(ĐSPL) - Nếu tới New Delhi những ngày này, mọi người sẽ cảm giác đang được đón một mùa đông sớm bởi cả thành phố được bao phủ trong một lớp sương mù dày đặc. Nhưng màn “sương” đó lại chính là khói bụi...
Không khí ô nhiễm đã bao trùm lên phần lớn lãnh thổ Ấn Độ trong thời gian qua. Nhiều chuyên gia môi trường nhận định, Ấn Độ đã trở thành một trong những quốc gia ô nhiễm nhất trên thê giới, họ đang phải “chiến đấu” với đợt ô nhiễm tồi tệ nhất trong 17 năm trở lại đây.
CNN ngày 10/11 dẫn kết quả đo thực hiện bởi Đại sứ quán Mỹ đặt tại Delhi, theo đó chất lượng không khí trung bình/giờ, đo được tại nhiều khu vực khác nhau ở thành phố New Delhi đã gấp 36 lần giới hạn an toàn theo khuyến cáo của WHO. Đặc biệt, nhiều khu công nghiệp trong thành phố, ghi nhận mức 842 microgram/m3. Nhiều nhà môi trường cảnh báo, mỗi người tiếp xúc với ô nhiễm không khí hiện tại ở Thủ đô Ấn Độ tương đương với việc hút 40 điếu thuốc một ngày.
Thống kê cho thấy, các cửa hàng chuyên làm mặt nạ chống ô nhiễm, máy lọc không khí thông minh có lượng tiêu thụ tăng đột biến. Mỗi ngày có hàng trăm người xếp hàng mong muốn sở hữu “vũ khí” chống lại khói bụi. “Chúng tôi là những bà mẹ và điều quan trọng nhất là cần đảm bảo sức khỏe cho con, gia đình. Tới đây xếp hàng từ sáng, nhưng không biết bao giờ tới lượt mua. Tôi thấy điện thoại cửa hàng liên tục reo”, một người phụ nữ xếp hàng chán nản nói.
Để đối phó với ô nhiễm không khí đang ngày một nguy hiểm, chính quyền New Delhi đã ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường, theo đó một loạt biện pháp cấp bách nhằm giảm ngay mức độ ô nhiễm không khí đã được đưa ra. Trong đó, bao gồm hủy bỏ các điểm tập kết đốt rác thải nông nghiệp và cấm sử dụng máy phát điện chạy bằng than trong vòng 10 ngày ở phía đông nam Thủ đô, tạm ngừng các hoạt động xây dựng và phá dỡ công trình trong vòng 5 ngày, cho xe phun nước rửa đường, nghiêm cấm đốt rác... Riêng trong ngày 10/11, chính quyền đã phải áp dụng thông báo chạy xe theo ngày chẵn lẻ căn cứ theo biển số xe.
Thủ đô New Delhi chìm trong “sương mù” khói bụi. |
Chia sẻ với CNN, anh Kannaiyan, một người dân sống tại đây phàn nàn: “Nhiều doanh nghiệp dường như không nhận thấy sự nguy hiểm mà người dân đang đối mặt. Họ đơn giản chỉ nghĩ tới lợi ích của mình. Tôi cảm thấy mình đang bị chết dần, chết mòn tại thành phố ô nhiễm. Không ai nhận thấy sự nguy hiểm của nó, ô nhiễm ở Ấn Độ đã rất nghiêm trọng rồi”.
Hàng trăm người dân New Delhi hồi đầu tuần đã đeo khẩu trang xuống đường biểu tình để yêu cầu chính quyền khẩn trương giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua. Sự ô nhiễm nặng nề tới mức chính quyền bang Delhi đã buộc phải đóng cửa 5.000 trường học tại Thủ đô New Delhi trong 3 ngày để đảm bảo sức khỏe cho hàng triệu học sinh. Chính phủ Ấn Độ đã phải đưa ra những cảnh báo về sức khỏe, đồng thời cảnh báo trẻ em nên ở trong nhà do tình trạng ô nhiễm không khí.
Tạp chí Time (Mỹ) còn miêu tả về tình trạng tại New Delhi: “Trong nhiều ngày nay, các đô thị miền Nam Ấn Độ nhộn nhịp đã bị bao phủ bởi một lớp mây dày đặc, tầm nhìn của người đi bộ trong thành phố chỉ là vài mét. Ngay trong ban ngày, rất khó để nhận ra màu sắc đèn giao thông tại các nút giao thành phố. Chất lượng không khí của Delhi đã xấu đi trong nhiều năm qua, đó là hậu quả của quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp nhanh chóng. Vào mùa đông, tình trạng càng trở nên nghiêm trọng do người dân trong thành phố và các vùng lân cận đốt lửa để sưởi ấm”.
Đặc biệt, từ đêm lễ hội Diwali bắt đầu tối 30/10 và kéo dài suốt 5 đêm cùng với dịp người theo đạo Hindu chào đón năm mới với hàng triệu quả pháo hoa được đốt, thành phố New Delhi bị bao phủ bởi khói mù suốt đêm ngày. Nhiều người dân nghèo tại đây đã không còn lựa chọn nào khác. “Tôi phải làm ngoài trời, dù không muốn ra ngoài nhưng vì kế sinh nhai, sao tránh được. Tôi chỉ hy vọng ai đó không lái xe tải, xe kéo vào ban đêm bởi tôi không thể nhìn thấy gì cả. Tôi ho rất nhiều, có thể may mắn, họ nghe thấy tiếng ho mà tránh”, Ramesh Kumar, một tài xế kéo xe làm việc trong khu công nghiệp Tây Nam Delhi nói.
PHƯƠNG ANH(Theo Times, CNN)
Xem thêm video:
[mecloud]pUnXk6GUvN[/mecloud]