Sử dụng điện thoại khi đổ xăng
Không ít người có thói quen dùng điện thoại khi dừng tại trạm đổ xăng, mà không biết đây là điều tối kỵ. Được biết, việc nghe điện thoại ở trạm đổ xăng bị cấm và có thể bị xử phạt là bởi hành vi này tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ rất cao.
Các chuyên gia cho hay, trong trường hợp sử dụng điện thoại di động, sóng điện thoại có thể tác động đến mạch điện tử làm phát ra tia lửa điện, dễ dẫn đến hiện tượng cháy nổ khi tiếp xúc với xăng, dầu.
Không tắt động cơ khi đổ xăng
Hiện nay, nhiều xe máy sử dụng nắp xăng dạng mở bằng tay và không cần rút chìa khóa để mở nắp bình. Việc đó khiến nhiều người quên tắt động cơ khi đổ xăng, làm tăng nguy cơ cháy nổ tại trạm xăng.
Đổ xăng quá đầy bình
Khi đổ xăng quá đầy, xăng thừa dạng lỏng có thể bị chảy xuống hộp đựng than đá của hệ thống kiểm soát hơi nhiên liệu (Evaporative Emission Control System - EVAP), vốn chỉ sử dụng để hấp thụ hơi xăng thừa từ bình nhiên liệu thoát ra ngoài khí quyển, gây hại cho môi trường.
Việc sửa chữa sẽ rất tốn kém nếu hệ thống EVAP hư hỏng. Chưa kể, đổ đầy tràn bình còn có thể làm xăng tràn ra ngoài thân xe, gây hại cho phần sơn.
Quên đóng nắp bình xăng sau khi đổ xăng
Các chủ xe cần chú ý tự đóng nắp bình xăng khi hoàn thành quá trình bơm xăng nhằm đảm bảo vòi bơm đã được tháo khỏi bình xăng, nắp xăng đã đóng kín, tránh tình trạng xe di chuyển rời khỏi trạm xăng nhưng vòi bơm vẫn cắm ở bình.
Đổ xăng dầu vào các bình, can nhựa
Nhiều người mua hoặc tích trữ xăng dầu bằng chai, lọ, can nhựa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chất liệu bằng nhựa có thể chứa tĩnh điện mà chúng ta không nhìn thấy được. Nó cũng là nguyên nhân rủi ro gây ra cháy nổ ngoài ý muốn tại trạm xăng.
Hơn nữa, số lượng xăng dầu mang về nhà cất giữ nếu không quản lý tốt thì cũng vô cùng nguy hiểm, tốt nhất nên tránh để đề phòng hỏa hoạn.
Hút thuốc khi đổ xăng
Hành động này có dấu hiệu vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Tàn lửa từ quẹt và điếu thuốc có thể dễ dàng bén lửa khi ở trạm xăng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng liên quan tới sự an toàn của nhiều người, có khả năng gây thiệt hại lớn về tài sản.
Riêng với ô tô, chủ xe lưu ý thêm rằng không nên mở cửa hoặc cửa sổ trong suốt quá trình đổ xăng, bởi hơi xăng có thể xâm nhập vào khoang lái, nguy cơ gây hại cho các hành khách trên xe khi hít phải.