+Aa-
    Zalo

    Xây tháp truyền hình: Có thể vay vốn nước ngoài?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho hay, đang tính đến khả năng vay vốn nước ngoài để đầu tư xây tháp truyền hình cao nhất thế giới.

    (ĐSPL) - Trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho hay, đang tính đến khả năng vay vốn nước ngoài để đầu tư xây tháp truyền hình cao nhất thế giới.
    Dẫn nguồn trên Dân trí, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 1/4, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đang tính đến khả năng vay vốn nước ngoài để đầu tư xây tháp truyền hình cao nhất thế giới (636m).
    Chủ trương hợp tác đầu tư xây dựng dự án Tháp Truyền hình Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thông qua.

    Tháp truyền hình Tokyo Sky Tree cao 634m.


    Thủ tướng đồng ý cho VTV phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lập công ty cổ phần để tham gia đầu tư Dự án Tháp Truyền hình Việt Nam, sau khi đã làm rõ hiệu quả của dự án. VTV lựa chọn thêm đối tác là doanh nghiệp tư nhân có năng lực về tài chính và kinh doanh góp vốn tham gia công ty cổ phần để khai thác kinh doanh dịch vụ khi dự án đi vào hoạt động.
    Trước đó, Ngày 10/3 vừa qua, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và đại diện các cơ quan gồm Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tập đoàn BRG và ngân hàng SeaBank đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tháp truyền hình Việt Nam.
    Tuy nhiên, dự án này đang nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ dư luân.
    Trả lời PV Tuổi trẻ về dự án "biểu tượng" này, nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng, xây tháp là vụ đầu tư chắc chắn có lợi, mà lợi to thì mới nên làm. Nếu không chắc thì không nên, vì nó tốn kém và không phải là thứ không có thì ảnh hưởng đến sự phát triển của truyền hình.
    Trước câu hỏi có nên xây tháp truyền hình nếu chỉ có ý nghĩa biểu tượng, ông Trần Đăng Tuấn bày tỏ, khi xây tháp truyền hình vấn đề cần được tính tới là lợi ích kinh doanh, chứ không phải là ý nghĩa biểu tượng.
    Trả lời thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, dự án này không đơn thuần chỉ là một trụ tháp để dùng riêng cho truyền hình mà còn là “điểm nhấn của đô thị, là trung tâm thu hút du lịch, du khách, tạo nên sự lan tỏa về kinh tế dịch vụ cho khu vực xung quanh”. Hơn hết, với nhiều nước, tháp truyền hình còn là biểu tượng của đất nước. Do vậy, ông cho rằng, “nên ủng hộ dự án này”.
    Cũng theo Bộ trưởng, chủ trương xây tháp truyền hình đã được đặt ra từ năm 1995 (thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) song lúc đó không có điều kiện tài chính để thực hiện. Sau 20 năm, theo Bộ trưởng Nên, việc độ cao của tháp được đẩy lên và cao hơn các dự án khác 1-2m là bình thường.
    Với độ cao dự kiến là 636m, Tháp Truyền hình Việt Nam sau khi xây dựng sẽ cao hơn tháp Sky Tree ở Tokyo - Nhật Bản (634m) và tháp truyền hình Quảng Châu - Trung Quốc (600m).
    Như tin tức trước đó, đầu tháng 3 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng về chủ trương nghiên cứu, hợp tác đầu tư dự án Tháp Truyền hình Việt Nam. Công trình dự kiến được xây dựng trên khu đất hơn 14 ha tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây.
    Đây là dự án có tầm cỡ quốc tế và thuộc loại cao nhất trên thế giới, có tính chất đặc thù, nên trong quá trình chuẩn bị cũng như thực hiện đầu tư, cần có cơ chế đặc biệt do Thủ tướng quyết định về vốn, hình thức giao đất và phương thức chọn nhà thầu. Dự án cũng được áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật.
    PV(Tổng hợp)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xay-thap-truyen-hinh-co-the-vay-von-nuoc-ngoai-a89497.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan