+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng Thăng: "Đi cao tốc Lào Cai có thể nghe nhạc, làm thơ"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Liên quan đến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vui vẻ nói, "khách giờ đi ô tô trên đường cao tốc này có thể vừa nghe nhạc hay làm thơ".

    (ĐSPL) – Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vui vẻ nói, "khách giờ đi ô tô trên đường cao tốc này có thể vừa nghe nhạc hay làm thơ".

    Chiều nay (18/11), Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội.

    "Đã không hứa thì thôi, hứa là đúng như thế”

    Mở đầu phiên chất vấn "tư lệnh" ngành giao thông, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) nêu vấn đề mà rất nhiều cử tri quan tâm là việc Bộ GTVT đang nghiên cứu bán quyền khai thác một số công trình giao thông để lấy tiền đầu tư cho công trình khác.

    Đồng thời, đại biểu này cũng phản ánh tình trạng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng qua huyện Gia Lâm (Hà Nội) gây hư hỏng công trình thủy lợi dù kỳ họp trước đã kiến nghị bổ sung hầm chui dân sinh, cầu vượt nhưng chưa được thực hiện.

    ĐBQH lo đường sắt Cát Linh không an toàn, Bộ trưởng Thăng nói gì?

    Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội chiều 18/11.

    Trước những chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết hiện nay, ngành giao thông có nhiệm vụ đột phá phát triển hạ tầng nhưng do Chính phủ cắt giảm đầu tư công nên nguồn lực dành cho giao thông ngày một hạn chế.

    Ngoài huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, để tạo ra đột phá nữa, Bộ nghiên cứu chuyển giao quyền khai thác hạ tầng cho các nhà đầu tư khác. Hiện đang xây dựng đề án tổng thể báo cáo Chính phủ.

    “Ví dụ đường cao tốc làm được 524 km đang khai thác, nếu chuyển được quyền khai thác sẽ lấy tiền làm được 500km nữa. Như vậy mục tiêu đến năm 2020 có thể hoàn thành 2.000km đường cao tốc”.

    Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà đặt vấn đề về việc triển khai thi công dự án qua khu dân cư, ruộng đồng, khu sản xuất của người dân ảnh hưởng đến cuộc sống, đi lại, sản xuất của người dân.

    Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định khi tổ chức, triển khai thi công dự án phải có sự thỏa thuận của nhà đầu tư, ban quản lý dự án, thỏa thuận của chính quyền địa phương.

    Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận vẫn còn một số dự án chưa đúng tiến độ, chưa thực hiện đúng với cam kết của người dân, khiến người dân bức xúc. Bộ trưởng Thăng hứa sẽ nhắc nhở, đốc thúc các dự án này thực hiện đúng cam kết, ông cũng mong người dân chia sẻ vì sự phát triển chung của đất nước.

    Trước khi kết thúc câu trả lời với băn khoăn của nữ đại biểu đoàn Hà Nội, Bộ trưởng Thăng quả quyết: "Đã không hứa thì thôi, hứa là đúng như thế”.

    Đi cao tốc Lào Cai có thể nghe nhạc hay làm thơ

    Trong khi đó, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) lại chất vấn "tư lệnh" ngành GTVT về việc mức thu phí đường bộ và cao tốc hiện nay có cao không? Việc thành lập trạm thu phí BOT trên quốc lộ, khoảng cách có đúng không...?

    Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh rằng, việc thu phí được áp dựng theo quy định của pháp luật, chứ không phải thu tùy ý.

    Mức phí phụ thuộc vào lưu lượng xe, thời gian thu hồi vốn. Trên cơ sở đó Bộ Giao thông hay đơn vị thuộc Bộ có thể ký hợp đồng với nhà đầu tư quy định mức thu phí cao hay thấp.

    Tuy nhiên, ông cho rằng nếu đưa ra bài toán giữa những cái được khi tham gia giao thông trên tuyến này so với mức phí mà người dân bỏ ra, thì mức này không hề cao nếu phân tích kỹ các khấu hao, chi phí.

    “Ban đầu có người nói rằng mức thu phí cao tốc Nội Bài - Lào Cai quá cao, nhưng theo tính toán thì con đường này giúp thời gian di chuyển giảm xuống còn một nửa, các chi phí khác giảm 30\% trong đó có chi phí xăng dầu. Đi trên cao tốc này thẳng nên an toàn hơn. Từ khi có cao tốc này, khách đi Lào Cai bằng tàu giảm một nửa, thay vì việc trước kia chờ mua vé tàu rất lâu", Bộ trưởng Thăng phân tích.

    "Nhiều người bây giờ không ngại say xe như khi đi trên Quốc lộ 70 cũ nữa. Khách giờ đi ô tô trên đường cao tốc này có thể vừa nghe nhạc hay làm thơ. Một nhạc sĩ về hưu đi thấy êm ru đã sáng tác một bài hát rất hay về con đường cao tốc này", Bộ trưởng Thăng vui vẻ kể.

    Đường sắt trên cao, có an toàn không?

    Tiếp tục phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đặc biệt bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề an toàn khi đưa vào vận hành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).

    Đại biểu Đương chất vấn: “Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ quốc gia nào? Tiến độ vì sao rất chậm và đội vốn cao như vậy? Mà từ hôm có vụ tai nạn, tôi thấy rất lo ngại vì sợ mai kia vận hành nhỡ rơi tàu xuống đất, nghĩ đến tôi đã thấy thảm họa. Vậy xin hỏi Bộ trưởng, khi đưa dự án vào khai thác có đảm bảo an toàn không?”

    ĐBQH lo đường sắt Cát Linh không an toàn, Bộ trưởng Thăng nói gì?

    ĐBQH lo ngại về tính an toàn của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) sau khi xảy ra vụ tai nạn chết người hôm 6/11.

    Giải đáp những thắc mắc của đại biểu Đỗ Văn Đương, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc và sử dụng công nghệ của Trung Quốc nhưng là công nghệ mới nhất.

    “Sau sự cố xảy ra tai nạn khi thi công vừa qua, Bộ đã xử lý trách nhiệm các bên liên quan, đã dừng dự án để kiểm tra, đảm bảo an toàn cho dự án trong thi công và khi đưa vào khai thác. Khi dự án hoàn thành sẽ phải nghiệm thu khắt khe nhất”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-thang-di-cao-toc-lao-cai-co-the-nghe-nhac-lam-tho-a69737.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan