Lô trái phiếu 1.300 tỷ
Ngày 25/4, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố thông tin việc CTCP Đầu tư Thương mại Bình Tân (Công ty Bình Tân) hoàn tất phát hành lô trái phiếu trị giá 1.300 tỷ đồng với kỳ hạn 60 tháng, đáo hạn vào 1/11/2026.
Thông tin do HNX công bố vắn tắt không có trái chủ, lãi suất hay đơn vị bảo lãnh phát hành.
Theo tìm hiểu của PV, Công ty Bình Tân mới thành lập tháng 8/2019 với vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập, trong đó ông Đàm Thận Mạnh góp 120 tỷ đồng (40%); Đặng Kim Long góp 90 tỷ đồng (30%); Lê Văn Lợi góp 90 tỷ đồng (30%). Ông Đàm Thận Mạnh là Tổng giám đốc/Người đại diện pháp luật.
Tháng 11/2021, Công ty Bình Tân tham gia góp vốn vào Công ty TNHH đầu tư và phát triển Tân Thành.
Đây là doanh nghiệp thành lập từ tháng 12/2020 với vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng, do ông Phạm Minh Tuấn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐTV. Sau đó, Công ty Tân Thành nâng vốn điều lệ lên 3.300 tỷ đồng, ông Tuấn nắm tỷ lệ sở hữu 99,848% (tương đương 3.295 tỷ đồng).
Sau khi nâng vốn, ông Phạm Minh Tuấn đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho 2 tổ chức gồm Công ty Bình Tân (46,364% tương đương 1.530 tỷ đồng) và Công ty TNHH Mekong Thịnh Vượng (53,485% tương đương 1.765 tỷ đồng).
Ngoài tham gia góp vốn vào Công ty Tân Thành, sau khi Bình Tân huy động được 1.300 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu, công ty này đã ký hợp đồng đặt cọc để nhận chuyển nhượng dự án công trình trung tâm thương mại trên lô đất TM01 thuộc Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long theo quyết định số 1459/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội cấp ngày 28/03/2019.
Sự phát triển của doanh nghiệp
Ngoài là người đại diện pháp luật của Bình Tân, ông Đàm Thận Mạnh còn được biết đến là Chủ tịch HĐQT/ người đại diện pháp luật của CTCP Kita Holding.
Kita Holding được thành lập vào tháng 5/2019 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập gồm: CTCP Tập đoàn Kita Group (15%), Nguyễn Duy Kiên (60%) và Đặng Thị Thùy Trang (25%). Chủ tịch HĐQT ban đầu do ông Nguyễn Duy Kiên đảm nhiệm trước khi chuyển giao cho ông Đàm Thận Mạnh vào tháng 3/2022.
Ông Đàm Thận Mạnh còn cùng Công ty Mekong Thịnh Vượng là cổ đông sáng lập của Công ty TNHH Vành Đai Vàng. Công ty này có vốn điều lệ 980 tỷ đồng, trong đó ông Mạnh nắm 97% vốn điều lệ còn Mekong Thịnh Vượng nắm 3% vốn.
Nói về Công ty Mekong Thịnh Vượng, doanh nghiệp này hiện nay có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng là công ty con của CTCP Q8 với tỷ lệ sở hữu 98%. Trong khi đó CTCP Q8 thành lập vào tháng 1/2019 với vốn điều lệ 400 tỷ đồng.
Một dữ liệu của PV cho thấy, các công ty Bình Tân, Mekong Thịnh Vượng thông qua Công ty Tân Thành, thế chấp 98% vốn điều lệ của CTCP Kita Invest tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank.
Ngoài ra, ông Đàm Thận Mạnh cũng dùng cổ phần sở hữu để thế chấp cho VPBank đảm bảo cho nghĩa vụ của Công ty Bình Tân.
Nói về Kita Group, khởi điểm ban đầu của công ty này là lĩnh vực buôn bán đồ uống nhưng doanh thu chỉ mang tính tượng trưng. Hai năm 2016 và 2017, doanh thu của Kita Group đạt chưa tới 2 tỷ đồng mỗi năm.
Bước chuyển lớn nhất của doanh nghiệp này là tháng 9/2018 khi Kita Group bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực đầu tư bất động sản. Do mới chuyển hướng kinh doanh, quy mô doanh thu của Kita Group cũng tăng mạnh, nhưng con số này nếu so với các doanh nghiệp bất động sản cùng quy mô thì vẫn chưa tương xứng.
Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Kita Group đã đạt hơn 2.700 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với thời điểm đầu năm. Vốn chủ sở hữu cũng tăng mạnh từ 295,8 tỷ đồng lên 691,6 tỷ đồng.
Hệ sinh thái của Kita Group mở rộng với nhiều công ty thành viên, tuy nhiên, cái tên đáng chú ý nhất phải kể tới Kita Land.
Tháng 12/2018, nhóm cổ đông Kita Group cùng một cổ đông cá nhân khác góp vốn thành lập Công ty cổ phần Kita Land (Kita Land) với quy mô vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Trong đó, nhóm cổ đông Kita Group sở hữu tới 99% vốn điều lệ.
Kita Land sau đó liên tục tăng vốn điều lệ. Tính đến tháng 12/2021, Kita Land có vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng.
Là tay chơi mới trong lĩnh vực bất động sản, Kita Group trong những năm qua tham gia M&A nhiều dự án, để trở thành doanh nghiệp bất động sản có tiếng trên thị trường.
PV