(ĐSPL) - “Nó cứ chửi tôi hoài, nghe mà nhức óc lắm”. Nhìn bà mồ hôi nhễ nhại mà nước mắt tôi cứ rơi, nghĩ bộ cô ta không có mẹ già hay sao? Con dâu gì mà sai mẹ chồng như sai người ở vậy?
Cạnh nhà tôi có bà Na năm nay đã 60 tuổi. Vì có lỗi lầm thời còn trẻ mà bà quyết làm mẹ đơn thân mấy chục năm nay. Con trai bà tính tới thời điểm này cũng đã 35 tuổi. Do cuộc sống khó khăn mà mãi tới năm ngoái anh ta mới lấy vợ.
Thoạt đầu nhìn cô gái tôi cứ nghĩ cô là người phải phép, biết kính trên nhường dưới. Nhưng mỗi ngày trôi qua tôi càng hiểu có lẽ chúng ta không nên đánh giá con người qua vẻ bề ngoài. Thêm vào đó, câu chuyện bà Na kể cũng khiến tôi không khỏi xót xa thương bà, thương cho cuộc đời tảo tần vì con, vì cháu.
Con trai bà Na vốn là kế toán của một xí nghiệp may. Tuy cao ráo đẹp trai, nhưng anh chàng này rất ít nói, ít cười. Được cái biết sống tình cảm với mẹ, từ nhỏ tới lớn bà Na không phải chê cậu con trai điểm gì cả. Nhưng ngày anh dẫn cô người yêu về ra mắt, bà Na lên tiếng phản đối. Cũng bởi bà nhận thấy có nhiều điểm bà không thể chấp nhận được ở cô gái này. Tuy nhiên, khi con trai quỳ xuống xin mẹ cho cưới vì “trót lỡ” có cái thai 3 tháng bà Na im lặng, không còn lựa chọn nào khác.
Từ ngày có nàng dâu mới, bà Na dường như trầm tính hẳn đi, bà cũng không còn mấy thời gian sang chơi và chuyện trò với tôi. Tôi bán hàng nước nhà ở cạnh, thi thoảng vắng khách tôi lại sang với bà cho bà đỡ tủi.
LTS: Câu chuyện mẹ chồng- nàng dâu chưa bao giờ có hồi kết. Bên cạnh những nàng dâu nết na cũng có không ít nàng dâu hỗn láo, ỷ thế chồng yêu mà bắt nạt mẹ chồng không thương tiếc. Để có sự thông cảm, sẻ chia để hiểu hơn về nỗi khổ của những bà mẹ chồng, hãy cùng đón xem tuyến bài “Những bà mẹ chồng đáng thương” trên báo Đời sống & Pháp luật online vào các ngày 7h30 các ngày 27/9- 1/10/2014 nhé! |
Qua trò chuyện tôi mới hay, Thủy con dâu bà Na vốn là công nhân may. Từ ngày lấy chồng, có bầu cô ta nghỉ hẳn việc nằm ở nhà luôn. Tôi ở gần, sang chơi mấy tháng nay mà chưa một lần thấy cô ta làm việc gì. Khi tôi hỏi bà Na lắc đầu nước mắt ngắn dài: “Cái số tôi nó khổ thế cô à. Nuôi được thằng con trai hi vọng nó lấy được cô vợ ngoan về còn bầu bạn, phụng dưỡng mẹ chồng. Ai ngờ, lấy phải cô vợ lười nhác.
Từ ngày cưới tới nay đã 5 tháng nhưng nó chưa bao giờ biết đến quét nhà dọn dẹp là gì. Thậm chí đi chợ nấu ăn ỷ mẹ chồng hết. Nó cứ nằm dài trên giường xem tivi, đọc báo…đói thì mò xuống lục tủ lạnh ăn. Ăn xong lại lên giường nằm. Thế thì chả đau với mỏi, chỉ khổ con trai tôi thôi cô à”.
Nhìn cảnh bà Na đã lên chức bà nội mà sáng sớm tinh mơ đã phải giặt chậu quần của cả con trai, con dâu. Giặt rồi phơi phóng xong xuôi, chốc chốc xách làn đi chợ mua đồ ăn sáng. Khi con trai đi làm, con dâu nằm dài mới tới lượt bà ăn sáng.
Tôi cũng đôi lần động viên bà, hay cứ nghỉ ngơi đi du lịch đâu đó vài hôm cùng tôi rồi tính tiếp. Nhưng nước mắt bà ngắn dài bảo: “Tôi đi sợ thằng con tôi khổ, nửa đêm vợ đòi ăn cái này cái kia nó lọ mọ còn có tôi giúp, giờ tôi đi nó phải làm sao chứ”.
Khi cô con dâu bầu bí sang tháng 8, bà Na ôm mấy bộ quần áo chạy sang nhà tôi: “Cô ơi, chở nhanh tôi ra siêu thị với. Hôm qua tôi mua mấy bộ quần áo cho thằng cháu mà mẹ nó cứ chê màu xấu, đổi đi đổi lại 2 lần rồi mà vẫn chưa ưng. Chết cha, nó cứ chửi tôi hoài, nghe mà nhức óc lắm”. Nhìn bà mồ hôi nhễ nhại mà nước mắt tôi cứ rơi, nghĩ bộ cô ta không có mẹ già hay sao? Con dâu gì mà sai mẹ chồng như sai người ở vậy?
Nghe bà nói mà nước mắt tôi cứ rơi, ai đời con dâu lại láo xược xem mẹ chồng như ô sin vậy? |
Khi đưa bà về nhà, tôi dặn: “Bà đừng sợ, bà là mẹ chồng nên có chính kiến của mình, đừng nghe con dâu sai hoài như thế. Bà mệt cứ nằm nghỉ cho tôi, già cả rồi sao cứ phải khổ. Bà chăm con trai lớn trưởng thành thế là được rồi. Nói con dâu không nghe bà cứ mắng nó cho tôi, đừng sợ có tôi ở đây rồi”.
Bà nghe tôi nói, ừ ừ gật gật nước mắt ngắn dài. Ai ngờ trên đời lại có bà mẹ chồng thật thà như vậy. Nhưng về chưa được 5 phút bà lại tất tả chạy sang nhà tôi kêu: “Nó ném mấy bộ quần áo ra giữa nhà bảo rằng tôi không có mắt thẩm mỹ. Nó bù lu bù loa cho rằng tôi tiếc tiền mua quần áo cho cháu nên cứ mua mấy cái bộ rẻ tiền”. Bà nói xong rồi khóc dấm dứt. Tôi vỗ về “Già rồi sao vẫn khổ vậy bà ơi”.
Chiều hôm đó, khi anh con trai của bà đi làm về tôi đã mạnh dạn gọi cậu ta vào nói chuyện. Khi nghe tôi kể hết sự tình anh ta mới vỡ lẽ ra: “Mẹ tôi sao khổ vậy trời, cái Thủy (vợ anh) nó bảo cơm nước nó lo hết cơ mà”. Nét mặt tối sầm con trai bà đứng dậy vội chào tôi rồi đi về. Tôi ngồi đó thi thoảng vẫn nghe tiếng cậu ta dạy dỗ vợ: “Từ nay cô còn láo với mẹ tôi nữa thì hãy mau chóng biến khỏi ngôi nhà này đi. Nên nhớ không có mẹ thì không có tôi ngày hôm nay…”.
Nước cuối cùng tôi mới phải làm thế. Không biết tọc mạch vào chuyện riêng của gia đình người khác như tôi như thế có tốt không nữa?