khiêm cho biết, đây là lần thứ hai anh đưa thuyền viên vào chữa trị ở bệnh xá Song Tử Tây. “Lần nào đến chúng tôi cũng được các bác sĩ chăm sóc tận tình chu đáo. Bây giờ đánh bắt trên khu vực quần đảo Trường Sa chúng tôi rất yên tâm vì những khi ốm đau đã có các bác sĩ chăm sóc, không phải quay về bờ như trước nữa”, anh Khiêm chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Đức Anh, Trưởng bệnh xá Trường Sa kể, tháng 11-2013 vừa qua, bệnh xá đã thực hiện thành công một ca phẫu thuật khá phức tạp. Đó là trường hợp bệnh nhân Đặng Văn Luật, thuyền viên tàu QN 90951-TS bị viêm ruột thừa, đưa vào bệnh xá trong tình trạng huyết áp cao, phải mổ gấp vì thời gian viêm đã quá lâu. Đã vậy, ruột thừa còn bị lạc chỗ nên ca mổ phải kéo dài đến 3 tiếng rưỡi đồng hồ. Rời phòng mổ, kíp mổ ai nấy mệt lả, nhưng đều rất vui vì ca mổ thành công, không sơ suất gì. Bây giờ, thỉnh thoảng ông Luật và người nhà vẫn gọi điện hỏi thăm các bác sĩ ở bệnh xá. Bà con ngư dân đánh cá gần khu vực Trường Sa mỗi khi bắt được cá ngon thường ghé vào biếu các bác sĩ ở bệnh xá. “Tấm lòng của bà con là niềm động viên rất lớn đối với chúng tôi”, bác sĩ Nguyễn Đức Anh tâm sự.