Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin có thể chia rẽ sâu sắc về các vấn đề bao gồm Syria, Ukraine hay NATO.
Ông Putin và ông Trump sẽ gặp nhau tại thủ đô Helsinki của Phần Lan vào 10h20 phút hôm 16/7 (17h30 phút, giờ Việt Nam) và dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo chung trước đó. Trong thời gian gần đây, quan hệ giữa Nga và Mỹ đã đóng băng đến mức nghiêm trọng nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hai nhà lãnh đạo sẽ phải nỗ lực rất nhiều để đạt được thỏa thuận tích cực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng song phương.
Dưới đây là 9 “khúc mắc” tồn tại trước thềm hội nghị thượng đỉnh:
1. Cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016
Mỹ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử. Ảnh: Getty |
Kể từ khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống vào tháng 1/2017, có nhiều cáo buộc cho rằng chiến dịch của ông đã hợp tác với Điện Kremlin. Về phần mình, Nga nhiều lần phủ nhận tất cả các cáo buộc can thiệp bầu cử.
Ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh Nga – Mỹ diễn ra, Bộ Tư pháp Mỹ đã quyết định truy tố 12 điệp viên tình báo quân sự Nga vì tội “xâm nhập trái phép hệ thống của Đảng Dân chủ trong bầu cử”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh rằng, tại cuộc đàm phán với ông Putin, ông Trump chắc chắn sẽ nỗ lực làm rõ rằng việc Nga can thiệp bầu cử là hoàn toàn “không thể chấp nhận được”.
2. Chiến tranh ở Ukraine
Cùng với các đồng minh phương Tây, Mỹ cáo buộc Nga cung cấp hỗ trợ quân sự cho những thế lực ly khai ủng hộ Nga chống lại các lực lượng chính phủ ở miền Đông Ukraine. Moscow cũng phủ nhận cáo buộc này.
Washington từ lâu đã phản đối việc cung cấp vũ khí chết người cho Ukraine, lo ngại hành động này có thể làm trầm trọng thêm xung đột. Tuy nhiên, vào tháng 3/2018, Mỹ đã chấp thuận một thỏa thuận bán tên lửa chống tăng cho Kiev, khiến Nga phải lo lắng. Trong khi đó, ông Trump đã đưa ra những bình luận lảng tránh về việc liệu Washington có công nhận bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ Ukraine thuộc Nga hay không.
3. Nội chiến Syria
Nga là đồng minh thân thiết của lực lượng chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad. Ảnh: Getty |
Từ tháng 4/2017 đến tháng 4/2018, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã đẩy mạnh không kích nhằm vào các lực lượng Syria với cáo buộc chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học. Nga không đồng ý với cáo buộc này và tiếp tục ủng hộ đồng minh của mình.
Vào tháng 2/2018, Moscow cho biết một số dân thường Nga đã thiệt mạng bởi các vụ đánh bom của liên minh do Mỹ dẫn đầu tiến hành.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hi vọng rằng trong hội nghị thượng đỉnh tại Phần Lan, Washington và Moscow có thể đạt được những thỏa thuận tiến bộ về cuộc nội chiến đã diễn ra hơn 7 năm ở Syria.
4. Giải trừ quân bị
Mỹ và Nga đều lên tiếng cáo buộc nhau phá vỡ các thỏa thuận quốc tế về giải trừ vũ khí. Vào tháng 3 năm nay, ông Putin “khoe” rằng Nga đã phát triển được những vũ khí “bất khả chiến bại” mới bao gồm tên lửa siêu âm và tàu ngầm không người lái.
Trước đó, vào tháng 2, Lầu Năm Góc cũng kêu gọi cải tạo kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và phát triển vũ khí nguyên tử mới có sức hủy diệt thấp. Đáp lại, Moscow lên án chính sách hạt nhân của Mỹ là “hiếu chiến” và “chống Nga”.
5. Căng thẳng về vấn đề NATO
Moscow xem những động thái của NATO như dàn quân về khu vực biên giới giáp Nga, tăng cường các cuộc tập trận… là hành động chuẩn bị tấn công, gây bất ổn cho an ninh Nga. Điện Kremlin cũng bày tỏ lo ngại liên quan đến kế hoạch của NATO được đưa ra vào năm 2010 nhằm xây dựng một lá chắn tên lửa châu Âu, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020 với hệ thống chiến lược đặt ở Romania và Ba Lan.
Trong thời gian gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục chỉ trích các thành viên NATO, thúc giục họ chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động quốc phòng.
6. Thỏa thuận hạt nhân Iran
Nga và Mỹ không có được tiếng nói chung trong vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: Getty |
Quyết định đơn phương của Mỹ trong việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Iran ký kết vào năm 2015 và tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Tehran khiến cả Nga và các nước phương Tây bất ngờ.
Trong khi đó, Nga vốn có quan hệ chặt chẽ với Syria và Iran cho biết các nước châu Âu phải "cùng nhau bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ" trong thỏa thuận này.
7. Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
Nga phản ứng tích cực với hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra vào ngày 12/6 vừa qua giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Họ đã ký một tuyên bố chung nhưng không đạt được bất kỳ đột phá cụ thể nào về các hoạt động hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sau đó đã nói với hãng thông tấn quốc gia RIA Novosti: “Chúng tôi rất hy vọng rằng ông ấy (ông Trump) bắt đầu quá trình giảm căng thẳng”.
8. Vụ cựu gián điệp 2 mang người Nga bị đầu độc ở Anh
Cựu điệp viên 2 mang người Nga Sergei Skripal và con gái đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok ở Anh. Sau đó, chính phủ Thủ tướng Theresa May đổ lỗi cho Nga đứng sau vụ việc. Moscow đã kiên quyết phủ nhận cáo buộc.
Mặc dù vậy, Mỹ vẫn tuyên bố ủng hộ nhận định của Anh, quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga về nước.
9. Chiến tranh thương mại
Vào đầu tháng 7/2018, Nga đã tuyên bố tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng của Mỹ để đáp trả mức thuế dốc được Mỹ công bố trước đó nhằm vào các sản phẩm thép và nhôm - một phần của cuộc chiến thương mại toàn cầu.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo SCMP)