Thức ăn đường phố là một trong những điểm hấp dẫn chính của nhiều quốc gia Đông Nam Á nhưng tại sao các chính sách quản lý lại ngày càng chặt chẽ và bất lợi cho loại hình kinh doanh này?
Một quầy hàng thức ăn đường phố tại Singapore từng xuất hiện trong bộ phim điện ảnh mới “Con nhà siêu giàu châu Á” - Ảnh: SCMP |
Thức ăn đường phố trở thành Di sản văn hóa
Trong năm 2017, Daniel Wee – người quản lý chuỗi cửa hàng thức ăn đường phố “Chan Hawker” ở Singapore đã lập được kỷ lục mới trong sự nghiệp kinh doanh của mình: “Hiện tại chúng tôi có 3 cửa hàng ở Singapore, 11 cửa hàng trên toàn thế giới bao gồm Philippines, Melbourne, Đài Loan, Bangkok và sẽ sớm mở cửa tại Kazakhstan”.
Chính phủ Singapore đặc biệt ưu tiên những người như ông Wee. Ngành công nghiệp bán rong nổi tiếng đã trở thành một trọng tâm văn hóa và kinh tế từ khi cựu Thủ tướng Lý Hiển Long công bố đây là một trong những đề cử cho danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại do UNESCO công nhận.
Điều này đồng nghĩa với việc các quầy hàng thức ăn đường phố ở Singapore sẽ trở thành Di sản Thế giới. Một số quốc gia khác như Malaysia cho rằng Singapore là một quốc gia còn quá trẻ để nhắc đến ẩm thực đường phố.
Nhưng chưa bao giờ thức ăn đường phố lại nổi tiếng và được ưa chuộng như hiện nay. Trong Khu Phố Tàu ở Singapore, không khó để bắt gặp những đầu bếp Michelin đẳng cấp nếm thử món ăn dân dã như phở xào, thịt xiên nướng… và tấm tắc khen ngợi.
Khách du lịch và người dân địa phương đổ xô tới quầy hàng nhỏ của ông Wee để ăn thịt xiên nướng, xếp hàng dài đến mức gây ách tắc giao thông và điều đó trở thành động lực để ông mở cửa chuỗi nhà hàng của mình.
Tuy nhiên, từ khóa “ngành công nghiệp thức ăn đường phố và hàng rong” trên Google đều dẫn đến những bài viết và dự đoán tiêu cực, cho rằng nó đang “chết dần” và là một thời đại đã qua trước sự xâm lăng ồ ạt của những cửa hàng đồ ăn nhanh trang trí bắt mắt với máy lạnh và nhân viên mặc đồng phục chỉn chu.
Bất chấp các phân tích của giới chuyên gia, số lượng quầy thức ăn đường phố tại Singapore đã tăng từ 3000 trong năm 2003 lên tới 14.000 trong năm nay, theo Cơ quan Môi trường Quốc gia.
Và một thực tế rất khác tại những thiên đường du lịch châu Á
Những quầy thức ăn đường phố ở Thái Lan đang đối mặt với quy định quản lý ngày càng khắt khe từ chính phủ. - Ảnh: SCMP |
Những người bán thức ăn đường phố Thái Lan sẽ thở dài trước viễn cảnh vui vẻ của ông Wee bởi chính phủ Thái Lan đang thúc đẩy chiến dịch loại bỏ thức ăn đường phố một cách triệt để. Tại phố du lịch Khao San nổi tiếng của Bangkok, các quầy hàng không được phép mở cửa vào ban ngày.
Đây là một trong những động thái nhằm giảm ách tắc giao thông, bảo vệ cảnh quan môi trường và đô thị. Các thành phố du lịch khác như Thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Manila cũng đang đi theo hướng đổi mới này dù còn nhiều tranh cãi.
Sarah Baker, Giám đốc thương mại khu vực Á-Âu của McDonald và một chuyên gia ẩm thực đường phố châu Á, cho rằng sự biến mất của thức ăn đường phố là điều không thể tránh khỏi.
“Ẩm thực đường phố chắc chắn đang suy yếu do các thế hệ cũ đã lớn tuổi và thanh thiếu niên có xu hướng ít quan tâm đến ngành công nghiệp này bởi điều kiện làm việc vất vả và thu nhập không đảm bảo”.
Sự khác biệt của mỗi quốc gia
Leslie Tay, một thành viên của ủy ban chính sách bán hàng thuộc chính phủ Singapore, cho rằng Singapore là một ví dụ tốt cho các quốc gia châu Á khác về chính sách và kế hoạch quản lý ẩm thực đường phố. “Các cửa hàng bán thức ăn đường phố của chúng tôi đều phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm và cơ sở chế biến. Tất nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế phải cải thiện như nâng cao ý thức khách hàng, các loại bao bì dành cho thức ăn mang đi nhưng chúng tôi đã có một khởi đầu tốt”.
Tuy nhiên, chính sách của Singapore hẳn sẽ gây khó khăn cho không chỉ các tiểu thương mà còn cả khách hàng ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn như Thái Lan hay Myanmar. Việc tăng cao chất lượng quản lý, kiểm soát và chất lượng thực phẩm đồng nghĩa với tăng chi phí và giá sản phẩm – điểm hấp dẫn lớn của thức ăn đường phố.
Trong khi các khách du lịch phương Tây yêu thích sự độc đáo của ẩm thực đường phố ở châu Á, họ cũng đồng thời đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, bao bì và chất lượng thức ăn. Yếu tố về giá cả và sự quen thuộc của người địa phương sẽ không còn là một lợi thế cạnh tranh của ẩm thực đường phố trong bối cảnh ngày càng nhiều thương hiệu đồ ăn nhanh phương Tây bước vào thị trường.
Tuy chắc chắn sẽ gây ra một số thay đổi hoặc thiệt hại kinh tế trong giai đoạn đầu, việc kiểm soát chặt chẽ để tái cơ cấu ngành ẩm thực đường phố là điều cần thiết với các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam.
Ông Chan Hon Meng – chủ một cửa hàng ẩm thực đường phố lâu đời ở Singapore nhận xét: “Mọi người đều biết tới thức ăn đường phố Bangkok nhưng chính phủ ngày càng siết chặt quy tắc quản lý bởi họ muốn hiện đại hóa hơn, tập trung hơn và cải thiện chất lượng tốt hơn”.
Văn hóa ẩm thực đường phố là một phần không thể thiếu của văn hóa châu Á. Đó không chỉ là khẩu vị, tay nghề mà còn là thẩm mỹ và tình cảm của một quốc gia, dân tộc. “Qua nhiều năm, nhu cầu và tiêu chuẩn của khách hàng ngày càng tăng lên. Họ sẽ đến nơi khác nếu chúng tôi không thể cung cấp những gì họ muốn như thức ăn ngon, thái độ thân thiện. Để cạnh tranh thành công, bạn phải có một bản sắc của riêng mình”, ông Chan nói.
Thu Phương(Theo SCMP)