(ĐSPL) - Kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT sáng 19/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ trưởng Đinh La Thăng thực hiện đúng những gì đã hứa.
Tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vào đầu giờ sáng nay, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) nêu câu hỏi về việc xử lý xe quá tải.
“Việc xử lý xe quá tải không hề đơn giản. Ta có giải pháp trước mắt nhưng phải có giải pháp lâu dài để giải quyết căn cơ ta phải tái cơ cấu ngành GTVT, tái cơ cấu vận tải hàng hoá” – ông Phúc nêu vấn đề.
Bộ trưởng Đinh La Thăng tiếp tục trả lời sáng 19/11. |
Đến 2015, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải
Trả lời ĐB Phúc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết,việc thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện là một trong những giải pháp để thực hiện tái cơ cấu toàn diện, triệt để ngành GTVT và tái cơ cấu các phương thức vận tải để góp phần phát triển hài hoà các phương thức vận tải.
“Hiện nay vận tải đường bộ nhiều, một xe chở vượt 2 – 3 lần công suất thiết kế nên cước vận tải không cao lên nhiều. Nhưng nếu chúng ta kiểm soát tải trọng xe, cước vận tải sẽ cao, vì vậy hàng hoá từ đường bộ buộc phải chuyển xuống hàng hải, đường thuỷ nội địa, góp phần tái cơ cấu vận tải, kết nối các phương thức vận tải với nhau. Để kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý chất lượng vận tải phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, triệt để, lâu dài. Chúng tôi sẽ phấn đấu cố gắng đến 2015 sẽ giải quyết cơ bản việc chở quá tải trọng” – Bộ trưởng Thăng quả quyết.
Tiếp tục chất vấn tư lệnh ngành GTVT, đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa – Vũng Tàu) nêu quan điểm: “Tôi đề nghị Bộ trưởng GTVT quan tâm rà soát tiêu chuẩn định mức trong thiết kế thi công các công trình giao thông vì đây là lĩnh vực thất thoát, tham nhũng lớn. Quốc lộ 51 chỉ dài 90km mà mấy chục nhà thầu thi công. Điều này đồng nghĩa với việc chia chác, băm nát không thể nào đảm bảo chất lượng được. Hiện nay nay, QL51 đã thu phí và cũng đang hư hỏng rất nhanh.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ trưởng xem xét năng lực Ban QLDA, họ không có năng lực và chọn những nhà thầu không năng lực. Họ thi công phản khoa học nhưng cơ quan quản lý nhà nước lại không có vai trò gì và bất lực. Đây là hạn chế của các dự án BOT”.
Trả lời chất vấn trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh rằng, vấn đề chất lượng tiến độ công trình đối với ngành GTVT là nhiệm vụ trọng tâm.
Đối với dự án QL51 mà đại biểu nêu, thực hiện theo Nghị định của Chính phủ thì nhà đầu tư toàn quyền lựa chọn nhà thầu, tự thiết kế, thi công, tự phê duyệt. Sự can thiệp của cơ quan nhà nước rất ít.
Từ dự án này, Bộ trưởng Thăng cũng đưa ra một số đề xuất về giải pháp.
Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị với Bộ kế hoạch đầu tư báo cáo Chính phủ, các dự án BOT cũng phải quản lý chặt chẽ như vốn ngân sách nhà nước. Bởi vì vốn ngân sách nhà nước cũng chính là từ thuế của người dân nộp. Các dự án BOT cũng là thuế người dân nộp phí trực tiếp cho nhà đầu tư nên phải được quản lý chặt chẽ như vốn trái phiếu chính phủ, vốn ngân sách nhà nước.
“Ngoài ra, chúng tôi tăng thời hạn bảo hành lên gấp đôi. Trước đây, thời hạn bảo hành là 2 năm giờ nâng lên 4 năm. Còn một số ít dự án trong quá trình sử dụng bị hỏng thì xin đại biểu và nhân dân chia sẻ và thông cảm. Chúng tôi cố gắng kiểm soát chặt chẽ nhưng không thể tránh khỏi. Còn ít dự án có thể bị hư hỏng thì đã có thời hạn bảo hành 4 – 5, chi phí hoàn toàn do nhà thầu chịu” – Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
Tiết kiệm 34 nghìn tỷ, liệu có dự toán sai?
Trong khi đó, Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) lại tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Thăng về thông tin mới đây, bộ GTVT tiết kiệm được một con số mơ ước là 34 nghìn tỷ.
“Gần đây có thông tin Bộ GTVT tiết kiệm được 34 nghìn tỷ, một con số mơ ước của nhiều Bộ, ngành, mơ ước của nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là các công trình dân sinh. Mới nghe thì mang tính tích cực nhưng dư luận lại đặt câu hỏi: Giảm ba mươi mấy nghìn tỷ đó có suất phát từ việc cắt quy mô, cắt khối lượng, cắt hạng mục và liên quan đến ATGT như thế nào?
Thứ hai, cũng từ vấn đề này, liệu có tình trạng dự toán sai, dự toán lãng phí? Nếu có, cơ quan nào chịu trách nhiệm?” – Đại biểu tỉnh Quảng Nam nêu chất vấn.
Trả lời những thắc của đại biểu Lê Văn Lai, tư lệnh ngành GTVT nêu rõ, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công, Bộ GTVT đã thực hiện rà soát 44 dự án với kinh phí tiết giảm là 39.365 tỷ đồng.
“Đây là tiết giảm chứ không phải tiết kiệm. Cụ thể, rà soát phân kỳ đầu tư, chúng tôi đã giảm 14.163 tỷ đồng. Ví dụ như cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đoạn Nội Bài lên Yên Bái là 4 làn xe, đoạn Yên Bái – Lào Cai 2 làn xe, nền đường và các điều kiện đã được chuẩn bị cho 4 làn xe. Do lưu lượng hiện tại chưa cần thiết phải đầu tư 4 làn, nên đầu tư trước 2 làn, sau này lưu lượng tăng lên thì sẽ tiếp tục đầu tư để đáp ứng nhu cầu” – Bộ trưởng nêu rõ.
Kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT sáng 19/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, các đại biểu đã đặt câu hỏi ngắn, rõ, đi thẳng vào vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng Thăng thực hiện đúng những gì đã hứa! |
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhận định, Bộ trưởng Thăng mới làm được Bộ trưởng 3 năm nhưng thông qua trả lời chất vấn thì có thể thấy những chuyển biến theo hướng tiến bộ để đảm nhận trọng trách là rất rõ. Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn vào vấn đề, có những cam kết rất quyết đoán.
“Tất cả các lời hứa đó Bộ trưởng phải cố thực hiện cho được. Không thực hiện được thì phải báo cáo lại cử tri cả nước” - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.