Ăn 4 – 5 quả trứng vịt lộn cùng lúc
Nhiều người cho rằng trứng vịt lộn có tác dụng tối đối với sức khỏe, nhiều dinh dưỡng, càng ăn nhiều càng hấp thụ tốt cho cơ thể nên giữ thói quen ăn đều đặn mỗi ngày. Một số người thậm chí ăn liền 4 – 5 quả cùng lúc.
Các bác sĩ cho biết lượng đạm và chất béo trong trứng vịt lộn khá lớn, lượng cholesterol cũng cao tới 600mg, gần gấp 3 lần so với một quả trứng gà.
Việc ăn trứng vịt lộn quá thường xuyên có thể gây ra các bệnh liên quan tới tim mạch, huyết áp cao, gan nhiễm mỡ hoặc thừa cân, béo phì… do dư thừa lượng cholesterol, thậm chí tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ với người có sẵn bệnh nền.
Với giá trị dinh dưỡng cao của trứng vịt lộn, bạn chỉ nên ăn khoảng 2 – 3 quả mỗi tuần và lưu ý không nên ăn cùng một lúc. Mức lý tưởng nhất đối với người trưởng thành là 2 quả một tuần.
Ăn trứng vịt lộn vào buổi tối
Buổi tối không phải là thời điểm thích hợp để ăn trứng vịt lộn. Thói quen ăn trứng vịt lộn vào bữa xế hoặc tối muộn khiến cơ thể nạp vào lượng đạm và chất béo lớn, đồng nghĩa với việc các cơ quan phải làm việc nhiều hơn, gây ra tình trạng ấm ách đầy bụng, khó tiêu, ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Thêm vào đó, mỗi quả trứng vịt lôn trung bình chứa khoảng 180 calo. Nếu ăn thường xuyên vào buổi tối thì cân nặng sẽ có khả năng “nhảy số” chóng mặt.
Theo ThS.BS Dzoãn Thị Tường Vi (Viện Dinh dưỡng Lâm sàng), để có thể có thể hấp thu được chất dinh dưỡng từ trứng vịt lộn tốt nhất, có thể ăn vào buổi sáng kèm theo các món ăn khác thì sẽ tốt hơn.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra lượng calo cần nạp trong bữa sáng là khoảng 20 – 30% tổng lượng calo cần nạp trong ngày. Vì thế, trứng vịt lộn là thực phẩm rất thích hợp cho bữa sáng để chuẩn bị cho các hoạt động tiếp theo trong suốt cả ngày.
Cho trẻ dưới 5 tuổi ăn
Các cha mẹ thường mua trứng vịt lộn để tẩm bổ cho con mà không biết việc làm này lại gây hại đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Ở thời điểm này, cơ thể trẻ vẫn chưa phát triển hết, hệ tiêu hóa non nớt đang trong quá trình hoàn thiện.
Việc ăn trứng vịt lộn sẽ khiến trẻ bị khó tiêu, chướng bụng. Trứng vịt lộn chứa nhiều đạm nên gây no lâu, có thể dẫn đến tình trạng trẻ biếng ăn, ăn không ngon miệng trong các bữa ăn còn lại. Bên cạnh đó, Cholesterol trong trứng vịt lộn khá nhiều, có thể tác động xấu lên các tế bào thần kinh trong quá trình hình thành.
Đáng nói hơn, trứng vịt lộn chứa nhiều vitamin A. Nếu trẻ hấp thụ nhiều thì có thể dẫn đến tình trạng dư thừa. Lâu ngày, vitamin A dư thừa sẽ tích lũy ở gan, dưới da... gây hiện tượng vàng da hay thậm chí ảnh hưởng quá trình hình thành xương.
Cha mẹ tốt nhất chỉ cho trẻ từ 5 tuổi trở lên ăn trứng vịt lộn, ngoài ra cần lưu ý cho trẻ ăn nửa quả mỗi lần, từ 1 – 2 lần/ tuần.
Bỏ đi phần vịt con
Nhiều người cho rằng lòng đỏ của trứng vịt lộn là phần chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất. Một số người thậm chí chỉ ăn phần lòng đỏ mà bỏ đi phần con (lòng trắng). Trên thực tế, phần con mới là phần bổ béo nhất của quả trứng vịt lộn.
Bỏ phần rau gia vị ăn kèm
Trứng vịt lộn vốn có tính hàn, khó tiêu, trong khi đó gừng tươi kích thích tiêu hóa, giải độc trong thức ăn còn rau răm có tác dụng làm ấm bụng, chống đầy hơi, lạnh bụng.
Việc kết hợp trứng vịt lộn với gừng và rau răm không chỉ tạo vị thơm ngon khi ăn mà còn giúp khắc phục nhược điểm (tính hàn và khó tiêu) của trứng vịt lộn. Vì vậy, khi ăn trứng vịt lộn, bạn nên ăn kèm gừng và rau răm.
Ngoài những sai lầm tai hại trên, bạn cần lưu ý một điều rằng trứng vịt lộn không thực sự tốt cho tất cả mọi người. Chất béo của trứng có tỷ lệ cholesterol cao nên không tốt đối với những người bị các bệnh về rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, huyết áp, tim mạch , người thừa cân và béo phì…
Bác sĩ khuyên những người mắc các bệnh trên nên hạn chế hoặc tuyệt đối tránh ăn trứng vịt lộn. Các bà bầu chỉ nên ăn 2 quả/tuần và ăn vào bữa sáng để tránh đầy bụng, khó tiêu. Đặc biệt, trứng lộn khi ăn thường được bày kèm rau răm, bà bầu nên tránh loại rau này để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
Đinh Kim(T/h)