(ĐSPL) - Hoà bình đã trở lại gần 40 năm nhưng những người dân ở miền quê nghèo ven biển Thăng Bình - Quảng Nam vẫn thấy nỗi đau chiến tranh luôn hiện hữu khi chứng kiến cảnh vợ chồng ông Thiệt, bà Cẩm nuôi sáu người con tâm thần do di chứng của chiến tranh mà chúng được "thừa kế" từ người cha. Đôi vợ chồng già, người bệnh tật, người thương tật hàng ngày vẫn đang oằn lưng để kiếm từng tô cháo, bát cơm cho bầy con ngây dại.
Tai họa chồng lên tai họa
Những ngày giữa tháng 4/2014, chúng tôi tìm về nhà ông Trần Văn Thiệt (SN 1954) và vợ là bà Xa Thị Cẩm (SN 1961, ngụ tổ 2, thôn Phước An, xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) khi trời đã đứng bóng.
Trong căn nhà nhỏ trống hoác, chẳng đồ vật nào có trị giá nổi 500 ngàn đồng, chỉ có mấy "đứa trẻ" đang ngồi với nhau, rồi bật cười hềnh hệch khi thấy người lạ.
Thấy nhà có khách, bà Cẩm từ dưới bếp vội đi lên, mặt còn lem nhem than bếp. Mời chúng tôi vào nhà, nhưng tìm mãi không thấy gói chè mà chồng giấu vì sợ các con phá, nên bà đành mời chúng tôi uống tạm nước trắng.
Căn nhà nhỏ chưa đầy 30m2 mà vợ chồng bà cùng sáu đứa con đang ở là món quà của một nhà hảo tâm ở TP.HCM xây tặng từ năm 2009.
Có nhà nhưng ông bà vẫn thuộc dạng đội sổ nghèo trong xóm nghèo này. Không nghèo sao được khi ở cái mảnh đất cát trắng khô cằn không trồng nổi loại cây gì này, mọi người chỉ biết trông chờ vào biển.
Thế nhưng sức khỏe ông lại yếu, không thể đi biển thường xuyên nên chủ yếu chỉ làm các công việc nhẹ nhàng ở gần nhà. Trong khi đó, hai vợ chồng ông phải gồng gánh nuôi một lúc sáu đứa con bị bệnh tâm thần, lúc nào cũng cần có người ở bên cạnh chăm sóc. Mọi chi tiêu trong gia đình đều dựa vào khoản thu nhập ít ỏi mà ông mang về.
|
Căn nhà của đôi vợ chồng và 6 đứa con tâm thần.
|
Trong giây phút hiếm hoi được thảnh thơi nhấp chén trà, ông Thiệt cho biết, thời trẻ cũng giống như các thanh niên cùng lứa khác ở đây, ông xung phong lên đường đi bộ đội. Hết tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông lại đi làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Pôn Pốt rồi lăn lộn ở chiến trường biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Trong những ngày chiến đấu ở nước bạn, không may ông bị trúng đạn, được đưa về tuyến sau điều trị. Không lâu sau đó ông được cho xuất ngũ trở về địa phương với thương tật vĩnh viễn 31\%. Trở về nhà với cái "mác" thương binh, ông được rất nhiều cô gái để ý, nhưng ông chỉ một mực chú ý tới "con bé" Cẩm hiền lành, nết na ở nhà bên.
Một đám cưới đơn giản với vài mâm cơm vừa để trình báo với tổ tiên hai bên gia đình, vừa là để mời bà con lối xóm đến chung vui. Sáu đứa con bụ bẫm lần lượt ra đời trong sự mong chờ, háo hức của vợ chồng ông. Thế nhưng đáp lại là sự thất vọng đến tột độ, khi cả năm đứa con của ông bà đều có đầu óc không bình thường.
Cách đây chín năm, khi thấy năm người con bị bệnh như vậy, ông đưa các con đi khám ở bệnh viện Đa khoa Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam). Tại đây, ông đau đớn khi được các bác sỹ cho biết, bản thân ông bị nhiễm chất độc da cam từ chiến tranh không thể chữa trị, nên các con ông mới có những di chứng như vậy.
Chỉ duy nhất cô con gái thứ năm, Trần Thanh Tuyền may mắn hơn các chị em của mình, có thể đi học. Tuy nhiên, gần một tháng nay, cô nữ sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Thái Bình này cũng phải nghỉ học ở nhà vì có dấu hiệu ban đầu của bệnh thần kinh.
|
Bà Cẩm luôn phải đề phòng cậu con trai út đập phá đồ đạc. |
Bao nhiêu lần hy vọng là bấy nhiêu lần thất vọng
Trong sáu người con của ông Thiệt, thì bi đát hơn cả là số phận của em T.T.H., khi cách đây không lâu trong một lần bỏ trốn khỏi nhà, em đã bị những con yêu râu xanh hãm hiếp đến mức mang thai. Cả gia đình không biết tác giả của cái thai đó là ai.
Và đứng trước hoàn cảnh quá khó khăn, phải chạy ăn từng bữa, nên dù rất muốn tự tay chăm sóc cho đứa cháu ngoại do con gái mình rứt ruột đẻ ra song ông bà vẫn đành phải nuốt nước mắt vào trong đưa đứa cháu ngoại còn đỏ hỏn vào cô nhi viện. Bằng cách đó ông bà hy vọng cháu sẽ có được cuộc sống tốt hơn.
Tâm sự với chúng tôi, ông Thiệt cho biết: "Sinh con ra với mong ước sau này con đỡ đần thêm bố mẹ lúc tuổi xế chiều. Thế nhưng oan nghiệt thay đứa nào sinh ra cũng mang bệnh tật".
Suốt hơn 30 năm qua, kể từ khi biết các con mang trên người căn bệnh mà ông bà vẫn hay gọi tránh là bệnh "lạ" ấy, ông bà chạy vạy, cầu cứu khắp nơi cứu chữa cho các con. Thấy ai chỉ ở nơi nào có thầy chữa bệnh hay ông bà đều đưa con đến, dù chỉ với tia hi vọng nhỏ nhoi nhất.
Thế nhưng bấy nhiêu lần hy vọng là bấy nhiêu lần ông bà thất vọng trở về. ông bà tự an ủi rằng đó là cái kiếp nạn, mà kiếp này ông bà phải gánh nên gắng bám víu nhau mà sống. Thế nhưng, những lúc nhìn thấy đám trẻ con trong xóm khỏe mạnh tung tăng vui đùa, những giọt lệ trên đôi mắt bà Cẩm chỉ chực trào ra khi nghĩ về đàn con bệnh tật của mình.
Bà Cẩm mắc bệnh rối loạn tĩnh mạch, viêm xoang nhưng dẫu vậy vẫn phải cố gắng luôn túc trực chăm sóc cho những đứa con bệnh tật của mình. Đặc biệt là cậu con trai út. Do di chứng của bệnh bại não từ nhỏ nên cậu bé luôn trong tình trạng chân tay co rút, chậm phát triển, thần kinh không ổn định khiến bà thường xuyên phải canh chừng đề phòng cậu đập phá đồ đạc trong nhà.
Còn ông Thiệt thấy vợ vất vả nên dù sức yếu vẫn cặm cụi mưu sinh. Đã bước qua cái tuổi 60, thế nhưng hàng ngày ông vẫn phải cặm cụi vào bếp khi thì đun nước, lúc thổi nồi cơm cho các con. ông thường tự tay bón từng thìa cháo cho con, thậm chí "cắp" từng đứa ra ngoài thành giếng tắm cho chúng, dù cho những đứa con ấy đã bước qua tuổi 30.
Mơ ước của đôi vợ chồng già suốt một đời vất vả ấy là có tiền để đưa đứa con gái đi chữa trị căn bệnh mà con đang mắc phải để có thể theo đuổi giấc mơ dở dang với những con chữ. Bởi "Nó có học thành tài, thì mới có thể nuôi sống được bản thân rồi thoát khỏi kiếp nghèo đang đày đọa chúng tôi. Sau này khi hai thân già này nằm xuống nó còn lo cho các anh chị em của mình", bà Cẩm nghẹn ngào.
Hướng đôi mắt về phía đứa con gái đang ngồi thẫn thờ trước hiên nhà: "Ngày còn tỉnh táo cái Tuyền cũng như các chị em của mình đều dậy từ bốn năm giờ sáng giúp mẹ dọn nhà, rồi nhịn đói đạp xe vượt hơn 20 cây số đến trường". Nói đến đó, khuôn mặt người mẹ chịu nhiều đau khổ ấy trở nên méo mó, nước mắt chực trào ra.
Khi chia tay họ, chúng tôi không dám nhìn thẳng vào đôi mắt của tám con người đang hiu hắt sống trong căn nhà tuềnh toàng nơi cuối xóm kia. Bởi chúng tôi không biết ông bà cũng như căn nhà tuềnh toàng ấy, sẽ gồng mình chống chọi được bao nhiêu mùa mưa bão nữa. Ra về mà lòng nặng trĩu câu hỏi không biết tương lai của những người con đang sống sẽ ra sao khi vợ chồng ông Thiệt không còn đủ sức lo cho các con nữa. Tương lai nào sẽ chờ gia đình ông Thiệt ở phía trước, khi những người con của ông bà đang phiêu bồng ở một thế giới riêng của họ?
Gia đình nghèo nhất xã Trao đổi với PV, ông Hồ Thanh Tư, Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết: "Gia đình ông Thiệt thuộc dạng nghèo nhất xã Bình Hải, liên tục nhiều năm nằm ở cuối sổ nghèo của xã. Hiện nay, theo chính sách chung của Nhà nước dành cho người khuyết tật, thì năm đứa con của ông được trợ cấp 270.000 đồng một tháng. Ngoài các chính sách của cấp trên, do điều kiện còn nhiều khó khăn, nên địa phương chỉ có thể ưu tiên cho gia đình ông được nhận các phần quà dành cho các hộ gia đình thuộc diện chính sách ở địa phương". |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xot-thuong-canh-doi-vo-chong-gia-nuoi-sau-con-bi-tam-than-a29700.html