Đang neo trú tại cảng, tàu cá của ông Lực bị chập điện, bốc cháy dữ dội, sau đó nhanh chóng lan sang 2 tàu cá bên cạnh gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Báo Tuổi trẻ đưa tin, vào 13h ngày 28/5, chiếc tàu cá QNg 44310TS của ông Bạch Tấn Lực (41 tuổi, ở xã Phổ Thạnh, Đức Phổ) đang neo đậu tại cảng cá Sa Huỳnh xã Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi bất ngờ bốc cháy dữ dội.
Ngọn lửa sau đó lan sang tàu cá QNg 44353TS của ngư dân Phạm Quang Vinh ở xã Phổ Thạnh và tàu cá BĐ 91440 TS của ngư dân Bình Định neo đậu bên cạnh.
Hiện trường tàu cá bị cháy. (Ảnh: báo Dân trí) |
Theo báo Công an nhân dân, ngay sau khi phát hiện đám cháy, bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi và các lực lượng chức năng tại chỗ tham gia xử lý đám cháy nhưng không được nên gọi báo cho Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỉnh Quảng Ngãi.
Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC số 3, Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ngãi đã điều động 2 xe chữa cháy và gần 20 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường phối hợp cùng với các lực lượng tại chỗ di chuyển số tàu cá bên cạnh, khống chế, không cho cháy lan và tiến hành dập tắt đám cháy hoàn toàn.
Tuy nhiên, tàu cá của gia đình ông Lực đã bị ngọn lửa thiêu rụi toàn bộ ca bin và nhiều bộ phận khác. Hai tàu cá bị cháy lan cũng bị cháy nhiều bộ phận trên tàu. Thống kê ban đầu của lực lượng chức năng, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Báo Dân trí cũng cho hay, sau khi đám cháy được dập tắt, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp cận hiện trường tìm hiểu nguyên nhân vụ cháy. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, hệ thống bình ắc quy trên tàu cá QNg 44310 TS của ông Bạch Tấn Lực bị chập điện tạo tia lửa gây ra vụ hỏa hoạn.
Điều 4, Quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy về Nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy 1. Thông tin về tai nạn, sự cố, yêu cầu cứu nạn, cứu hộ phải được báo kịp thời, chính xác cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy theo số điện thoại 114 hoặc lực lượng phòng cháy và chữa cháy khác quy định tại Điều 5 Quyết định này, đồng thời báo cho chính quyền địa phương và Công an nơi gần nhất. 2. Việc cứu nạn, cứu hộ phải được tiến hành kịp thời bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ và trước hết phải ưu tiên cho việc cứu người. 3. Khi thực hiện cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm an toàn đối với người, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ và nạn nhân, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
(Tổng hợp)