+Aa-
    Zalo

    Xe buýt nhanh BRT gây ùn tắc cục bộ, cần mạnh tay "khai tử"?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - BRT là một giải pháp giao thông công cộng để giảm ách tắc cho TP.Hà Nội, nhưng lại đặt trước một thách thức là chạy trên trục đường hẹp....

    Bản chất của xe buýt nhanh (BRT) là để giảm thiểu ùn tắc và giảm tải giao thông cho TP.Hà Nội, tuy nhiên khi đưa vào hoạt động, việc cấm các phương tiện khác là điều gây nhiều tranh cãi và bất cập. BRT vẫn thênh thang một làn riêng trong khi các phương tiện khác chen chúc như trong “ma trận”.

    Giải pháp giảm ách tắc lại gây ùn tắc cục bộ

    BRT là một giải pháp giao thông công cộng để giảm ách tắc cho TP.Hà Nội, nhưng lại đặt trước một thách thức là chạy trên trục đường hẹp, với giao thông hỗn hợp, mật độ phương tiện cao, thường xuyên bị ùn tắc giao thông.

    Không ít người dân bày tỏ sự nghi ngại: “Cấm các phương tiện khác để cho xe buýt chạy nhanh thì nói làm gì. Thế thì xe buýt cũ cũng thành buýt nhanh…”; “Cấm các phương tiện khác để dành đường cho buýt nhanh thì vô hình trung lại đẩy cái tắc ra chỗ khác. Vậy có cần buýt nhanh không?”; “Cấm xe máy đường Tố Hữu thì đường Nguyễn Trãi sẽ thành nỗi khiếp sợ của dân Hà Nội”…

    Cấm ở đây phương tiện sẽ phải đổ sang chỗ khác, sẽ gây ùn tắc cục bộ ở các tuyến đường này. Hiện nay phương tiện di chuyển chính của người dân vẫn là xe máy. Cấm xe máy để nhường đường cho xe buýt sẽ gây ra rất nhiều phiền hà, làm xáo trộn cuộc sống của người dân đi lại trên trục đường đó.

    Với mật độ, tỷ lệ xe buýt nhanh đi lại chưa lớn, trong lúc đường giao thông vốn chật hẹp, nhưng vẫn dành riêng cho xe buýt một làn riêng là một sự lãng phí về không gian đang là một thực tế cần nhìn nhận để điều chỉnh. Và chủ trương thí điểm cho xe buýt thường chạy chung làn với buýt nhanh BRT cũng cần được đặt ra.

    Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, ngày 9/11, tuyến đường Lê Văn Lương và Tố Hữu, trở thành một “ma trận” chồng chéo, tắc nghẽn trầm trọng, đặc biệt giờ cao điểm (7h-8h và 17h-19h) người và xe tràn lên cả vỉa hè.

    Chủ nhà hàng Mạnh Hoạch trên đường Tố Hữu bày tỏ: “Tôi cũng bức xúc như những người dân khác thôi. Quán nhà tôi ở ngay đây, trước hồi năm 2015 đường không tắc như này đâu, từ 2017 bắt đầu mới tắc như vậy. Đường cứ tắc như này làm sao mà người dân lưu thông được. Việc để BRT chạy một mình một làn đường là quá độc quyền và quá hoang phí, chở có vài chục người trên một chiếc xe mà chiếm riêng một làn đường. Các ngõ sang đường bị bịt hết rồi làm gì có lối sang đâu, có lúc đi cả cây số mới tìm được lối rẽ sang, làm sao mà chả tắc, nó ứ đọng chứ sao nữa”.

    Nhà chờ BRT Hoàng Đạo Thuý.

    Anh Lương Hải, một sinh viên thường xuyên lưu thông trên tuyến đường này cũng cảm thấy khó chịu: “Mình ngày nào cũng đi học và đi làm thêm qua tuyến đường này, cứ về tầm này (tầm 18h - PV) thì phải mất khoảng tiếng, tiếng rưỡi mới về tới nhà. Làn cho BRT giờ đã chiếm hết 1/3 lòng đường, 2 phần còn lại hầu như chỉ dành cho ô tô đi, mình cảm tưởng vỉa hè mới chính là làn đường dành cho xe máy”.

    Anh Nguyễn Thắng ngày nào cũng di chuyển trên đoạn đường này, chia sẻ: “Ngày nào đường này cũng tắc, đường ở đây tắc không có từ nào để diễn tả được, thực sự là kinh khủng luôn. Từ lúc có BRT rất bất tiện cho người đi đường”.

    Anh Đình Văn, một người dân sinh sống trên đường Tố Hữu cho biết: “Từ ngày có BRT, nhiều đoạn rẽ ngã ba, ngã tư đã bị chặn lại, khiến người dân phải tràn lên theo dọc đường cả cây số mới tìm được điểm quay đầu, thế nên mới tắc nghẽn. Thậm chí, buổi sáng, để tiết kiệm thời gian tìm chỗ quay đầu xe, nhiều người tự nguyện dắt xe ngược chiều trên vỉa hè suốt một đoạn khá dài”.

    Lãng phí, thiếu hiệu quả, cần mạnh tay "khai tử"

    Ông Trịnh Văn Thẩm (nhân viên bảo vệ một ngân hàng khu vực Lê Văn Lương) cho biết: “Xe buýt nhanh chỉ phát huy ở một số khung giờ thôi, các giờ khác thì xe buýt cũng vắng, chưa được một nửa. Từ lúc có làn BRT, đường quá tắc, người ta lao cả lên hè, mật độ tham gia giao thông quá lớn.

    Một số đoạn dân cư đông thì không có cầu đi bộ, người dân băng qua đường rất nguy hiểm, chỗ dân cư thưa thớt, xây cầu đi bộ, cứ khoảng 200m lại có 1 nhà chờ, rất bất hợp lý.

    Tôi nghĩ, đã hoạt động không hiệu quả thì nên mạnh tay khai tử, nhường lại mặt bằng cho các phương tiện giao thông khác”.

    Ông Trần Trọng Hùng (nhân viên bảo vệ một chung cư ven tuyến đường Lê Văn Lương) bảy tỏ: “Làm đường BRT này là thành “phá sản”, từ hồi có làn riêng này, đường hay tắc hơn, mà quá lãng phí. Loa đài vẫn kêu phạt xe máy đi vào làn BRT suốt. Bây giờ mà loại bỏ BRT, bỏ giới hạn làn ưu tiên, cho phép tất cả các phương tiện đi chung thì tôi sẽ ủng hộ hoàn toàn”.

    Ông Phạm Vũ, một nhân viên xe ôm công nghệ Grab cũng cho rằng: “Tuyến BRT tồn tại không hợp lý, nếu theo luật mà các phương tiện không được vào thì quá lãng phí, trong khi đó, đường thì tắc suốt luôn. Tầm 9h đến trưa, chỉ lèo tèo 1 vài khách, đã 1 mình 1 làn đường đã chiếm 1/3 lòng đường, mà đường tại đây lại chưa được rộng lắm, xe lại chỉ chạy có 1 lối thẳng, không “liên hoàn”, gây nhiều bất cập. Giờ mà loại bỏ được con đường “độc quyền” dành cho BRT thì tốt quá”.

    Theo chị Đồng Thị Vân Hồng (KĐT Trung Hòa - Nhân Chính), nên loại bỏ quyền ưu tiên của BRT và cho xe buýt thường đi chung làn. Đoạn đường Lê Văn Lương này thường tắc từ tầm 17h - 19h, từ ngày tuyến BRT hoạt động, tắc nhiều, giờ cao điểm, chạy xe từ đây (nhà chờ BRT Hoàng Đạo Thúy - PV) lên Khuất Duy Tiến phải lâu mất cả tiếng”.

    Chị Huyền (Hà Đông) cho biết: “Mình thấy tuyến BRT khá bất tiện, khi tắc đường cũng bị tắc theo, vì các phương tiện lấn làn. Xây dựng BRT cho lợi ích tương lai nhưng bây giờ lợi ích cá nhân cao hơn nên không đồng bộ với nhau, tuyến BRT vẫn phát triển kém. Theo cá nhân mình, nên bỏ luôn tuyến BRT này để mở rộng hơn”.

    Tuyến buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa được Hà Nội khởi công đầu năm 2013. Lộ trình: Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã. Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14km, mất khoảng 30 phút, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay. Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện… là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới.

    Thủy Tiên- Hữu Thắng

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xe-buyt-nhanh-brt-gay-un-tac-cuc-bo-can-manh-tay-khai-tu-a251017.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ô tô và xe máy được đi vào làn BRT?

    Ô tô và xe máy được đi vào làn BRT?

    Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) vừa đề xuất TP Hà Nội cho phép các tuyến bus thường, ô tô, xe máy được đi vào làn bus nhanh BRT.