+Aa-
    Zalo

    Xuân hồi sinh ở “vùng đất vàng” Mà Sa Phìn sau lũ dữ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sau cơn lũ quét kinh hoàng những ngày cuối tháng 8, đường đi vào Mà Sa Phìn càng trở nên khó khăn, những phận đời lam lũ càng khiến người ta thêm nhói lòng.

    (ĐSPL) - Nhiều người vẫn ví, ở Mà Sa Phìn đâu đâu cũng có vàng, chỉ cần cúi xuống là nhặt được vàng. Sau cơn lũ quét kinh hoàng những ngày cuối tháng Tám, đường đi vào bãi vàng Mà Sa Phìn càng trở nên khó khăn, những phận đời lam lũ càng khiến người ta thêm nhói lòng…

    Cung đường “tử thần”

    Chúng tôi trở lại bãi vàng Mà Sa Phìn (thuộc thôn Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) vào những ngày giáp Tết khi những ám ảnh hãi hùng của trận lũ quét hồi cuối tháng 8/2016 vừa nguôi ngoai trong mỗi người dân nơi đây.

    Đường vào xã Nậm Xây những ngày này được bao trùm bởi màu hồng, màu đỏ của những cây đào đang độ khoe sắc. Vừa tới trung tâm xã Nậm Xây, ngỏ ý muốn đi vào bản Mà Sa Phìn bằng chiếc xe WaveS đã ngót gần 10 năm tuổi và có ít kinh nghiệm “chinh chiến” đường rừng núi, hầu hết người dân nơi này đều nhìn chúng tôi đầy ái ngại.

    Những ánh mắt “lam lũ” của những đứa trẻ Mà Sa Phìn.

    Anh Nguyễn Văn Tới vừa lắc đầu nhìn xe chúng tôi vừa nói: “Các bạn muốn lên Mà Sa Phìn à? Từ đây vào đó cũng hơn 20km, đường đi toàn đá hộc, dốc dựng đứng... Người dân bản xứ cũng phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ đi vào, có những đoạn phải dắt bộ vì đường rất khó đi. Để đi được đường đó, xe máy phải chế thêm những thiết bị đặc biệt, còn xe của các bạn chắc chỉ đi được khoảng 7 – 8km là xuống dắt bộ”. Ngồi lại quán cơm của anh được mở ngay đầu con đường duy nhất dẫn từ trung tâm xã Nậm Xây vào bản Mà Sa Phìn, anh Tới kể cho chúng tôi rất nhiều câu chuyện ở Mà Sa Phìn, nơi được mệnh danh là “rốn vàng” của Văn Bàn, “thủ phủ” của “vàng tặc”. Thậm chí người dân địa phương vẫn bảo, Mà Sa Phìn là mỏ vàng lớn nhất của tỉnh Lào Cai. Ở đó, nhìn đâu cũng thấy vàng, đào đâu cũng có vàng. Có thời điểm, người dân địa phương tự đi đãi vàng bằng phương pháp thủ công mà cũng thu được cả cân vàng cám.

    Anh Tới là người quê gốc Nam Định. Thời kỳ “hoàng kim” của Mà Sa Phìn, anh bỏ quán ăn ở Giáp Bát (Hà Nội) để lên đây mở quán ăn. Trước cơn lũ cuối tháng Tám – cơn lũ lịch sử, cơn lũ kinh hoàng nhất mà anh từng gặp, quán của anh lúc nào cũng tấp nập người ra kẻ vào. Họ đều là dân từ các nơi tìm đến bãi vàng Mà Sa Phìn với mong muốn đổi đời. Nhưng khi trận lũ qua đi, cuộc sống bình yên trở lại, đường vào đó cũng đang trong quá trình tu sửa, quán của anh lại ế ẩm vì khách vãng lai không có. Anh Tới dự tính nhượng lại quán rồi trở về xuôi làm ăn.

    “Cũng đã vài ba cái Tết tôi xa nhà, xa gia đình để đón Tết ở nơi “rốn vàng” cùng bà con dân tộc Mông. Tôi cũng thích lắm những điệu múa khèn, những trò chơi ném còn, ném Pao, chơi quay của người Mông... Nhưng có lẽ Tết này tôi sẽ tạm xa mảnh đất đầy tình người để trở về cuộc sống mưu sinh của mình ở dưới xuôi”, anh Tới chia sẻ. Anh còn nói, Mà Sa Phìn là thôn xa nhất của huyện Văn Bàn, nằm trên thượng nguồn suối Nậm Xây Luông, một mặt giáp huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), một mặt giáp huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu). Thôn có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn lắm.

    Vàng nhiều là thế nhưng người dân ở xã Nậm Xây lại không vào đó đào vàng, họ làm giàu bằng nghề trồng thảo quả. Có những vụ họ thu hoạch cả mấy trăm triệu. Số tiền ấy họ để ăn chơi, mua xe. Một năm 1 vụ lên rẫy, trồng lúa vẫn đủ để họ sống sung túc. “Nhưng vụ năm nay thảo quả mất mùa do ảnh hưởng của đợt mưa, tuyết. Bãi vàng Mà Sa Phìn cũng bị ảnh hưởng của lũ quét, sự tàn phá của thiên nhiên khiến cuộc sống người dân lại khó khăn”, anh Tới tâm sự.

    Chúng tôi theo chân anh Hùng, đội trưởng đội xe của công ty cổ phần Nhẫn – Công ty được quyền khai thác vàng ở đây, ngược dốc lên Mà Sa Phìn, vượt qua Nà Hàm, Nậm Van, Nà Đoong, Phiêng Đoóng, Giàng Dúa Chải, Phù Lá Ngài, Phìn Hồ để vào Mà Sa Phìn. Những con suối trên dọc đường đi vào Mà Sa Phìn giờ đã có thể đi xe qua mà không phải dắt tay nhau bước những bước thật chắc để đi, những con suối vẫn mang màu vàng đục. Có lẽ màu nước như vậy vì chứa cả tỷ hạt vàng sa khoáng quyện với bùn đất, phù sa của miền biên viễn. Dọc đường đi anh Hùng chỉ cho chúng tôi những cột bê tông đang mọc lên phía bên đường, nơi nhìn xuống là vực sâu hun hút. Anh Hùng cho biết, đây là những cột sẽ trở thành rào chắn giúp xe không bị lao xuống vực. “Một năm trước đây, đi ở cung đường này rất hãi. Nó thực sự là cung đường rất khó đi. Nhiều đoạn chúng tôi đi theo cảm tính chứ có thấy đường đâu. Những đoạn cua gấp ở những con đường nhỏ, những dốc cao nằm ngay sát sườn núi... như bài toán khó thách thức ngay cả với các tay lái cừ khôi”, anh Hùng kể. Anh Hùng chỉ tay về phía những chiếc xe đang trên cung đường này và nói: “Em xem, những chiếc xe bao giờ cũng phải chở thêm bao trấu để tới đoạn nào đường trơn, khó đi thì rải trấu đi tiếp. Thậm chí họ phải chở theo những bao tải có trọng lượng 30 – 50kg thồ phía trước giúp xe không bị bốc đầu”.

    Trận lũ quét đi qua cũng “quét” hết “thổ phỉ” ở khu vực bãi vàng Mà Sa Phìn nhưng những tàn dư của trận lũ để lại cho người dân nơi đây không gì đo đếm hết được.

    Ánh mắt lam lũ đầy ám ảnh

    Mà Sa Phìn có gần 50 hộ dân, trong đó 75% là hộ nghèo. Trận lũ quét đã làm hàng chục nhà dân ở thôn Mà Sa Phìn bị hư hỏng. Dọc đường đi, anh Hùng còn chỉ cho chúng tôi những ngôi nhà bị tốc mái ấy, ánh mắt lam lũ của người dân cứ dõi theo xe của đoàn chúng tôi đầy mong mỏi.

    Đường vào Mà Sa Phìn trơ toàn đá hộc trên những dốc dựng đứng.

    Trên này, người dân trồng được nhiều đào, trong rừng có cả táo mèo, nhưng để chín rụng hết, vì đường khó, không mang đi bán được. Lúa, ngô cũng vậy. Trong câu chuyện với những người dân ở xã này, chúng tôi lặng người khi biết xã Nậm Xây có nhiều người nghiện ma túy, tập trung chủ yếu ở Mà Sa Phìn, Phìn Hồ, Phù Lá Ngài. Từ khi “cơn lốc” vàng kéo đến đây, những người đàn ông ở các thôn, bản mang theo khát vọng đổi đời vào bãi vàng, người trở thành phu đào vàng cho các “bưởng vàng tặc”, người gùi hàng thuê vào bãi kiếm tiền. Thế rồi kẻ mãi mãi ở lại trong rừng, kẻ trở về thành “con” nghiện heroin, thân tàn ma dại. Mà Sa Phìn đã nghèo, vì thế lại xác xơ hơn, lúc nào cũng u tịch.

    Chúng tôi đi thăm bản Mông dưới chân núi Mà Sa Phìn. Trước mắt là những ngôi nhà xập xệ, nhiều nhà bị tốc mái đến giờ vẫn phủ bạt dứa xanh, nhìn tả tơi, xơ xác; phía bên trong cũng chỉ có vài ba chiếc bánh giầy, ít thịt lợn... để chuẩn bị cho những ngày Tết cận kề. Căn lều nằm giữa nương ngô bé như cái lều vịt, mái phủ bạt xanh là nơi ở của chị Giàng Thị Sia. Chồng chết, chị Sia phải oằn lưng nuôi 3 con nhỏ mồ côi. Cách nhà chị Sia không xa là nhà của chị Vàng Thị Me, có chồng là Giàng A Dũng cũng chết cách đây 1 năm. Giờ đây, chị Me phải một mình tần tảo rau cháo nuôi 4 con nhỏ ăn học. Nhắc tới “bữa cơm có thịt” khi ngày Tết đã cận kề, chị Me cúi gằm mặt: “Tết này chỉ mong cả nhà đủ ăn là tôi mừng rồi”. Rồi cảnh ngộ của anh Giàng A Pái bị khuyết tật, vợ chết, một mình nuôi con gái nhỏ bị mù lòa; chuyện ông Giàng A Trầu, chân đau, mắt mờ, một mình nuôi con trai mồ côi mẹ... Chỉ bấy nhiêu thôi phận đời cũng đủ làm chúng tôi thấy nhói lòng cho một nơi được coi là rốn vàng của Nậm Xây.

    Thấy chúng tôi tới, những “phu vàng” ở Mà Sa Phìn chỉ nhìn rồi lại lặng lẽ với công việc của mình. Họ, hầu hết đều là những anh chàng người Mông lam lũ và cần mẫn, cả đời chỉ biết tới lao động, kiếm tiền nuôi gia đình. Nhưng những “ám ảnh” của trận lũ quét có lẽ chỉ nguôi ngoai chứ khó có thể phai mờ trong họ.

    Hai bên đường những bông lau nở trắng trời xen lẫn trong những cây đào rừng cũng độ nở bông. Trời Mà Sa Phìn trong xanh, đẹp nhưng cái đẹp mang nét u tịch. Hình ảnh những mế già, em nhỏ quần áo rách rưới cứ choáng ngợp tâm trí tôi. Và đâu đó, lẫn trong cái u tịch của “mảnh đất chết” ấy là tiếng cười của những đứa trẻ đang vô tư nghịch chơi trong cát, hay tắm cạnh tấm biển “khu vực nổ mìn – không phận sự miễn vào”... Tiếng cười như át cả không gian tĩnh lặng, vang xa như một niềm hy vọng vào tương lai tương sáng.

    NGUYỄN HUÊ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xuan-hoi-sinh-o-vung-dat-vang-ma-sa-phin-sau-lu-du-a178564.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan