+Aa-
    Zalo

    Trường Sa những ngày dậy sóng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - “Tinh thần anh em chiến sĩ tốt, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

    Đại úy Vũ Đức Vinh, Chính trị viên phó đảo Sinh Tồn Đông nói: “Tinh thần anh em chiến sĩ tốt, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”. Từ quyết tâm của anh, chúng tôi lại thấy vang vọng đâu đây lời bài hát “Nơi đảo xa” của nhạc sỹ Thế Song: “Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa. Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua…”.

    Trường Sa những ngày dậy sóng

    Tuần tra ngày đêm ở Trường Sa. Ảnh: Q.T

    Mỗi chiến sĩ là một cột mốc chủ quyền

    Những ngày tháng 5 Biển Đông dậy sóng. Tâm thế “sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền” dường như đã khắc tạc vào tâm can mỗi người chiến sỹ đang làm nhiệm vụ nơi hải đảo của Tổ quốc. Không chỉ Sinh Tồn Đông mà toàn bộ những hòn đảo lớn nhỏ giữa biển khơi của Tổ quốc suốt những ngày tháng 5 này, luôn dõi theo từng bản tin về chiếc giàn khoan trái phép, về tàu Trung Quốc gây hấn hàng giờ, hàng ngày trên Biển Đông.

    Đại úy Vũ Đức Vinh nói ngắn gọn đầy quả quyết: “Nhắn gửi đất liền thân yêu, anh em cán bộ, chiến sỹ luôn hướng về đất liền với tình cảm như đứa con xa hướng về đất Mẹ. Hứa với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, chúng tôi sẵn sàng hy sinh để giữ bình yên và khẳng định vững chắc chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa nói riêng và Biển Đông nói chung. Không ai trong chúng ta muốn chiến tranh. Nhưng đối với người lính đảo, khi Tổ quốc cần, sẽ hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng”.

    Đại úy Vũ Đức Vinh ra với Trường Sa từ năm 2005. Chừng đó thời gian đủ để nơi đây là quê hương thứ 2 của anh. Cái mặn mòi của biển, sóng nước mênh mông và những cồn cát trắng đã gắn bó với anh như máu thịt từ bao giờ. Đại úy Vũ Đức Vinh chia sẻ: “Đảo Sinh Tồn Đông là một hòn đảo thuộc cụm đảo Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, nằm cách đảo Sinh Tồn khoảng 15 hải lí (27,8km) về phía Đông. Trên hòn đảo này, mỗi ngày tiếng hô điều lệnh và nghi thức được tiến hành trang trọng trong kỷ luật mà giản dị. Điều đó khiến chúng tôi rưng rưng nhớ lại hồi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất: Lính đảo không có điều kiện viếng nên đã kết vòng hoa bằng lá dừa, bàng vuông, tra biển dâng lên Đại tướng. Buổi lễ đã diễn ra trong không khí trang nghiêm và xúc động. Chúng tôi ở ngoài hải đảo, không có cơ hội được gặp Đại tướng lần cuối. Nhưng tôi tin vong linh Đại tướng vẫn ở bên cạnh chúng tôi, ở nơi hải đảo của Tổ quốc. Cảm giác lúc ấy thật đặc biệt, mọi người quân và dân dường như xích lại gần nhau vô cùng, khi ai ai cũng rưng rưng nước mắt thắp nén nhang cho người anh Cả của quân đội ta”.

    Trường Sa những ngày dậy sóng

    Đại úy Vũ Đức Vinh: “Yêu biển vì biển mặn mòi thủy chung” . Ảnh do Đại úy Vũ Đức Vinh cung cấp

    Anh Vinh bảo: “Yêu Tổ quốc từ những điều như thế”. Chúng tôi cảm nhận được sự kiên cường giữa muôn trùng sóng dữ. Hàng ngày, hàng giờ các anh đối mặt với vô vàn khó khăn nhưng quân dân trên đảo đều sắt son một điều: Sự hiện diện của mỗi người là một cột mốc chủ quyền của Tổ quốc.

    Đại úy Vũ Đức Vinh còn có nickname là “Biển mặn”. Tôi hỏi vì sao anh lại có cái tên ấy, chàng trai quê biển Hải Phòng cười nói: “Mình yêu biển, biển mặn mòi thuỷ chung, biển mang trong mình mồ hôi và máu của những đứa con đi giữ biển đấy. Rất nhiều người hỏi: Sao lại là “Biển mặn”? Biển hiển nhiên mặn. Nước biển Trường Sa còn mặn hơn những vùng khác”.

    Sự khẳng định chủ quyền biển đảo

    Nói về tâm tình người lính biển, Binh nhất Trần Anh Ninh ở Phân đội 2 cười hiền khô: “Đơn giản lắm ạ! Ý thức được trách nhiệm mà đất nước giao phó, từ đó mình vượt qua được rất nhiều khó khăn”. Chàng trai Trần Anh Ninh quê ở TP Nha Trang, sinh năm 1992. Nghe kể, hồi mới ra đảo, Ninh nhớ nhà, nhớ bố mẹ đến phát khóc. Có lần đoàn công tác của Tổng cục Chính trị ra thăm anh em chiến sỹ Trường Sa, Ninh gặp một nữ Thượng tá trong đoàn công tác, thấy giống mẹ quá mà anh chàng nghẹn ngào không nói lên lời.

    Hai người xa lạ gặp nhau rồi quen thân, từ đó coi nhau như mẹ con. Nhiều chiến sỹ chứng kiến cuộc gặp gỡ thú vị hôm đó mà nghèn nghẹn vì thương chiến sĩ trẻ và xúc động trước tình cảm của một nữ sĩ quan cao cấp dành cho lính đảo.

    Bây giờ chỉ sau một thời gian ngắn ở đảo, Ninh rắn rỏi hơn rất nhiều. Kể lại chuyện cũ, Ninh cười: “Tuổi mười tám, ra đảo xa làm nhiệm vụ. Năm vừa rồi cũng là cái Tết đầu tiên xa nhà của em, nhớ nhà, nhớ mẹ nhưng bây giờ không còn là lúc để ngồi nhớ mà phải biến nó thành sức mạnh để vượt qua khó khăn. Sự nhớ nhung đó nhanh qua đi khi ở đây có đồng đội ngày đêm sát cánh”. Gần đây, tàu Trung Quốc liên tục gây hấn với lực lượng chấp pháp và ngư dân chúng ta gần đảo Hoàng Sa. Ninh bảo liên tục nhận được điện thoại người nhà hỏi thăm tình hình. Giờ Ninh lại phải động viên ngược lại.

    Giữa muôn trùng biển khơi, nếu Trường Sa Lớn như một ngọn hải đăng sừng sững thì mỗi hòn đảo nhỏ là một cột mốc chủ quyền, mỗi chiến sỹ là một cột mốc chủ quyền. Những binh nhất như Ninh tuổi đời còn trẻ măng nhưng không ai bảo ai, họ tự ý thức được sự hiện diện của họ là sự khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

    Đại úy Vũ Đức Vinh cho biết, tuy Biển Đông đang dậy sóng nhưng vẫn có rất nhiều đoàn cán bộ và nhân dân ra thăm anh em lính đảo. Một lần ra rồi về là một lần nhớ, có thêm nhiều kỷ niệm. Tạm biệt nhau bằng những cái ôm thật chặt, thật lâu để san sẻ tình cảm từ hậu phương gửi ra đảo nhỏ.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truong-sa-nhung-ngay-day-song-a34319.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan