Vẫn giữ "ngôi vương" dù xét tuyển bổ sung
Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng hơn 100 trường đại học công bố điểm sàn xét tuyển bổ sung đợt 2 năm 2024. Mức điểm sàn các trường đưa ra dao động từ 15 - 28,58 điểm. Trong đó, 1 số trường thông báo xét tuyển bổ sung ngành sư phạm. Điểm sàn nhóm ngành này ở mức rất cao, lên tới 28,58 điểm.
Nổi bật trong số đó có thể kể đến Trường Đại học Hồng Đức, trường này xét tuyển bổ sung các ngành đào tạo lĩnh vực sư phạm, theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm sàn nhận hồ sơ các ngành từ 24,87 - 28,58 điểm.
Mức điểm sàn cao nhất thuộc về ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý. Chi tiết điểm sàn xét tuyển bổ sung Trường Đại học Hồng Đức năm 2024 TẠI ĐÂY.
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế tuyển bổ sung 110 chỉ tiêu bằng 3 phương thức xét điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực.
Theo đó, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường tuyển 68 chỉ tiêu, điểm sàn dao động từ 19 - 27,37 điểm. Ngành Sư phạm Công nghệ có điểm sàn thấp nhất; ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý có điểm sàn cao nhất.
Trường Đại học Quảng Nam, điểm sàn các ngành sư phạm cũng khá cao, như Sư phạm ngữ văn 25,74 điểm, Sư phạm vật lý 23,5 điểm. Phương thức xét tuyển là điểm thi tốt nghiệp THPT (tổ hợp 3 môn).
Tương tự tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng, ngành Sư phạm văn có điểm sàn xét tuyển bổ sung 26,6 điểm, Giáo dục tiểu học 25,7 điểm, Sư phạm tiếng Anh 24,5 điểm, Sư phạm toán 24,4 điểm...
Trường Đại học Tây Nguyên cũng xét tuyển bổ sung hàng loạt ngành sư phạm với điểm sàn xét tuyển từ 25,32 - 26,62 điểm.
Trường Đại học Bạc Liêu cũng xét tuyển bổ sung ngành Giáo dục Tiểu học và Ngành Cao đẳng giáo dục mầm non.
Đối với ngành đại học Giáo dục Tiểu học, thí sinh cần đạt điểm thi tốt nghiệp THPT (tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển) từ 26,2 điểm trở lên (kể cả điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng).
Đối với ngành cao đẳng Giáo dục Mầm non, thí sinh cần đạt điểm thi tốt nghiệp THPT (tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển) từ 20,7 điểm trở lên (kể cả điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng); Điểm thi năng khiếu phải đạt từ 5,0 điểm trở lên.
Trước đó, tờ Đại đoàn kết dẫn lời Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thông tin, số lượng nguyện vọng xét tuyển vào khối ngành sư phạm năm nay tăng 85% so với năm 2023. Sự quan tâm của các em đối với ngành sư phạm một phần quan trọng nhờ chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí theo Nghị định 116 nên số lượng nguyện vọng tăng vọt.
Có thể thấy rằng, chưa năm nào việc tuyển sinh của ngành sư phạm lại khởi sắc như năm nay, khi điểm chuẩn trúng tuyển ở mức cao so với nhiều ngành đào tạo khác. Tuy nhiên, đây cũng không phải là điều quá bất ngờ do đã được nhiều trường dự báo từ sớm.
Trong dòng chảy chung là phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của nhiều khối thi năm nay tăng cao trong khi chỉ tiêu xét tuyển lại giảm so với năm ngoái nên điểm chuẩn ngành sư phạm sẽ nhích lên so với những năm trước.
Lưu ý khi xét tuyển bổ sung năm 2024
Liên quan đến những lưu ý cho thí sinh khi xét tuyển bổ sung năm 2024, báo Tuổi trẻ Online dẫn lời ThS Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng phòng đào tạo và công tác sinh viên, Trường Đại học Hùng Vương lưu ý thí sinh khi tham gia xét tuyển bổ sung vẫn phải dựa trên nguyên tắc chọn ngành là những ngành phù hợp với năng lực và đam mê.
Không nên "chọn đại" một ngành nào đó chỉ vì muốn được tiếng đã trúng tuyển đại học.
"Cũng không nên chọn ngành theo số đông, theo bạn bè, mà ngành học nên thật sự là ngành bạn muốn học và thích học", bà Bình nói.
ThS Nguyễn Thị Mai Bình cho biết thêm dự kiến chỉ tiêu xét tuyển bổ sung của trường sẽ trên 656. Trường sẽ tuyển bổ sung cho 13 ngành học bằng ba phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ lớp 12 và xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM. Điểm chuẩn đợt bổ sung dự kiến sẽ tương đương với điểm chuẩn xét tuyển đợt 1.
Tương tự, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM thông tin đến thời điểm này, số thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống của trường đạt khoảng 80%.
Ông nhìn nhận thực tế cho thấy có nhiều thí sinh nằm trong danh sách trúng tuyển nhưng từ chối nhập học. Số lượng thí sinh chọn hướng đi khác này có thể vì đi du học, hoặc các bạn trúng tuyển những ngành không phải ngành mình mong muốn, hoặc có thể đi học cao đẳng.
"Con số 20% từ chối nhập học cũng là số lượng lớn. Mặc dù các trường đã thực hiện tốt công tác lọc ảo, tư vấn tuyển sinh nhưng thực tế nhiều em vẫn từ chối nhập học vì chưa vào được ngành mình mong muốn", ông Nhân nói.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, điểm tuyển sinh bổ sung của trường không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước. Do đó, thí sinh cần lưu ý nguyên tắc này để cân nhắc và có sự lựa chọn phù hợp, bảo đảm cơ hội trúng tuyển vào trường mình mong muốn.
Lưu ý tiếp theo, thí sinh cần lưu ý, nếu thí sinh đã trúng tuyển và đã xác nhận nhập học đợt 1 thì không được xét tuyển bổ sung, trừ các trường hợp được thủ trưởng cơ sở đào tạo cho phép không nhập học.
Trường hợp thí sinh chưa trúng tuyển hoặc đã trúng tuyển nhưng chưa xác nhận nhập học vào trường nào thì có thể đăng ký tham gia xét tuyển các đợt bổ sung theo kế hoạch và hướng dẫn của cơ sở đào tạo.
Về thời gian đăng ký xét tuyển bổ sung, thông thường, sẽ kéo dài đến hết tháng 12. Tuy nhiên, thời gian xét tuyển bổ sung và các điều kiện xét tuyển của mỗi trường là khác nhau, thí sinh phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng ký xét tuyển.
Sau khi kết thúc mỗi đợt xét tuyển bổ sung, các trường sẽ công bố điểm trúng tuyển và các điều kiện, tiêu chí phụ (nếu có) trên trang thông tin điện tử của trường. Thí sinh xác nhận và làm thủ tục nhập học theo quy định của các cơ sở đào tạo.