+Aa-
    Zalo

    Bác sĩ nước ngoài sốc với thông tin "mọc lại ngón tay nhờ sữa mẹ" ở Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trao đổi với ĐS&PL, bác sĩ sản người Malaysia tỏ ra khá sốc trước thông tin trẻ mọc lại các đốt xương ngón tay nhờ... sữa mẹ và hình thức sinh thuận tự nhiên ở Việt Nam.

    Trao đổi với ĐS&PL, bác sĩ sản người Malaysia tỏ ra khá sốc trước thông tin trẻ mọc lại các đốt xương ngón tay nhờ... sữa mẹ và hình thức sinh thuận tự nhiên đang lan truyền ở Việt Nam.

    Thời gian gần đây, những thông tin trái chiều về hình thức sinh nở thuận tự nhiên (Lotus birth) khiến dư luận xôn xao. Trên thực tế, hình thức này lần đầu xuất hiện tại Mỹ từ những năm 1970 sau một số nghiên cứu về cách loài tinh tinh sinh con.

    Theo các cặp cha mẹ lựa chọn hình thức sinh nở này, lợi ích của việc giữ cuống rốn cho đến khi tự rụng là giúp em bé nhận được các chất dinh dưỡng một cách đầy đủ nhất. Nhiều người còn khẳng định các em bé ra đời thuận tự nhiên sẽ hiền hòa và dịu dàng hơn do không có sự can thiệp của thiết bị y tế hiện đại. Tuy nhiên, đến nay, chưa có bất cứ một bằng chứng hay nghiên cứu khoa học nào xác nhận những điều này.

    Hình ảnh một em bé tại Anh chào đời bằng hình thức thuận tự nhiên - Ảnh: Independent

    Theo DailyMail, tại Anh, sinh nở thuận tự nhiên lần đầu được giới y học lưu tâm vào năm 2008 và nhanh chóng bị cấm thực hiện tại các bệnh viện. Trường Cao đẳng Sức khỏe Sinh sản Hoàng gia Anh đã cảnh báo về hình thức này: "Nguy cơ nhiễm trùng ở nhau thai có thể lây sang trẻ sơ sinh rất nhanh nếu không được xử lý. Cuống rốn chứa máu chỉ còn là mô chết sau một thời gian ngắn. Các em bé ra đời theo dạng thuận tự nhiên cần được theo dõi y tế đặc biệt”.

    Năm 2008, bác sĩ Mervi Jokinen tại khoa Sản của Đại học Hoàng gia Australia từng trả lời phỏng vấn tờ TheIndependent về vấn đề này: “Chưa có bất cứ cơ sở khoa học nào về sinh nở thuận tự nhiên nhưng có một điều chắc chắn rằng nhau thai nhiễm trùng có thể gây ra viêm gan ở trẻ sơ sinh”.

    Em bé bên cuống rốn được lan truyền trên Instagram khiến nhiều phụ nữ Mỹ muốn trải nghiệm hình thức này. - Ảnh: HeartBecoming

    Đầu năm 2015, một phụ nữ Mỹ sinh con theo hình thức này đã chụp ảnh em bé và cuống rốn còn nguyên đăng lên Instagram. Chị cho biết hình thức này khiến người mẹ và em bé cảm thấy “dễ chịu” và “gắn bó” hơn khiến không ít bà mẹ khác mong muốn được trải nghiệm. Tuy nhiên, Tiến sĩ Sản khoa William Schweizer và cộng sự tại Trung tâm Y tế Langone thuộc Đại học New York đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ nhiễm trùng khi buộc trẻ sơ sinh với một mô chết trên tạp chí khoa học LiveScience.

    Liên quan tới những thông tin được tài khoản Facebook mang tên P.H.N.L chia sẻ về hình thức sinh nở thuận tự nhiên và lợi ích của sữa mẹ, PV ĐS&PL đã có cuộc trao đổi ngắn với bác sĩ sản Agnes Xu Chia Hui của bệnh viện Đại học Malaya, Malaysia. Nữ bác sĩ cho biết: “Tại Malaysia, sinh nở thuận tự nhiên không phổ biến và đã bị cấm. Những cơ sở y tế hay tổ chức khuyến khích loại hình này là vi phạm pháp luật”.

    Nội dung cho rằng sữa mẹ có thể giúp trẻ... tự mọc lại ngón tay do tài khoản P.H.N.L đăng tải - Ảnh: Facebook

    Khi được hỏi về các tác dụng của sữa mẹ như chữa nhiễm trùng mắt hay khiến các đốt ngón tay mọc lại như tài khoản Facebook P.H.N.L đăng tải, bác sĩ Agnes khá bất ngờ: “Trong 7 năm nghiên cứu và 8 năm làm nghề, tôi chưa bao giờ nghe đến trường hợp nào có thể dùng sữa mẹ để mọc lại các đốt xương đã gãy. Về việc sữa mẹ có thể chữa nhiễm trùng, chúng tôi chỉ khuyến khích việc sử dụng trên các vùng da thường nhưng mắt là khu vực đặc biệt và cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh tác dụng này”.

    Thu Phương 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bac-si-nuoc-ngoai-soc-voi-thong-tin-moc-lai-ngon-tay-nho-sua-me-o-viet-nam-a222624.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan