+Aa-
    Zalo

    Trường Sa gần lắm, mãi là đảo xanh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trường Sa giữa mênh mông biển xanh sóng bạc. Trường Sa gần lắm, mãi là đảo xanh!

    Trường Sa gần lắm, mãi là đảo xanh

    Hai hàng cây xanh mướt, phủ bóng mát cho trẻ thơ. Ảnh: T.M

    Tháng 5, những hòn đảo ở Trường Sa bắt đầu đón những cơn mưa bất chợt đầu mùa, những cơn mưa mà quân và dân nơi đây mong ngóng từ gần bốn tháng nay. Mưa chẳng đủ thấm ướt những tầng tầng, lớp lớp tán bàng vuông, hay những cành phong ba, những hàng cây bão táp... Giữa Biển Đông đầy nắng và gió, đón chúng tôi là những hòn đảo tiền tiêu xanh màu lá giữa bốn bề biển nước mênh mông.

    Bây giờ, Trường Sa xanh, gần lắm...

    Mưa lắc rắc xua đi cái nắng cháy da, dịu bớt hơi nóng hầm hập bốc lên từ nền cát san hô. Mùi đất ngai ngái, màu xanh mướt mát của cây trên đảo, những cảm nhận gần gũi, thân quen như đang ở đất liền vậy. Bàng vuông, cây biểu tượng của sức sống Trường Sa cắm rễ sâu vào nền đá san hô, vươn lên tươi tốt, sum suê khắp đảo Song Tử Tây. Mùa này, bàng vuông đã gần hết trái. "Càng bị táp mặn, lá bàng vuông càng xanh mướt", Đại úy Hoàng Anh Hoài cho biết. Không chỉ có bàng vuông, mà cây phong ba, cây tra cũng đang phủ xanh các đảo và điểm đảo ở Trường Sa, tạo thành những vành đai chắn sóng bảo vệ các đảo.

    Nhiều loại cây cho bóng mát từ đất liền như: đa búp đỏ, phi lao, lồ ô, bàng thường, sung hay những cây ăn quả như dừa, đu đủ, chuối... đang được trồng thử nghiệm trên vùng cát khô cằn. Cây xanh không phụ lòng người, vươn mầm, bám rễ, lớn nhanh. Những loại cây này hiện được đánh giá "hợp" nhất với thổ nhưỡng đảo Nam Yết. Từ hai cây dừa đầu tiên trồng cách đây 18 năm, giờ Nam Yết xanh ngắt với hơn 500 cây vươn cao trên đảo. Dừa Nam Yết sai quả, nhiều nước.

    Quân, dân Trường Sa và những người con đất liền có dịp đến thăm đặt cho đảo cái tên thân thương -"đảo dừa".

    Trường Sa gần lắm, mãi là đảo xanh

    Đảo Trường Sa Lớn được chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng. Ảnh: T.M

    Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy đảo Nam Yết chia sẻ: Mỗi một cán bộ, chiến sĩ trên đảo trồng và chăm sóc ít nhất một cây xanh. Chuẩn bị đến mùa mưa chiết cây nhân cành, từng nhóm chủ động tham gia đào hố, trồng, tạo mùn cho cây mới. Với sự hợp sức, chung tay quyết tâm xây dựng đảo xanh của những cán bộ chiến sĩ nơi đây, những vườn cây mang hình bóng đất liền như dừa, đu đủ, mãng cầu... mọc lên xanh mướt từ sỏi đá, gió giông. Từ ngày Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội mang ra đảo Nam Yết trồng cây nhàu đầu tiên, đến giờ, nhàu bám rễ và lớn nhanh trước sự ngạc nhiên của nhiều người, ngay cả các nhà khoa học. Ở đâu có đất trống là chiến sĩ "cắm" nhàu trồng, chỉ một năm đã tốt bời bời. Cây nhàu đun lên làm thuốc uống giải nhiệt, lá nhàu làm rau nấu canh, rau thơm trong bữa ăn của chiến sĩ.

    Từng là người chỉ huy đảo, gắn bó nhiều năm với đảo Nam Yết, Đại tá Nguyễn Viết Thuân, Phó chỉ huy trưởng Đoàn M46 Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết: "Khi "đảo là nhà, biển cả là quê hương" thì phong trào phủ xanh đảo lớn dần nhờ tinh thần chủ động, sáng tạo trong lai tạo thử nghiệm giống cây trồng mới. Thành công từ trồng cây ăn quả như dừa, đu đủ, chuối ở đảo Nam Yết có thể là mô hình phát triển nhiều loại cây xanh cho các đảo ở Trường Sa".

    Trường Sa rực ánh điện nhờ hệ thống trạm thu gió và ánh nắng mặt trời ở khắp các đảo chìm và đảo nổi.

    Đêm giao lưu văn nghệ trên đảo Sơn Ca hôm ấy có điều đặc biệt, là thay cho những bông hoa kết từ ốc biển, lần đầu tiên các chiến sĩ có hoa tươi ngắt từ những vườn hoa trên đảo dành tặng những người con đất liền ra với đảo xa. Đảo Sơn Ca có một vườn hoa đặc biệt mang tên "Khuôn viên Võ Nguyên Giáp" mới được hoàn thiện nhờ 103 ngày công để tưởng nhớ Đại tướng. Vườn hoa rực sắc cúc vàng rộng chừng 200m2 phía trước cột mốc chủ quyền còn gây ấn tượng với năm cây tra, hai cây dừa, một cây phong ba và cây kim giao do gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng. Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca cho biết: "Khu vườn này được chăm sóc theo chế độ đặc biệt. Vào mùa khan nước, cây và hoa trong vườn vẫn mướt xanh nhờ hệ thống nước tận dụng dẫn từ các khu vực tới để tưới cây". Toàn đảo hưởng ứng phong trào thi đua trồng cây xanh. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải làm được từ một đến hai việc tốt với ý thức trách nhiệm cao nhất, luôn song hành với huấn luyện với chất lượng cao nhất và thực hiện nhiệm vụ với tinh thần cảnh giác cao nhất.

    Mỗi mầm cây sống đều là niềm vui lớn của lính đảo Trường Sa.

    Đặt chân đến bất cứ đảo nào, Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn... hay những đảo chìm Đá Nam, Đá Thị, Cô Lin đều xanh mát những "Vườn rau thanh niên". Ngoài nhiệm vụ canh giữ biển trời, các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa trồng rau xanh, chăn nuôi lợn, gà cải thiện đời sống và cũng để thấy mầu xanh của quê hương, hình ảnh đất liền luôn gần gũi nơi đảo xa.

    Những luống rau xanh tận dụng trồng ở bất cứ góc vườn nào trên đảo nổi, tranh thủ từ những diện tích mái hiên, hay trong hộp xốp, thùng gỗ ở đảo chìm và nhà giàn. Người lính công phu lấy đất từ đất liền đóng thành từng hộp mang ra đảo.

    Hạt giống cũng được đất liền chọn lọc gửi, thích nghi với điều kiện khí hậu ngoài đảo thường là những giống rau ngắn ngày như rau muống, cải, mồng tơi... và chỉ trồng để lấy phần thân. Nguyễn Cao Sứ, chiến sĩ trên đảo Cô Lin cho biết: "Vào mùa gió, vườn rau xanh sẽ được chuyển lên tầng cao hay sau những ô cửa sổ trên đảo chìm để tránh sóng".

    Trồng rau giữa đại dương mênh mông, lính đảo chắt chiu từng giọt nước ngọt, "nhường" cả phần nước ngọt sinh hoạt của mình cho cây. Có tới Trường Sa mới hiểu, cán bộ, chiến sĩ ở bất cứ đảo nào cũng có thói quen dành nước tưới cây, tận dụng nước dùng trong tắm, giặt để chăm cây. Gần bốn tháng Trường Sa không mưa, những vật dụng nào có thể dùng để che chắn, làm mát vườn rau xanh đều được "trưng dụng" với mong muốn nguồn rau xanh không thiếu trong bữa ăn của bộ đội. Khó khăn là vậy, nhưng đảo Song Tử Tây vẫn đạt gần 15 nghìn kg rau xanh, Sinh Tồn đạt hơn 9.400kg, Sơn Ca đạt gần 9.200kg rau xanh các loại...

    Dẫu không đầy đủ như đất liền nhưng bữa cơm của những hộ dân trên đảo Sinh Tồn được ví như bữa cơm đoàn kết. Bên cạnh việc chia nhau nguồn hải sản đánh bắt, nguồn rau xanh hằng ngày cũng được các hộ dân hỗ trợ nhau, người nhiều san sẻ cho người ít. Vai trò "đầu tàu" chăm lo cuộc sống của các hộ dân chính là hội trưởng Hội Phụ nữ xã đảo Sinh Tồn Trần Thị Tiệm. Chị Tiệm cho biết: "Cuộc sống còn nhiều thiếu thốn nhưng luôn đoàn kết, đầm ấm nơi đảo xa. Theo đó, nhất quyết phải giữ được "năm không, ba sạch", đó là không vi phạm pháp luật, không bạo lực gia đình, không trẻ em suy dinh dưỡng, không trẻ em bỏ học, không sinh con thứ ba; sạch nhà, sạch cửa, sạch bếp".

    Những hàng phong ba, bão táp rợp bóng dẫn chúng tôi tới Trường Sa Lớn, đảo có dáng dấp một thị trấn hiện đại với hệ thống dãy nhà trụ sở ủy ban, khu nhà văn hóa, trường học, điểm bưu điện văn hóa... Đảo biên cương ẩn mình trong sum suê bóng mát làng quê, bên những mái ngói nhà dân đỏ thắm, mái chùa cong vút đầu đao...

    Trung úy Hoàng Văn Linh cùng hai chiến sĩ chuẩn bị những cành hoa vừa hái trên đảo dẫn chúng tôi đến thắp hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm trước Tượng đài Liệt sĩ, viếng mộ những người con ưu tú của quê hương đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biển, đảo, bảo vệ Tổ quốc. Nâng niu trong tay những cành hoa giấy đỏ thẫm, những nhánh hoa đại trắng muốt..., thấy lòng rưng rưng. Dường như hoa trồng ở đảo có mầu đượm hơn, tươi lâu hơn đất liền.

    Giữa Trường Sa điệp trùng sóng vỗ, tiếng chuông chùa vang vọng nghe ấm cả lòng người. Những ngôi chùa đã và đang được tu bổ, khang trang hơn, đẹp hơn. Sân chùa ở Trường Sa thường trồng các loại cây, như: đa, bồ đề, phong ba, bàng vuông. Bên cạnh công việc Phật sự hằng ngày không khác mấy so với ở đất liền, Đại đức Thích Đức Nhẫn, trụ trì chùa Song Tử Tây bày tỏ niềm vui ở nơi đầu sóng ngọn gió này còn có thêm việc trồng cây, trồng rau xanh, chuyện trò với chiến sĩ, thăm hỏi các hộ dân...

    Những người ra thăm Trường Sa hôm nay gửi lại đảo xa nhiều, rất nhiều những hộp hạt rau giống, những cây hoa giấy, những cành phong lan... mang theo tình cảm của những người con đất liền hướng về biển đảo thiêng liêng. Sức sống Trường Sa trong từng nhành cây đang chiết, từng hạt giống đang chờ ươm vào mùa mưa này. Từng ngày từng giờ, cả nước hướng về, sát cánh, sẻ chia cùng Trường Sa, với những người lính kiên cường bám trụ trên đảo ngày đêm giữ gìn chủ quyền Tổ quốc. Những hòn đảo rợp mầu xanh ngút ngàn của nhiều loại cây từ khắp mọi miền đất nước, góp sức sống tươi mới cho những hòn đảo tiền tiêu.

    Trường Sa giữa mênh mông biển xanh sóng bạc. Trường Sa gần lắm, mãi là đảo xanh!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truong-sa-gan-lam-mai-la-dao-xanh-a33353.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Thăm lại “Trường Sa trên bờ” ở vùng đất lửa

    Thăm lại “Trường Sa trên bờ” ở vùng đất lửa

    Không phải vô cớ mà nhiều người nói rằng, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) là “xã Trường Sa trên đất lửa Quảng Bình”. Hiện, có 32 người con xã này đã và đang gắn bó máu thịt, chắc tay súng bảo vệ biển đảo tổ quốc.