+Aa-
    Zalo

    Ai một lần qua Thạnh Phú, Bến Tre

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) chào đón chúng tôi trong một ngày nắng đẹp cuối tháng 11. Mặt trời lên, nắng ấm - lại là vùng biển, gió thổi mát rượi cả tâm hồn.

    Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) chào đón chúng tôi trong một ngày nắng đẹp cuối tháng 11. Mặt trời lên, nắng ấm - lại là vùng biển, gió thổi mát rượi cả tâm hồn.

    Ai đã ăn “xoài Tứ quý Thạnh Phú”

    Thạnh Phú là “quê hương” của xoài Tứ quý – trái vừa to, tròn, ngọt nhưng không gắt. Xoài ăn vừa thanh, vừa bùi, hương xoài thơm thoang thoảng. Giống xoài Tứ quý rất thích hợp tại khu vực này nên thường cho trái trĩu cành, thậm chí chỉ sau hơn 1 năm trồng.

    Tiếp đoàn chúng tôi, chị Linh (ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Phong) bày xoài Tứ quý mời khách, ăn ngọt đến mê hồn. Vừa ăn, ai cũng khen tấm tắc, nhất là xoài giòn, ngọt nhẹ trong cái nắng nơi miền biển.

    Chị Linh còn dẫn chúng tôi tham quan vườn xoài rộng mênh mông, bát ngát của gia đình và những người xung quanh.

    Trái xoài được bọc bằng bao ở ngoài, với đủ màu sắc khác nhau: xanh, đỏ, tím, vàng… Việc này nhằm vừa bảo vệ xoài khỏi côn trùng, sâu bọ… tấn công, còn giúp cho người trồng xoài biết được trái xoài đang độ xuân nào, lứa nào hái được, lứa nào chưa.

    Mở những vỏ bọc này ra, những trái xoài to, tròn, đẹp đến mê hồn, khiến ai trong đoàn chúng tôi cũng ngỡ ngàng.

    Xoài vào độ chín, chuẩn bị hái trông như cô gái đang độ xuân thì. Nhìn cả khu vườn, khung cảnh hiện lên như bức tranh trữ tình, lãng mạn phù hợp tâm trạng của những người đang yêu.

    Hoa xoài Tứ quý đẹp đến nao lòng.

    Hồi tháng 6 vừa qua, “xoài Tứ quý Thạnh Phú” đã được bảo hộ nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận. Hiện nay, xoài Tứ quý được trồng tại các xã ven biển như: Thạnh Phong, Thạnh Hải và Giao Thạnh với khoảng hơn 700 hộ dân tham gia, có tổng diện tích trên 300 hecta, cho năng suất trung bình khoảng 30 đến 40 tấn/hecta.

    Các hộ gia đình có thu nhập từ trồng xoài Tứ quý dao động khoảng 300 đến 400 triệu đồng/hecta/năm. Trồng xoài Tứ quý đang là một trong những mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân trên địa bàn.

    Thực tế, như chị Linh cho biết, bán xoài chủ yếu cho khách du lịch, những người biết đến Xoài tứ quý và mối quen của gia đình. Mỗi ký xoài, chị bán hơn 20.000 đồng tại nhà.

    Con đường ngắn nhất để đến ... tình yêu

    Rời nhiều vườn xoài, chúng tôi đến thăm gia đình anh Minh cũng ở xã Thạnh Phong. Vuông (dạng như ao) trước nhà vừa nuôi cá, cua và một số hải sản khác còn là rừng đước, tạo nên bức tranh thủy mặc giữa mênh mông trời đất thật sống động, ấn tượng vô cùng.

    Chúng tôi leo lên chiếc xuồng mà anh Minh mới sắm, dạo quanh vuông và bắt cua. Lấp ló những cái phao (của bẫy cua, bằng lồng) nổi nên mặt nước, chúng tôi kéo lên. Từ từ, những chú cua loại lớn, nằm trong lồng xuất hiện, thật đã mắt. Cứ thế, kéo 4 bẫy lên cũng được số lượng cua gần đủ cho bữa trưa.

    Ai cũng thích thú với món cua thịt, đặc biệt là cua gạch: ngon, bổ dưỡng và ăn rất đã. Chỉ có những người ngồi trong bữa cơm do vợ chồng anh Minh và một số thành viên trong đoàn chúng tôi chuẩn bị thì mới hiểu được cảm giác nó ngon, sung sướng đến độ nào. Đây có lẽ là con đường ngắn nhất để đến... tình yêu.

    Bắt cua trong khung cảnh tuyệt đẹp.

    Ngoài là cua hấp, còn đó khô cá đù, cá trèn, cá lưỡi trâu một nắng… ăn ngon tuyệt vời, đánh thức mọi vị giác của người ăn. Tôi ấn tượng hơn cả là món cá ngát nấu với lá, bụp giấm (hay còn gọi là cây giấm, hồng đài) ở vùng này.

    Phải nhờ Thạc sĩ Lê Thị Duyên Hà (giảng viên Khoa Du lịch và Việt Nam học, trường Đại học Nguyễn Tất Thành) giảng giải thêm khá nhiều, tôi mới hiểu được món ăn này.

    Lá giấm có màu xanh lợt, trái nhỏ hình củ hành, rất thích hợp cho việc nấu canh chua – kết hợp với tôm, tép, cá da trơn các loại. Dọn món này lên, hương vị chua dìu dịu, thơm đặc trưng, không lẫn vào đâu được. Cá ngát chuẩn “đồ đồng” – ngọt nước thôi rồi.

    Tôi ăn khá nhiều loại canh chua, dù vậy, ăn với lá, bụp giấm là lần đầu tiên. Thực sự, món canh cá ngát nấu chua nói riêng và bữa cơm tại ngôi nhà đơn sơ nhưng đầy tình cảm của gia đình anh Minh đã chạm đến tình yêu của chúng tôi đối với con người và vùng đất nơi này.

    Anh Minh còn chia sẻ, nếu có thời gian sẽ nấu canh chua bần cho anh em ăn, còn ngon nữa. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm quay trở lại gặp anh để thưởng thức món canh chua bần, từ đó, có thêm những trải nghiệm nơi vùng biên giới biển (Thạnh Phú có khoảng 25km bờ biển, giáp Biển Đông) của tổ quốc.

    Gia đình anh Minh cũng đang ấp ủ để làm du lịch, trước hết là làm nhà nổi trên vuông để phục vụ khách. Khách đến có thể chèo xuồng bắt cua, khám phá rừng đước, được phục vụ các món ăn đặc trưng địa phương (như đã đãi chúng tôi)…

    Chúng tôi cho rằng, để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững thì việc kết hợp phát triển du lịch gắn với nông nghiệp là hướng đi phù hợp tại khu vực này.

    Ngoài là xoài Tứ quý, ẩm thực địa phương, Thạnh Phú còn có biển hết sức hoang sơ với nhiều hải sản, kết hợp dự án điện gió; các mô hình nuôi thuỷ - hải sản….

    Đây là những tiềm năng rất lớn cho du lịch Thạnh Phú phát triển, từ đó, góp phần nâng cao giá trị của sản vật địa phương. Đồng thời, giúp người nông dân có thể có việc làm, tạo ra thu nhập quanh năm trong sự thay đổi của thời tiết, nhất là sự khắc nghiệt của biến đổi biến đổi khí hậu.

    Chí Thanh

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (205)

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ai-mot-lan-qua-thanh-phu-ben-tre-a350679.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan