(ĐSPL) - TAND tỉnh Bắc Ninh vừa mở phiên toà xét xử 40 bị cáo về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Điều trớ trêu trong vụ án này là đại đa số các bị cáo đều là những người đã đưa tiền cho "cò" để chạy chế độ thương binh cho mình, trong đó có người là thương binh thật, nhưng chưa được làm chế độ. Tất cả họ đều phải đứng trong vành móng ngựa. Thế nhưng, những cán bộ chuyên trách, người có trách nhiệm phải kiểm duyệt hồ sơ, kiểm tra tính xác thực của hồ sơ thì lại vô can trong vụ án này(!?).
Bị cáo Hoàng Văn Lược cùng 40 bị cáo tại tòa. |
Người chủ mưu đã chết
Mới 8h sáng ngày 2/3, 40 bị cáo đã có mặt tại TAND tỉnh Bắc Ninh. Khác xa với những phiên tòa xét xử hình sự, các bị cáo đều bị còng tay, có công an áp tải và bảo vệ nghiêm ngặt. Thế nhưng, trong vụ án này, 40 bị cáo đều có mặt đúng giờ theo quy định của tòa. Không có cán bộ tư pháp, cũng không có công an để áp tải, bởi họ là những người có nhân thân tốt và đã từng tham gia chiến đấu hoặc đứng trong quân ngũ, tất cả đều ở độ tuổi "tóc muối tiêu". Chính vì lẽ đó, tại phiên tòa còn có nhiều giọt nước mắt của các đồng đội khiến những người tham dự không khỏi chạnh lòng đau xót.
Vị đại diện viện Kiểm sát đọc bản luận tội dài 49 trang của 40 bị cáo. Theo đó, Lê Tuấn Nghênh (SN 1952) ở thôn Cửu Yên, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có quen biết từ trong quân ngũ với Lê Đình Thảo (SN 1963) ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên, lúc đó Lê Đình Thảo là ủy viên thường trực hội đồng giám định y khoa, Quân khu 1, bộ Quốc phòng.
Năm 2000, là bác sỹ ở phòng quân y Quân khu 1, Thảo được phân công về Viện quân y 110, thành phố Bắc Ninh để kiểm tra hồ sơ và giám định thương tật cho những người có công với cách mạng (theo Thông tư liên tịch số 16 của bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Do quen biết từ trước, Nghênh đã liên lạc với Thảo nhờ làm giúp chế độ thương binh cho 42 đối tượng (hai đối tượng chưa thực hiện thì bị phát hiện nên tách khỏi vụ án) không đủ điều kiện để hưởng chế độ thương binh (các đối tượng này đều cùng quê với Nghênh, có quan hệ làng xã, họ hàng, có thời gian phục vụ trong quân đội, hiện đang sống tại xã Nguyệt Đức và xã Ngũ Thái). Nghênh biết rõ họ không bị thương hoặc có bị thương nhưng không có giấy tờ chứng minh gồm Trần Văn Nghiệm, Nguyễn Văn Giáp, Hoàng Văn Lược...
Theo cáo trạng, khoảng từ tháng 9/2006 đến tháng 8/2012, tổng số tiền mà 40 đối tượng trên chiếm đoạt của Nhà nước lên đến gần 2,2 tỷ đồng. Ngoài ra, đối tượng Lê Tuấn Nghênh (SN 1952 ở Cửu Yên, Ngũ Thái, Thuận Thành, Bắc Ninh) được xác định là đối tượng "đầu trò", Nghênh còn bị cáo buộc chiếm đoạt 84 triệu đồng của hai đối tượng bị xử lý hành chính. Sau khi vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện, tất cả các đối tượng này đã đến cơ quan CSĐT đầu thú, một số đối tượng đã trả lại khoản tiền trục lợi từ ngân sách Nhà nước.
Tất cả 40 bị cáo trên đã thông qua đối tượng trung gian Lê Tuấn Nghênh để hợp thức hoá hồ sơ bao gồm bệnh án, giấy giám định thương tật giả nhằm trục lợi tiền chế độ của Nhà nước. Trong số này, có cả đối tượng đã là thương binh nhưng vẫn làm hồ sơ giả có thương tật nặng hơn nhằm hưởng mức trợ cấp nhiều hơn. Liên quan đến vụ án này ngoài Lê Đình Thảo (đã chết vì bệnh) còn có 3 đối tượng nguyên cán bộ, bác sỹ Viện quân y 110, trong đó một người cũng đã chết. Hiện hai người còn lại được giao cho Cơ quan Điều tra hình sự Quân khu 1 xem xét giải quyết.
Theo lời khai của đối tượng Lê Tuấn Nghênh, Lê Đình Thảo nói với Nghênh, nếu ai muốn giám định có tỷ lệ thương tật, xếp hạng từ 21\% đến 40\% phải đưa cho Thảo từ 8 đến 10 triệu đồng. Từ 41\% trở lên là từ 10 đến 15 triệu đồng. Nếu ai không có giấy chứng nhận bị thương hoặc giấy ra viện thì Thảo sẽ cấp bán cho với giá 1 triệu đồng/tờ. Sau đó Thảo nói với Nghênh về hướng dẫn các đối tượng khai là bị thương ở đâu, thời gian nào và kèm theo quyết định xuất ngũ. Trong 40 đối tượng này, Nghênh đã thu 176 triệu đồng của 12 đối tượng nhờ làm chế độ thương binh, cụ thể là Hoàng Văn Lược (SN 1942) 10 triệu đồng, Phùng Viết Nhượng 8 triệu đồng... còn đối tượng khác Nghênh làm giúp không thu tiền. Sau một thời gian 40 đối tượng đã được cấp giấy chứng nhận thương binh và nhận trợ cấp thương tật hàng tháng.
Tại phiên tòa, trừ Lê Đình Thảo đã chết, còn lại các bị cáo khác đều là những người đã đưa tiền cho Nghênh để chạy chế độ thương binh cho mình, tất cả họ đều phải đứng trong vành móng ngựa. Về mặt luật pháp, họ đã sai vì biết rõ bản thân không phải là thương binh và tất nhiên họ phải chịu sự phán xét của pháp luật. Thế nhưng, điều khiến dư luận băn khoăn, những cán bộ chuyên trách, người có trách nhiệm phải kiểm duyệt hồ sơ, kiểm tra tính xác thực của hồ sơ thì lại vô can trong vụ án này. Cũng tại phiên tòa, chúng tôi không thấy đưa ra kẻ chủ mưu, người vẽ kịch bản trong vụ án có tới 40 đồng phạm, hay tất cả chỉ đổ tội cho người đã chết đó là bác sỹ Lê Đình Thảo?!
Xót xa giọt nước mắt đồng đội
Ngồi ở hàng ghế những người tham dự phiên tòa, một cụ ông chừng ngoài 70 tuổi, mái tóc đã bạc phơ, ánh mắt buồn rầu. Tôi tiến lại gần ông để hỏi chuyện. Đưa đôi bàn tay chai sần của mình xoa đi xoa lại trên khuôn mặt đã nhăn nhúm bởi thời gian, ông cho biết: "Tôi là Nguyễn Tiến Quỳnh, là đồng chí, đồng đội của bị cáo Hoàng Văn Lược, chúng tôi cùng đơn vị C16- D3, Sư đoàn 3 Sao Vàng. Ông Lược là đại đội phó pháo binh 120, ông ấy là thương binh thật, bị thương năm 1968, bị bắt năm 1969, bị tù đày ở Côn Đảo cùng với vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Sang, năm 1972 được Mỹ trao trả tù binh". Nói đến đây ông bật khóc, trong nấc nghẹn ông kể: "Chỉ vì chưa có đợt khám nên ông ấy nghe người ta nói đưa tiền cho "cò" để làm chế độ cho mình, không ngờ bây giờ phải đứng trước tòa, chúng tôi đau đớn lắm". Dứt lời ông Quỳnh đưa cho tôi tấm ảnh ông và đồng đội chụp cùng vị lãnh đạo này, như một minh chứng cho lời ông nói.
"Tại sao những người như ông Lược là thương binh thật mà cho đến bây giờ vẫn chưa được làm chế độ, để xảy ra sự việc đau lòng như vậy? Ở cái tuổi gần đất xa trời rồi, những người có trách nhiệm tại sao không làm đúng. Tôi đã theo dõi mấy ngày nay và không rời người chỉ huy năm nào của mình”, ông Quỳnh giọng nghẹn lại. Trên khuôn mặt biến sắc của ông Quỳnh, tôi có cảm nhận sự đau đớn tột độ trong người lính già năm xưa, những cử chỉ của ông khiến trái tim tôi như bị ai đó bóp nghẹn và tôi khó diễn tả thành lời". Im lặng trong giây lát, ông Quỳnh tiếp: "Ông Lược là người chỉ huy của chúng tôi, từng là tù Côn Đảo, tổ chức đã báo ông hy sinh, được suy tôn là liệt sỹ. Đến năm 1972, ông ấy được trao trả tù binh, được trở về quê hương. Nếu phải bồi thường thiệt hại chúng tôi sẽ gọi điện cho đồng đội để giúp ông ấy không phải phạt tù mà chỉ khiển trách thôi".
Bản án thấu lý, đạt tình Xét thấy các bị cáo trong vụ án đều có nhân thân tốt, đại đa số đã từng sống và làm việc trong quân ngũ, HĐXX đã cân nhắc và đưa ra khung hình phạt nhẹ hơn so với đề nghị của VKS. Ngày 6/3, HĐXX tuyên án 7 năm tù giam đối với bị cáo Lê Tuấn Nghênh; 30 tháng tù giam đối với bị cáo Nguyễn Đạt Trường; bị cáo Nguyễn Văn Đáp 24 tháng tù giam; bị cáo Lê Sĩ Toại 15 tháng tù giam; các bị cáo còn lại được hưởng án treo |
Lương Liễu - Trần Hải