+Aa-
    Zalo

    Choáng váng điểm xét tuyển bố sung ngành Sư phạm: 9,5 điểm/môn vẫn có thể trượt

    (ĐS&PL) - Hàng loạt trường đào tạo ngành Sư phạm vừa công bố điểm xét tuyển bổ sung, mức điểm cao nhất lên đến gần 29 điểm.

    Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng hơn 100 cơ sở đào tạo đại học thông báo tuyển sinh bổ sung với hàng ngàn chỉ tiêu. Các phương thức tuyển bổ sung khá đa dạng, như xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, xét kết quả học bạ, sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM,…

    Có thể thấy, mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển đều ở mức trung bình, chủ yếu từ 15 - 18 điểm, theo tổ hợp 3 môn xét tuyển. Đáng chú ý, có những ngành học nhận xét tuyển bổ sung với mức điểm sàn rất cao, trên 24 điểm, thậm chí trên 27, 28,58 điểm mà chỉ có rất ít chỉ tiêu.

    Với mức điểm này, thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024 phải đạt ít nhất từ trên 9 điểm/môn mới có thể đăng ký xét tuyển bổ sung.

    Cả nước có khoảng hơn 100 cơ sở đào tạo đại học thông báo tuyển sinh bổ sung với hàng ngàn chỉ tiêu. Ảnh: Tuổi Trẻ Online

    Cả nước có khoảng hơn 100 cơ sở đào tạo đại học thông báo tuyển sinh bổ sung với hàng ngàn chỉ tiêu. Ảnh: Tuổi Trẻ Online 

    Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) xét tuyển bổ sung 31 ngành học, trong đó có 6 ngành Sư phạm.

    Đáng chú ý, ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý có điểm sàn xét tuyển lên đến 28,58 điểm với vỏn vẹn 2 chỉ tiêu. Một số ngành Sư phạm khác của trường này cũng có điểm sàn xét tuyển bổ sung rất cao như ngành Giáo dục tiểu học 28,42 điểm; ngành Sư phạm toán 26,28 điểm; ngành Giáo dục mầm non 26,2 điểm; ngành Sư phạm khoa học tự nhiên 25,75 điểm.

    Ở chiều ngược lại, các ngành ngoài Sư phạm có điểm sàn xét tuyển chỉ từ 15-16 điểm. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển đến ngày 9/9.

    Nhiều ngành sư phạm tại Trường Đại học Hồng Đức xét tuyển bổ sung đợt 2 với điểm sàn được đánh giá là rất cao. Ảnh: Công Thương

    Nhiều ngành sư phạm tại Trường Đại học Hồng Đức xét tuyển bổ sung đợt 2 với điểm sàn được đánh giá là rất cao. Ảnh: Công Thương

    Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) cũng xét tuyển bổ sung 3 ngành Sư phạm, thời gian nhận hồ sơ đến 17 giờ ngày 9/9. Trong đó ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý có điểm nhận hồ sơ dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT từ mức 27,37; điểm học bạ THPT từ 26,8.

    Trường Đại học Quảng Nam, điểm sàn các ngành sư phạm cũng khá cao, như Sư phạm Ngữ văn 25,74 điểm, Sư phạm Vật lý 23,5 điểm.

    Tương tự tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng, ngành Sư phạm Ngữ văn có điểm sàn xét tuyển bổ sung 26,6 điểm, Giáo dục Tiểu học 25,7 điểm, Sư phạm Tiếng Anh 24,5 điểm, Sư phạm Toán 24,4 điểm...

    Trường Đại học Tây Nguyên cũng xét tuyển bổ sung hàng loạt ngành sư phạm với điểm sàn xét tuyển từ 25,32 - 26,62 điểm.

    Ở khu vực phía Bắc, hầu như toàn bộ ngành sư phạm của Trường Đại học Tây Bắc có điểm chuẩn đợt 1 mỗi môn 9 điểm vẫn rớt nhưng tiếp tục xét tuyển bổ sung. Trong đó, ngành Sư phạm Văn có điển sàn xét tuyển 28,11 điểm, Sư phạm Lịch sử 28 điểm, Sư phạm Địa lý 27,96 điểm, Giáo dục Chính trị 27,78 điểm, Giáo dục Tiểu học 27,5 điểm.

    Các ngành sư phạm còn lại như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Tin học có điểm sàn xét tuyển từ 23,16 - 25,57 điểm.

    Choáng váng điểm xét tuyển bố sung ngành Sư phạm: 9,5 điểm/môn vẫn có thể trượt - 3

     

    Trường Đại học Tây Bắc tuyển bổ sung hàng loạt ngành Sư phạm. Ảnh: VTC News

    Trường Đại học Tây Bắc tuyển bổ sung hàng loạt ngành Sư phạm. Ảnh: VTC News 

    Tại Trường Đại học Quy Nhơn, điểm chuẩn xét tuyển bổ sung được nhà trường công bố, tăng mạnh nhất là ngành Quản lý đất đai có điểm chuẩn bổ sung 24,5 điểm, tăng 9,5 điểm so với mức 15 điểm ở đợt 1. Một số ngành khác cũng có điểm chuẩn tăng đáng kể như: Kế toán tăng 7 điểm, Quản lý tài nguyên và môi trường tăng 7,5 điểm, Kỹ thuật điện tăng 7,75 điểm, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa tăng 7,25 điểm, Nông học tăng 7 điểm. Các ngành còn lại tăng từ 2 - 5,5 điểm.

    Năm 2024, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học là hơn 733.000 thí sinh, trong đó 673.586 thí sinh trúng tuyển trên hệ thống đợt 1. Như vậy 122.107 thí sinh không xác nhận nhập học, chiếm 18,13% tổng số thí sinh trúng tuyển đợt 1.

    Theo Bộ GD&ĐT, thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 hoặc đã trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học, có thể đăng ký tuyển bổ sung. Bộ GD&ĐT quy định, điểm tuyển sinh bổ sung của trường không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước. Do đó, thí sinh cần lưu ý nguyên tắc này để cân nhắc và có sự lựa chọn phù hợp, bảo đảm cơ hội trúng tuyển vào trường mình mong muốn.

    Lưu ý, nếu thí sinh đã trúng tuyển và đã xác nhận nhập học đợt 1 thì không được xét tuyển bổ sung, trừ các trường hợp được thủ trưởng cơ sở đào tạo cho phép không nhập học. Trường hợp thí sinh chưa trúng tuyển hoặc đã trúng tuyển nhưng chưa xác nhận nhập học vào trường nào thì có thể đăng ký tham gia xét tuyển các đợt bổ sung theo kế hoạch và hướng dẫn của cơ sở đào tạo.

    Về thời gian đăng ký xét tuyển bổ sung, thông thường sẽ kéo dài đến hết tháng 12. Tuy nhiên, thời gian và điều kiện xét tuyển của mỗi trường là khác nhau, thí sinh phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng ký xét tuyển.

    Sau khi kết thúc mỗi đợt xét tuyển bổ sung, các trường sẽ công bố điểm trúng tuyển và các điều kiện, tiêu chí phụ (nếu có) trên trang thông tin điện tử của trường. Thí sinh xác nhận và làm thủ tục nhập học theo quy định của các cơ sở đào tạo.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/choang-vang-iem-xet-tuyen-bo-sung-nganh-su-pham-9-5-iem-mon-van-co-the-truot-a461969.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan