(ĐSPL) – Dự án tháp truyền hình Việt Nam có tầm cỡ quốc tế và thuộc vào loại cao nhất trên thế giới. Dự án tháp truyền hình được thực hiện từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Tháp truyền hình Tokyo Sky Tree của Nhật Bản là tháp truyền hình cao nhất thế giới với chiều cao 634m. |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý cho Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lập công ty cổ phần để tham gia đầu tư dự án Tháp Truyền hình Việt Nam, sau khi đã làm rõ hiệu quả của dự án.
Đài Truyền hình Việt Nam lựa chọn thêm đối tác là doanh nghiệp tư nhân có năng lực về tài chính và kinh doanh góp vốn tham gia công ty cổ phần để khai thác kinh doanh dịch vụ khi dự án đi vào hoạt động.
Phần vốn góp của Đài Truyền hình Việt Nam trong công ty cổ phần là vốn huy động, vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp của Đài Truyền hình Việt Nam; phần vốn góp của SCIC là vốn kinh doanh. Khi dự án có hiệu quả, Đài Truyền hình Việt Nam và SCIC được phép bán cổ phần để thu hồi vốn.
Dự kiến, tháp Truyền hình Việt Nam sẽ được xây dựng trên khu đất diện tích hơn 14 ha tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây. Đây là một công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực truyền hình tại Việt Nam.
Dự án tháp Truyền hình có tầm cỡ quốc tế và thuộc vào loại cao nhất trên thế giới, có tính chất đặc thù, vì thế, trong quá trình chuẩn bị cũng như thực hiện đầu tư cần có cơ chế đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định về vốn đầu tư, hình thức giao đất và phương thức chọn nhà thầu nhằm đạt được hiệu quả tối ưu của dự án.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam chỉ đạo đơn vị tư vấn dự án khẩn trương xây dựng dự án tiền khả thi, trong đó cần làm rõ phương án huy động vốn, thời gian thu hồi vốn, hiệu quả của dự án và những nội dung liên quan khác.