Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận, cấp cứu cho một bé trai 28 tháng tuổi bị chó cắn gây tổn thương nghiêm trọng vùng mặt, đầu, theo báo Sức Khỏe & Đời Sống.
Cụ thể, ngày 14/12, bệnh nhi N.Đ.N ở tỉnh Cao Bằng được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng hoảng loạn, nhiều vết thương đang chảy máu vùng mặt. Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ cấp cứu cầm máu, giảm đau và băng bó vết thương. Sau đó, bệnh nhi được chuyển phẫu thuật cấp cứu. Sau ca phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi hiện đã ổn định.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết gần đây trường hợp trẻ nhỏ bị chó nhà cắn trở nên phổ biến. Nhiều bệnh nhi bị tổn thương rất nghiêm trọng, thậm chí tử vong sau khi bị chó cắn. Đáng chú ý, các bệnh nhi bị những con chó nuôi trong gia đình hoặc nhà hàng xóm cắn. Đây vốn là những vật nuôi thường ngày hay gần gũi và người nhà thường không đề phòng nhiều với chúng.
Trước bệnh nhi 28 tháng tuổi nói trên, ngày 7/11, bé trai Y.T.B (2 tuổi, ở thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) cũng bị chó cắn tổn thương nặng ở vùng mặt và đầu. Trẻ được đưa đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cấp cứu trong tình trạng sốc mất máu, trên vùng mặt có nhiều vết thương hở, để lộ xương sọ, tổn thương mắt.
Sau đó, bệnh nhi được chuyển đến khoa Gây mê hồi sức để tiến hành phẫu thuật cấp cứu, xử lý vết thương. Sau 11 ngày được các y bác sĩ điều trị tích cực, các vết thương của bệnh nhi đã khô, sức khỏe dần ổn định, báo Dân Trí thông tin.
Anh T. (bố bệnh nhi) chia sẻ, hôm xảy ra sự việc, bé đang chơi gần nhà thì bị một con chó tấn công. Gia đình đưa bệnh nhi đến Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thủy để sơ cứu, do vết thương quá nặng nên bé được chuyển xuống Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cấp cứu.
Theo tờ Tri Thức Trực Tuyến, các bác sĩ khuyến cáo gia đình có trẻ nhỏ nên hạn chế nuôi chó. Nếu nuôi chó thì gia đình cần chích ngừa cho chúng đầy đủ, xích ở nơi xa trẻ em, rọ mõm, đồng thời nhắc nhở trẻ không tiếp xúc đùa giỡn khi chó đang ăn, ngủ.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần cảnh giác với chó nuôi trong mọi trường hợp. Chó càng lớn thì mức độ gây sát thương cho trẻ càng cao. Trong trường hợp trẻ không may bị chó, mèo cắn, người thân nên rửa vết thương với nước sạch, sau đó sử dụng gạc hoặc vài sạch băng lại và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.
Đinh Kim(T/h)