Những năm qua, các địa phương như TP.HCM, Hà Nội hay Bình Dương, nơi được coi là trung tâm phát triển mạnh về đô thị và bất động sản đã ghi nhận hàng loạt dự án rơi vào cảnh “chết lâm sàng”. Các dự án này bị đình trệ do vướng mắc pháp lý hoặc kết luận thanh tra, kiểm toán, dẫn đến lãng phí nguồn lực và giảm hiệu quả kinh tế.
Thậm chí, có dự án nhà ở ghi nhận đông đảo người dân dọn về ở, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục một phần sai phạm và sẵn sàng minh bạch mọi vấn đề pháp lý về huy động vốn nhưng mòn mỏi xin được “xem xét” lại kết luận thanh tra và tiếp tục triển khai, vận hành.
Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) là một minh chứng rõ ràng nhất cho sự lãng phí nguồn lực khi không thể triển khai. Dự án hơn 400ha này được quy hoạch từ năm 1992, nhưng đến nay vẫn chỉ là vùng đất trống do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà đầu tư.
Hay ồn ào” nhất phải kể đến Dự án khu nhà ở thương mại đường sắt (6,4 ha) do Công ty TNHH Phát triển nhà Xe lửa Dĩ An làm chủ đầu tư được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ Dự án không đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư/đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm Nghị định 71/2010 của Chính phủ.
Đồng thời, Xe lửa Dĩ An đã triển khai dự án từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp gần 220,5 tỷ đồng vào ngân sách, dẫn đến nguy cơ thất thu lớn. Ngoài ra, dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn nhưng công ty đã ký hợp đồng mua bán với khách hàng, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Liên quan tới nội dung nêu trên, Công ty Xe Lửa Dĩ An cho rằng, kết luận của cơ quan thanh tra yêu cầu đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư/đấu giá quyền sử dụng đất là không khả thi và chưa xem xét đến thực trạng, thực tế của dự án khi phần lớn người dân đã sinh sống nhiều năm tại dự án.
Đưa ra hàng loạt các quyết định liên quan của UBND tỉnh Bình Dương cùng các cấp Sở ngành địa phương, Công ty Xe lửa Dĩ An nhấn mạnh việc luôn tuân thủ chấp hành pháp luật, thực hiện đúng trình tự pháp lý để triển khai dự án và đã được chấp thuận của Bộ GTVT, UBND tỉnh và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Đồng thời, hiện phần lớn nhà liên kế thuộc dự án đã hoàn thiện và người dân về an cư.
Bên cạnh đó, Công ty Xe lửa Dĩ An thừa nhận chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính trong sử dụng 6,4ha đất, và vấn đề là hoàn toàn khách quan. Bởi, UBND tỉnh đang phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để rà soát lại các nội dung liên quan đến dự án và chưa có thông báo nộp tiền cho doanh nghiệp.
Thậm chí, Công ty cũng cho biết đã nhiều lần đề nghị nộp số tiền gần 220,5 tỷ đồng để hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Hiện, Công ty cũng mong muốn UBND tỉnh Bình Dương ra thông báo để công ty nộp ngay số tiền này vào ngân sách nhằm “không có nguy cơ thất thu ngân sách” như kết luận của cơ quan thanh tra nêu.
Công ty Xe lửa Dĩ An khẳng định, đến thời điểm hiện nay dự án chưa có thông báo xác định nghĩa vụ tài chính của cơ quan nhà nước, nhưng theo kết luận thanh tra chỉ dựa theo tính toán của đơn vị tư vấn thì tiền sử dụng đất khoảng 220,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, Công ty cho biết đã ngay lập tức gửi công văn kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương cho phép Công ty nộp vào ngân sách số tiền này để tiếp tục triển khai dự án theo đúng trình tự pháp luật. Ngoài ra, để thể hiện sự minh bạch và hợp tác chia sẻ với đối tác, Công ty Xe lửa Dĩ An khẳng định sẵn sàng hỗ trợ thủ tục thanh lý hợp đồng và trả lại tiền theo các điều khoản trong hợp đồng với những nhà đầu tư muốn thanh lý hợp đồng hợp tác.
Tương tự, tại khu nhà ở đường sắt mở rộng (4,8 ha), Công ty Xe lửa Dĩ An bị xác định vi phạm khi huy động vốn trái phép cho 290 nền đất. Dù đã chịu xử phạt hành chính từ UBND tỉnh Bình Dương, dự án vẫn chưa được khắc phục và tiếp tục rơi vào tình trạng “đắp chiếu” nhiều năm qua.
Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua 15 dự án luật và 3 nghị quyết, trong đó có những sắc luật và nghị quyết tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp đến thị trường bất động sản như Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”…
Thống kê sơ bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, có tới gần 1.000 dự án bất động sản trên cả nước gặp vướng mắc pháp lý dẫn đến bị đình trệ, chậm tiến độ…, gây lãng phí nguồn lực rất lớn. Trong khi đó, dự án chậm tiến độ, vốn tồn đọng kéo dài làm tăng chi phí cho chủ đầu tư, từ đó gây áp lực lên giá nhà.
Theo Báo cáo của Đoàn giám sát về kết quả giám sát chuyên đề nói trên, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo rốt ráo các địa phương tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, nhưng quá trình thực hiện hết sức khó khăn vì có thể dẫn tới các rủi ro pháp lý cho cán bộ thực thi. Lý do bởi ranh giới giữa tháo gỡ vướng mắc và hợp thức hóa vi phạm của dự án, của nhà đầu tư rất mong manh.
Để “tháo gỡ” tình trạng này, tháng 10 vừa qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1250/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án (Ban chỉ đạo).
Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, khóa XV, về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Các Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố là để đưa nguồn lực từ các dự án này vào cuộc sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì soạn thảo, dự thảo nghị quyết) phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương tiếp thu, rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết trình Quốc hội.
Đây là bước đi đầu tiên thí điểm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Các địa phương cần tiếp tục rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền các dự án, đất đai có tình trạng tương tự để đề xuất giải pháp xử lý tiếp theo...
Thực tế cho thấy, những dự án “đắp chiếu” không chỉ là gánh nặng kinh tế mà còn làm giảm niềm tin của người dân và nhà đầu tư. Tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, trên cơ sở minh bạch và công bằng, sẽ tạo động lực lớn để phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách và đảm bảo lợi ích lâu dài cho cả doanh nghiệp và xã hội.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề đối với việc thực hiện chính sách và pháp luật liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2015 – 2023.
Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát thị trường bất động sản, nghiên cứu và dự báo để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phát triển bền vững, ngăn chặn thị trường phát triển nóng hoặc đóng băng.
Cùng với đó, tăng cường nguồn cung bất động sản phù hợp với thu nhập người dân, giải quyết các vướng mắc pháp lý của dự án, và đưa giá bất động sản về giá trị thực tế. Đồng thời, cần giải quyết nhanh chóng các dự án gặp khó khăn, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Trước đó, tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về thị trường bất động sản mới đây, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn tỉnh Đồng Nai) cho biết, trong rất nhiều thông báo, kết luận của các cấp bao giờ cũng có một câu "không hợp thức hóa sai phạm", nhưng nếu chỉ nói chung chung và không diễn giải sẽ rất khó thực hiện.
“Sai phạm nào của doanh nghiệp thì chúng ta phải xử lý nhanh, xử lý dứt điểm để doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh, còn những gì thiếu sót của chính quyền thì phải xử lý ngay để cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động”, ông An cho biết.
Bởi thực tế, có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng khắc phục những sai phạm để được tiếp tục triển khai dự án, hoàn thành nghĩa vụ với người mua nhà. Nhất là những khu đô thị đã có đông đảo người dân về sinh sống, cần ưu tiên giải quyết để đảm bảo an cư, thay vì xáo trộn quyền lợi người dân.
Đơn cử như trường hợp của 2 dự án của Công ty Xe lửa Dĩ An, công ty đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh Bình Dương thông báo nghĩa vụ tài chính để hoàn tất nộp số tiền 220,5 tỷ đồng vào ngân sách, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
Trong khi đó, tại dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (6,4ha) đã có hơn 200 căn nhà liên kế đã hoàn thiện và đang phục vụ người dân sinh sống ổn định, việc thu hồi dự án để đấu thầu/đấu giá lại như kiến nghị của cơ quan thanh tra sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân tại đây.
Đối với dự án tại khu đất gần 4,8ha (dự án khu nhà ở đường sắt mở rộng), để thể hiện sự minh bạch và hợp tác chia sẻ với đối tác, ngay sau khi dự án bị dừng hoạt động, Công ty Xe lửa Dĩ An đã thực hiện hoàn trả tiền cho một số nhà đầu tư có nguyện vọng chấm dứt hợp tác.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, đa phần người dân khi đã “xuống tiền” tại dự án thì đều có mong muốn lớn nhất là được nhận nhà. Vì vậy, tháng 10/2024, công ty và đại diện các nhà đầu tư đã họp bàn, thống nhất kiến nghị UBND tỉnh và Bộ GTVT cho phép tiếp tục thực hiện dự án để đảm bảo quyền lợi cho cả doanh nghiệp và người dân.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/chia-khoa-hoi-sinh-cho-hang-loat-du-an-dap-chieu-204241204104556313.htm