Trái ngược hoàn toàn với sự hài hước trong mỗi vlog, khi trả lời phỏng vấn báo chí, Toàn Shinoda lại luôn tỏ ra vô cùng nghiêm túc.
Toàn Shinoda tên thật là Trần Vũ Toàn, sinh năm 1987. Toàn là cựu học sinh khối chuyên Anh trường Hanoi-Amsterdam. Toàn từng đạt Giải nhất bóng bàn & cầu lông Quận Ba Đình 2002, Giải nhất Toán thành phố 2003 - Giải ba tiếng Anh Quốc gia 2005.
Sau đó Toàn nhận được học bổng toàn phần trường đại học Wesleyan University (top 20 trường ĐH hàng đầu ở Mỹ) và sang Mỹ học 4 năm tại trường Wesleyan University.
Sau khi tốt nghiệp, Toàn Shinoda sinh sống tại Việt Nam. Anh là một vlogger có phong cách khác hoàn toàn so với JVevermind, Huy Me, An Nguy...
Các vlog của Toàn Shinoda phần lớn đều mang tính chất châm biếm và có khá nhiều ngôn từ “nhạy cảm”. Đó là lí do vlog của anh chàng kén người xem và phần đồng fan là nam giới.
Toàn Shinoda cũng là người chịu khó đầu tư và làm mới vlog nhất so với 3 vlog vừa kể trên. Anh thường xuyên đổi chủ đề, cách tiếp cận khán giả và thể loại (đôi lúc là tự sự, làm bản tin, đóng phim...). Toàn Shinoda được coi là anh cả của giới làm vlog.
Ngoài là 1 vlogger nổi tiếng, Toàn Shinoda đồng thời cũng là Phó tổng giám đốc của công ty tư vấn giáo dục Golden Path Academics.
Trái ngược hoàn toàn với sự hài hước trong mỗi vlog, khi trả lời phỏng vấn báo chí, Toàn Shinoda lại luôn tỏ ra vô cùng nghiêm túc.
Những câu trả lời của anh thường ngắn gọn, bám đúng vào câu hỏi, rõ ràng, mạch lạc. Chính điều này đã tạo nên một hình ảnh khác biệt và hoàn toàn đĩnh đạc của Toàn Shinoda trong mỗi phát ngôn của mình.
Dưới đây là danh sách 10 câu nói nghiêm túc rất đáng suy ngẫm của Toàn Shinoda được tổng hợp từ những bài phỏng vấn và diễn thuyết của anh.
1. "Đối với người nổi tiếng, sự giải thích tốt nhất là thừa nhận ý kiến và khắc phục bản thân bằng sản phẩm tốt hơn thay vì cãi nhau".
2. "Quan điểm thì là cá nhân còn chân lý thì đôi khi vô cùng. Tại mỗi thời điểm con người sẽ có những chân lý riêng của mình. Trong cuộc sống, gia đình, bạn bè, cho tới kinh doanh, sự thích nghi với những thay đổi của cuộc sống là điều tất yếu để hoàn thiện mỗi cá nhân".
3. "Về phát ngôn hớ hênh, thiếu thận trọng, mình nghĩ chắc là Angela Phương Trinh. Nếu là mình thì mình sẽ không làm vậy, nhưng đó là lựa chọn của mỗi người thôi. Mỗi người có một cách xây dựng thương hiệu riêng cho họ. Phát ngôn tâm đắc nhất sẽ mãi là “Không có tiền thì cạp đất ra mà ăn à?” của Ngọc Trinh.
Nó vừa buồn cười, vừa đúng, và quan trọng đó là thứ động đến lòng tham, vốn là bản năng của con người từ cổ chí kim nhưng đa số không dám nhận. Nó ít nhiều thể hiện đúng tính cách của Ngọc Trinh, và quan trọng là của nhiều người khác nữa, nhưng chỉ Ngọc Trinh dám phát ngôn như vậy. Và thực tế cho thấy, những người nổi tiếng khác ban đầu chỉ trích Ngọc Trinh bằng việc tô vẽ lên những thứ như kiểu “tôi sống không dựa dẫm, không ăn bám, sống bằng thực lực” sau này đều lòi ra là sống chẳng khác gì những lời Ngọc Trinh nói".
4. "Khi yêu thì tiêu chí là xinh nhưng khi làm vợ thì việc hợp tính cách, hiểu nhau, tôn trọng nhau và bình đẳng trong gia đình là quan trọng. Nếu mình kiếm tiền chính thì vợ chăm sóc con cái và bếp núc nhiều hơn. Nếu vợ kiếm tiền chính, mình sẽ làm những việc đó nhiều hơn vợ".
5. "Ở Mỹ cách nghĩ về mối quan hệ thầy trò của họ khác ngay trong việc bố trí lớp học. Bạn có thể thấy lớp học của Mỹ hầu hết đều được thiết kế theo hình quả đồi: Thầy giáo ở dưới chân đồi, tầng thấp nhất, còn học sinh luôn ở phía cao hơn thầy. Đây là một suy nghĩ rất tiến bộ, thầy cô giáo là nền tảng cho học sinh, dìu dắt học sinh.
Còn ở Việt Nam, thầy giáo vẫn là một người rất xa vời, rất có quyền lực. Thầy là phải ở bục cao nhìn xuống học sinh. Giữa thầy vào trò luôn mặc định tồn tại một khoảng cách vô cùng lớn. Không mấy khi học trò dám thẳng thắn đối thoại với thầy cô. Họ thường im lặng chấp nhận những gì thầy cô nói, hoặc là ấm ức giữ trong lòng, chính vì thế mới dễ xảy ra xung đột khi mâu thuẫn quá lớn".
6. "Hãy tưởng tượng em là Running Man, còn xe ô tô của Arsenal là trường Đại học. Running Man dùng hết tốc lực của mình để đuổi theo xe ô tô ấy, cũng như em phải dốc hết sức lực của em để cố gắng vào trường đại học mình yêu thích. Mọi người nhìn có thể thấy lạ kỳ, nhưng cứ làm đi vì đấy là đam mê của mình".
7. "Chúng tôi cũng có nhiều người đầy ước mơ và đam mê, và cũng phải vật lộn với cuộc sống để nuôi dưỡng những đam mê đó. Những Ngô Bảo Châu, Đông Flappy Bird, Đặng Thái Sơn đang dần giúp chúng tôi dần khẳng định rằng chúng tôi đang cố gắng bằng với bạn bè quốc tế, ngay cả khi xuất phát điểm chúng tôi thua các bạn”.
8. "Mình không quá quan trọng việc nổi tiếng “đúng nghĩa” hay “sai nghĩa” đâu. Quan trọng là mình được làm những gì mình yêu thích thôi. Trong trường hợp của mình đó là việc chia sẻ quan điểm cá nhân, mang lại những giây phút thư giãn cho người xem và hi vọng sẽ có ảnh hưởng tích cực tới các bạn trẻ ở một góc độ nào đó".
9. "Mình cho rằng nguyên nhân lớn nhất của sinh viên châu Á đó là ngôn ngữ. Ngay cả ở Việt Nam, nhiều bạn ở các tỉnh địa phương khi về thành phố học cũng cố gắng nói giọng Hà Nội hay Sài Gòn để có thể hoà nhập tốt hơn.
Tuy nhiên, quan trọng hơn là thái độ học hỏi của bạn. Khi bạn "chơi trên sân khách", bạn phải hiểu rằng bạn không thể chờ sự "hiếu khách" từ các học sinh Mỹ. Vì thế, bản thân mình phải chủ động chia sẻ, hoà nhập với họ thông qua việc tham gia, thậm chí là tổ chức các câu lạc bộ, sự kiện hay đơn giản là tiệc tùng để tăng sự tương tác giữa bạn và sinh viên bản xứ".
10. "Mình xin nhận hoàn toàn khuyết điểm và hứa là sẽ... không sửa chữa!".